Vì sao tỷ lệ sinh ở Na Uy giảm sâu dù phúc lợi hàng đầu thế giới?

Dù nổi tiếng với các chính sách phúc lợi gia đình hàng đầu thế giới, Na Uy đang chứng kiến tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp chưa từng thấy. Chính phủ nước này đã phải thành lập ủy ban đặc biệt để tìm nguyên nhân và đề xuất giải pháp đảo ngược xu hướng đáng lo ngại này.

Cha mẹ ở Na Uy được hưởng 12 tháng nghỉ phép có lương khi sinh con. Ảnh: Jackietraveller Oslo/Alamy

Cha mẹ ở Na Uy được hưởng 12 tháng nghỉ phép có lương khi sinh con. Ảnh: Jackietraveller Oslo/Alamy

Tỷ lệ sinh xuống mức thấp kỷ lục

Theo tờ Guardian, trong hai thập kỷ qua, tỷ lệ sinh của Na Uy đã giảm mạnh, từ mức 1,98 con/phụ nữ vào năm 2009 xuống chỉ còn 1,40 vào năm 2023, mức thấp nhất từng ghi nhận. Tình trạng này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo tại một quốc gia vốn được xem là hình mẫu toàn cầu về môi trường lý tưởng để nuôi dạy trẻ.

Na Uy hiện có chế độ nghỉ sinh rộng rãi với 12 tháng nghỉ có lương cho cha mẹ, dịch vụ chăm sóc trẻ em được trợ cấp cao, và hệ thống an sinh xã hội vững chắc. Tuy nhiên, những chính sách này dường như không còn đủ để thuyết phục người dân sinh nhiều con hơn.

Các chuyên gia cho rằng sự sụt giảm này không chỉ bắt nguồn từ yếu tố kinh tế, mà còn là kết quả của sự thay đổi lớn trong nhận thức xã hội và văn hóa về việc làm cha mẹ.

Theo bà Rannveig Kaldager Hart, Chủ tịch Ủy ban Tỷ lệ sinh Na uy, có hai xu hướng đáng chú ý: người trẻ ở độ tuổi 20 trì hoãn sinh con, trong khi tỷ lệ sinh ở nhóm tuổi 30, nhóm vốn có tỷ lệ sinh tăng, nay cũng đang chững lại hoặc giảm. Đồng thời, việc có nhiều hơn hai con ngày càng hiếm, và số người không sinh con cũng tăng.

Một nguyên nhân đáng chú ý khác là sự bùng nổ của xu hướng "nuôi dạy con cái chuyên sâu", tức cách nuôi dạy tập trung cao độ vào sự phát triển toàn diện của trẻ. Xu hướng này đòi hỏi nhiều thời gian, cảm xúc và đầu tư tài chính từ cha mẹ.

“Nếu bạn muốn theo sát từng đứa trẻ, đưa chúng đi học thêm, tham gia hoạt động ngoại khóa, chuẩn bị mọi thứ chu đáo, thì có lẽ hai con là đủ. Ba con trở thành gánh nặng,” bà Kaldager Hart nhận định.

Tỷ lệ sinh thấp không chỉ là vấn đề cá nhân hay gia đình, mà còn tác động sâu rộng đến cấu trúc xã hội, kinh tế và thậm chí cả văn hóa. Nếu xu hướng hiện tại tiếp diễn, Na Uy sẽ đối mặt với lực lượng lao động suy giảm, gánh nặng chăm sóc người cao tuổi tăng lên và nguy cơ mất cân bằng trong “hợp đồng thế hệ”.

“Một xã hội có ít trẻ em sẽ là nơi việc nuôi dạy trẻ khó khăn hơn, nguồn lực dành cho giáo dục bị thu hẹp, và tương lai trở nên bấp bênh hơn,” bà Kaldager Hart cảnh báo.

