Thị trường tiền số chấm dứt 72 ngày sợ hãi
Chỉ số sợ hãi của nhà đầu tư đã kéo dài hơn 72 ngày. Đây là quãng thời gian sợ hãi kéo dài kỷ lục trên thị trường tiền số.
Ngày 19/7, Bitcoin bật tăng vượt mốc 22.000 USD, nhà đầu tư vẫn chưa thể thoát khỏi tâm lý tiêu cực. Theo Alternative, chỉ số Bitcoin Fear and Greed index hiện dao động quanh mốc 30/100 điểm. Đây là số liệu đánh giá tâm lý chung của nhà đầu tư, cho thấy các nhà giao dịch đang ở trạng thái sợ hãi.
Chỉ số này đã tăng 10 điểm so với ngày 18/7, sau khi Bitcoin bật tăng. Trước đó, thị trường tiền số rơi vào tình trạng sợ hãi tột độ khi giá BTC biến động thất thường. Nhà đầu tư đã có tâm lý tiêu cực trong 72 ngày. Đây là quãng thời gian sợ hãi kéo dài kỷ lục trên thị trường tiền số.
Tâm lý nhà đầu tư Bitcoin bắt đầu sụp đổ sau cú sập hồi 5/5. Khi đó, Bitcoin mất mốc hỗ trợ 30.000 USD, lao dốc về 25.228 USD. Vào giữa tháng 6, giá BTC tiếp tục rơi về mức 17.567 USD trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn.
Sau cú sập của thị trường tiền số hồi tháng 6, dữ liệu từ Alternative cho thấy chỉ số Bitcoin Fear and Greed index chạm mốc 8/100 điểm vào ngày 14/6. Đến 15/6, điểm tâm lý của nhà đầu tư rơi về 7/100 điểm. Tuy vậy, đây chưa phải là mức thấp nhất mọi thời đại. Vào 22/8/2019, chỉ số tâm lý của nhà đầu tư chạm mốc 5/100 điểm khi Bitcoin dao động quanh 10.120 USD.
Theo nhà phân tích @PositiveCrypto, trong quá khứ, thị trường tiền số từng 2 lần rơi và tâm lý sợ hãi kéo dài. Lần đầu tiên là thị trường gấu hồi năm 2018-2019, kéo dài trong 32 ngày. Lần thứ hai chỉ số sợ hãi dao động từ 0-25 điểm trong 50 ngày sau cú sập hồi tháng 3-4/2020.
@PositiveCrypto cho rằng chỉ số sợ hãi ở mức thấp kéo dài có thể báo hiệu cho một xu hướng giá đảo chiều trong ngắn hạn. Ở chiều ngược lại, tình hình kinh tế vĩ mô bất ổn, lạm phát toàn cầu khiến dòng tiền khó chảy vào thị trường bởi đây là loại tài sản rủi ro cao.
Ngày 19/7, đồng coin hàng đầu thế giới đã tăng khoảng 6,8% lên mức 23.000 USD. Đây cũng là giá của Bitcoin vào giữa tháng 6 trước khi liên tục tụt dốc không phanh. Tiếp nối xu hướng đó, các loại altcoin (những loại tiền mã hóa khác) cũng tăng trưởng. Ether, tiền mã hóa có vốn hóa lớn chỉ sau Bitcoin, tăng gần 11%, chạm mốc 1.631 USD/đồng.
Bitcoin đã phải chật vật để thoát khỏi vùng giá 19.000-20.000 USD sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ và nhiều công ty cho vay tiền điện tử lớn sụp đổ. Bên cạnh đó, sự cố stablecoin UST của hệ sinh thái Terra cũng là một trong những nhân tố chủ chốt gây nên khủng hoảng thị trường trong 2 tháng qua.
Đà tăng giá bền vững này có thể tạo thêm động lực đầu cơ kìm hãm các tài sản tiền số. Julian Hosp, đồng sáng lập Cake Defi, một nhà cung cấp giải pháp ví tiền điện tử, cho rằng sự kìm hãm này có thể kéo dài tới cuối năm.
Thông tin về loại tiền số trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ Zing News. Hoạt động đầu tư tiền mã hóa chưa được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thi-truong-tien-so-cham-dut-72-ngay-so-hai-post1337106.html