Thị trường tiềm năng, vì sao xuất khẩu nông sản Halal vẫn 'gặp khó'?

Theo nhận định của các chuyên gia, dù tiềm năng còn rất lớn, song thực tế xuất khẩu thực phẩm Halal của Việt Nam vào thị trường này mới chỉ ở bước đầu khai phá.

Chia sẻ tại Hội thảo “Halal - từ tiêu chuẩn đến thương hiệu: Cơ hội mới cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam” do Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương tổ chức tại TP.HCM mới đây, bà Nguyễn Cẩm Trang – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh rằng ngành công nghiệp Halal có quy mô rất lớn. Việc tham gia một cách hiệu quả và bài bản vào thị trường Halal toàn cầu sẽ giúp Việt Nam khai thác tiềm năng to lớn của thị trường này, đồng thời tạo thêm động lực mới cho sự phát triển kinh tế bền vững của đất nước.

Tuy nhiên, hiện nay, xuất khẩu thực phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Halal vẫn chỉ ở giai đoạn bước đầu khai phá. Nguyên nhân chủ yếu là do tỷ lệ doanh nghiệp trong nước có chứng nhận Halal và đủ năng lực tiếp cận thị trường Halal toàn cầu còn khá thấp, đặt ra nhiều thách thức trong việc tận dụng cơ hội từ thị trường giàu tiềm năng này.

Dù tiềm năng rất lớn, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam có chứng nhận Halal và có khả năng tiếp cận thị trường Halal toàn cầu vẫn còn hạn chế.

Dù tiềm năng rất lớn, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam có chứng nhận Halal và có khả năng tiếp cận thị trường Halal toàn cầu vẫn còn hạn chế.

Ở góc nhìn của DN, bà Trịnh Thị Minh Thùy – Giám đốc Công ty TNHH XNK Thương mại và Sản xuất MT Food cho biết, với mặt hàng nông sản, thị trường Hồi giáo có sức tiêu thụ rất lớn, song giá bán không cao. Điều đáng nói, khá nhiều doanh nghiệp chỉ làm Halal theo phong trào mà không có sự đầu tư bài bản, từ đó dẫn đến thất bại nhanh chóng.

Ngoài ra, có nhiều doanh nghiệp vội vàng nhận đơn hàng khi chưa đủ năng lực, dẫn đến việc chỉ có thể hợp tác một lần thay vì xây dựng quan hệ lâu dài. "Do đó, để tiếp cận thị trường, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy và góc nhìn", bà Thùy khuyến nghị.

Nói thêm về nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế trên, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho rằng, hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa nắm rõ các quy định thương mại của các quốc gia Hồi giáo và dễ nhầm lẫn trong việc hiểu đúng khái niệm Halal. Trong khi đó, việc đầu tư vào tiêu chuẩn Halal yêu cầu doanh nghiệp không phải chỉ chuẩn bị về tài chính mà còn phải nghiên cứu kỹ về quy trình chứng nhận Halal, đồng thời đào tạo nhân sự để đáp ứng yêu cầu chất lượng của thị trường Hồi giáo.

Cùng với đó, yêu cầu chứng nhận Halal từ các cơ quan uy tín quốc tế là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp bởi thủ tục pháp lý còn phức tạp và kéo dài. Đồng thời, giấy chứng nhận Halal có sự khác biệt theo từng loại sản phẩm và doanh nghiệp cần đăng ký chứng nhận phù hợp với quy định của từng thị trường cụ thể.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam chưa xây dựng được hệ sinh thái Halal hoàn chỉnh, trong khi nhiều thị trường khác như Brazil, Singapore, và Indonesia đã có vai trò lớn trong cung ứng và chiếm thị phần với kinh nghiệm và lợi thế lâu năm. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có chiến lược phát triển hệ sinh thái Halal toàn diện, và dựng thương hiệu quốc gia về xuất khẩu nông sản Halal để có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Đưa ra giải pháp để các sản phẩm thực phẩm Halal của doanh nghiệp có thể xuất khẩu sang các nước Hồi giáo, ông Ramlan Bin Osman - Giám đốc Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia Việt Nam cho rằng, điều quan trọng là doanh nghiệp phải lựa chọn tổ chức chứng nhận Halal uy tín và được công nhận quốc tế. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất phải đảm bảo chất lượng vệ sinh, sạch sẽ, an toàn.

“Có 2 tiêu chí quan trọng nhất để đạt được chứng nhận Halal, đó là sản phẩm được phép và thứ hai là an toàn”, ông Ramlan Bin Osman nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo Giám đốc Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác bản địa tại thị trường xuất khẩu. “Đây là yếu tố có vai trò quan trọng để tiếp cận hiệu quả thị trường Trung Đông và châu Phi nói riêng, thị trường Halal toàn cầu nói chung”, ông nói thêm.

Trên thực tế, theo các chuyên gia, mỗi quốc gia Hồi giáo có một bộ tiêu chuẩn riêng về Halal, và không có công thức chung nào cho các doanh nghiệp. Do đó, để ngành thực phẩm Việt Nam thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường Halal, bà Chi cho rằng cần có sự chung tay của Nhà nước – hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp. Trong đó, cơ quan nhà nước cần có bộ tiêu chuẩn cụ thể, có những cơ quan chứng nhận uy tín. Hiệp hội ngành hàng sẽ là cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan chức năng.

“Thành công của chiến lược phát triển thị trường Halal không thể chỉ dựa vào nỗ lực riêng lẻ của doanh nghiệp. Chúng ta cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, tổ chức chứng nhận Halal quốc tế và các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại nước ngoài để hình thành một hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm Halal đồng bộ và hiệu quả”, bà Lý Kim Chi nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cũng từng chia sẻ, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo một số doanh nghiệp như: De Heus Việt Nam, C.P. Việt Nam… xuất khẩu sang thị trường Halal. Bộ cũng đã họp bàn với các doanh nghiệp để tìm các giải pháp để "bước vào" các thị trường mới, duy trì quy mô, có đà tăng trưởng năm 2025.

Được biết, sắp tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ lập riêng trang thông tin điện tử về thị trường Halal, giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt tìm hiểu kỹ hơn về cách thức đưa sản phẩm vào thị trường này.

Hồng Hương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/thi-truong-tiem-nang-vi-sao-xuat-khau-nong-san-halal-van-gap-kho-1105787.html