Tỷ lệ sinh củ Na Uy đang thấp kỷ lục. Đồ họa: The Guardian

Tỷ lệ sinh củ Na Uy đang thấp kỷ lục. Đồ họa: The Guardian

Chính sách hỗ trợ tốt nhưng chưa đủ

Mặc dù Na Uy đang dẫn đầu thế giới về chính sách thân thiện với gia đình, nhưng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng kỳ vọng văn hóa về vai trò của cha mẹ đã trở thành rào cản vô hình.

“Chúng ta cần suy nghĩ lại về những gì mình mong đợi từ cha mẹ,” bà Raquel Herrero-Arias, chuyên gia tại Đại học Bergen, nhấn mạnh. “Chính sách có thể rất tốt, nhưng nếu văn hóa nuôi dạy con cái vẫn đòi hỏi quá cao, thì vẫn không đủ.”

Ngoài ra, chi phí nhà ở tăng cao cũng đang khiến nhiều người trẻ ngần ngại lập gia đình và sinh con. “Không như chi phí chăm sóc trẻ đang giảm, giá nhà ngày càng đắt đỏ, khiến việc sở hữu nhà trở thành điều kiện tiên quyết khó đạt được để bắt đầu có con,” báo cáo của Ủy ban Tỷ lệ sinh chỉ rõ.

Marita Lokken, 22 tuổi, sinh viên ngành giáo dục đặc biệt tại Đại học Oslo, chia sẻ rằng cô mong muốn có hai hoặc ba đứa con trong tương lai, nhưng không bất ngờ khi tỷ lệ sinh giảm sút, nhất là khi việc thăng tiến sự nghiệp ngày càng đòi hỏi thời gian dài hơn.

“Có bằng cử nhân mà không tìm được việc làm thì chẳng có giá trị gì, rồi lại phải học thêm để có cơ hội. Mọi người phải trì hoãn rất lâu mới có thể nghĩ đến chuyện sinh con. Vì vậy, điều này không có gì đáng ngạc nhiên,” Lokken nói.

Cô cũng cho biết, nếu điều kiện cuộc sống khác đi, nhiều người sẽ quyết định có con sớm hơn. "Hiện tại, chi phí sinh hoạt đang rất cao, nhất là khi lạm phát đang ở mức phi lý. Có quá nhiều yếu tố ảnh hưởng, thật khó để đối mặt với tất cả," cô nói thêm.

Hỗ trợ tài chính sớm

Trước thực trạng đáng lo ngại, Ủy ban Tỷ lệ sinh đã đưa ra một số khuyến nghị ban đầu nhằm thúc đẩy sinh đẻ ở nhóm dân số trẻ.

Theo đó, chính phủ Na Uy có thể xem xét tăng trợ cấp nuôi con cho các bậc cha mẹ dưới 30 tuổi, đồng thời hỗ trợ tài chính và xóa một phần khoản nợ sinh viên đối với những người sinh con trước tuổi 30.

Đồng thời, Ủy ban cũng nhấn mạnh cần xem xét các biện pháp kiểm soát giá nhà ở, đặc biệt tại các thành phố lớn, nơi chi phí sinh hoạt cao đang trở thành rào cản đáng kể đối với việc lập gia đình và sinh con.

Đây được xem là những biện pháp nhằm giảm bớt gánh nặng kinh tế, một trong những rào cản lớn khiến nhiều người trẻ trì hoãn việc lập gia đình và sinh con.

Một báo cáo đầy đủ dự kiến sẽ được công bố vào tháng 2.2026, trong đó đánh giá chi tiết các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định sinh con và đề xuất chính sách cụ thể.

Na Uy là minh chứng cho thấy chính sách tốt là điều kiện cần, nhưng không phải điều kiện đủ. Khi văn hóa xã hội thay đổi, khi áp lực làm cha mẹ ngày càng lớn, thì việc sinh con không chỉ là quyết định tài chính, mà là quyết định liên quan đến chất lượng sống, chất lượng nuôi dạy con cái.

NGHIÊM THANH

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/the-gioi/vi-sao-ty-le-sinh-o-na-uy-giam-sau-du-phuc-loi-hang-dau-the-gioi-135385.html