Thị trường tiêu dùng Trung Quốc đón nhận nhiều tín hiệu tích cực
Đầu năm mới Nhân Dần 2022, thị trường tiêu dùng Trung Quốc đón nhận nhiều tín hiệu tích cực dưới 'tác động kép' của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và Thế vận hội mùa đông lần thứ 24 mà nước này đang đăng cai tổ chức.
Nhiều xu hướng tiêu dùng mới
Tết Nguyên đán là ngày lễ truyền thống quan trọng nhất của người dân Trung Quốc, là thời gian mà nhu cầu tiêu dùng lên cao nhất trong năm. Theo báo chí Trung Quốc, thị trường tiêu dùng trong dịp nghỉ Tết năm nay có nhiều xu hướng mới, thể hiện rõ khả năng phục hồi và tiềm năng phát triển tiêu dùng ở đất nước 1,4 tỷ dân, góp phần hình thành thị trường trong nước lớn mạnh, thúc đẩy nền kinh tế phát triển với chất lượng cao.
Người tiêu dùng Trung Quốc đã quan tâm nhiều hơn đến chất lượng, hàm lượng văn hóa và công nghệ cũng như những trải nghiệm từ sản phẩm và dịch vụ. Các sản phẩm sản xuất trong nước và thương hiệu thời trang Trung Quốc đã dần thay thế "hàng ngoại". Đặc biệt, các sản phẩm tiêu dùng có hàm lượng công nghệ cao ngày càng được người dân ưa thích và lựa chọn.
Theo số liệu của JD.com, hãng bán lẻ trực tuyến hàng đầu Trung Quốc, doanh số tiêu thụ các mặt hàng kính VR (thực tế ảo), bộ điều khiển trò chơi và robot dọn nhà lần lượt tăng 4,8 lần, 36,5% và 30,3% so cùng kỳ năm ngoái.
Tiêu dùng văn hóa và du lịch trải nghiệm đã khôi phục nhanh chóng. Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đã có 251 triệu lượt người Trung Quốc đi du lịch trong nước, tương đương với 73,9% lượng khách du lịch cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi bùng phát dịch Covid-19. Xem kịch nói, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, triển lãm cũng như tham gia các hoạt động văn hóa đa dạng đã trở thành sự lựa chọn của người dân mỗi dịp Tết đến xuân về. Điển hình như thành phố Bắc Kinh, dịp nghỉ lễ đã có 763 buổi biểu diễn thương mại được tổ chức, tăng 357% so cùng kỳ năm trước.
Hình thức tiêu dùng đã chuyển đổi sang kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến. Đối tượng người tiêu dùng chủ lực là thế hệ 8X và 9X, đã lựa chọn cách thức tiêu dùng tiện lợi, nhanh chóng và an toàn. Theo số liệu thống kê, số đơn hàng đặt bữa cơm tất niên cuối năm tăng gấp đôi so năm ngoái, số lượng cửa hàng kinh doanh đồ ăn cho bữa cơm tất niên cũng tăng hơn gấp đôi, với các mặt hàng đồ ăn chín truyền thống như hoành thắn, sủi cảo... Đáng chú ý, dịp Tết âm lịch năm nay, thị trường tiêu dùng khu vực nông thôn Trung Quốc cũng hết sức sôi động, với lượng tiêu thụ hoa quả tươi tăng hơn 3 lần, các mặt hàng điện tử, điện lạnh cũng tăng trưởng mạnh.
Về lĩnh vực du lịch, xu hướng nổi bật trong kỳ nghỉ lễ là người dân nông thôn đi du lịch thành phố và ngược lại. Số lượng đặt phòng khách sạn ở nông thôn tăng hơn gấp đôi so dịp Tết năm ngoái, người dân nông thôn cũng lựa chọn các dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng kết hợp thăm hỏi người thân, bạn bè, với tỷ lệ đi du lịch cao tới 19,1%...
"Chất xúc tác" từ Thế vận hội mùa đông
Trung Quốc đăng cai, chuẩn bị và tổ chức Thế vận hội mùa đông lần thứ 24, sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, đã thúc đẩy khoảng 346 triệu người dân nước này tham gia các hoạt động thể dục, thể thao liên quan đến băng tuyết. Dịp Tết Nguyên đán năm nay, cũng trùng với thời điểm khai mạc Thế vận hội, khiến sự kiện này trở thành “chất xúc tác” thúc đẩy thị trường tiêu dùng nước này đón nhiều tín hiệu tích cực.
Theo thống kê, số lượng đơn đặt hàng các sản phẩm liên quan đến du lịch trải nghiệm băng tuyết tăng hơn 30% so cùng kỳ năm ngoái; số vé vào cửa các khu du lịch trải nghiệm băng tuyết, trượt băng cũng tăng gần 40%.
Sau lễ khai mạc, linh vật chính thức của Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh là chú gấu trúc Băng Đôn Đôn (tên gọi tiếng Anh là Bing Dwen Dwen), đã tạo ra một “cơn sốt” các mặt hàng lưu niệm, trưng bày liên quan đến hình tượng này. Với tạo hình sống động, đáng yêu, thú vị và đầy năng lượng tích cực, các sản phẩm liên quan đến Băng Đôn Đôn đã "cháy hàng" chỉ sau 1 đêm.
Không chỉ các đồ lưu niệm của Thế vận hội mùa đông như Băng Đôn Đôn được ưu chuộng, mà doanh số tiêu dùng các thiết bị, dụng cụ thể thao như ván trượt tuyết, giày trượt băng, quần áo trượt tuyết cũng đều tăng trưởng trên 3 lần, doanh thu của các khu trượt tuyết lớn ở khắp Trung Quốc cũng tăng cao, từ đó hình thành một thị trường tiêu dùng liên quan thể thao băng tuyết.
Theo các chuyên gia kinh tế, lợi ích mà Thế vận hội mùa đông đem lại còn rất lớn, nhất là trong kích thích tiêu dùng trong nước. Với 24,56% người dân tham gia các loại hình thể thao băng tuyết, trong đó có 70,35% người dân lựa chọn để vui chơi và nghỉ dưỡng, 15,78% lựa chọn để rèn luyện sức khỏe và 11,49% lựa chọn theo sở thích, sẽ tạo ra một dư địa và tiềm năng tăng trưởng rất lớn cho các mặt hàng tiêu dùng và dịch vụ liên quan đến thể thao băng tuyết ở quốc gia đông dân nhất thế giới.