Thị trường trái phiếu doanh nghiệp ấm dần

Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp được dự báo sẽ sôi nổi hơn trong quý IV/2024 khi nhu cầu vốn của doanh nghiệp phục hồi và thị trường bất động sản khởi sắc tích cực.

Các ngân hàng đang đóng vai trò là tổ chức phát hành chính trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Các ngân hàng đang đóng vai trò là tổ chức phát hành chính trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Nhóm ngân hàng đang là động lực chính

Ngân hàng và bất động sản là hai nhóm doanh nghiệp chính trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong các năm qua. Tuy nhiên, kể từ khi thị trường trái phiếu gặp khủng hoảng vào cuối năm 2022, nhóm ngân hàng đã trở thành động lực chủ chốt của thị trường này.

Theo số liệu do Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp, trong tháng 8 (tính tới ngày 23/8/2024), có 24 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận, với tổng giá trị đạt 33.390 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm tới nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 222.752 tỷ đồng, với 13 đợt phát hành ra công chúng trị giá 22.773 tỷ đồng (chiếm 10,2%) và 206 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 199.979 tỷ đồng (chiếm 89,8%).

Xét về cơ cấu phát hành theo ngành nghề, các ngân hàng thương mại áp đảo thị trường sơ cấp, chiếm tới 87% tổng giá trị phát hành, theo FiinRatings. Một số nhà phát hành là ngân hàng trong các tháng qua có thể kể đến như MB (10.000 tỷ đồng), Vietinbank (5.000 tỷ đồng), SHB (3.000 tỷ đồng), Agribank (10.000 tỷ đồng)...

Trái phiếu của các tổ chức tín dụng chủ yếu có kỳ hạn 3 năm (đối với các ngân hàng tư nhân) và trên 5 năm (đa phần là các ngân hàng quốc doanh). Để đáp ứng nhu cầu tín dụng đã tăng nhanh từ tháng 6/2024, trong khi chưa tăng được vốn điều lệ, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục củng cố nguồn vốn trên 3 năm qua việc phát hành trái phiếu.

Trong khi đó, hoạt động huy động vốn qua kênh trái phiếu của ngành bất động sản vẫn ảm đạm, khi tháng 7 chỉ ghi nhận 3 đợt phát hành với tổng giá trị 3.800 tỷ đồng, thấp nhất kể từ tháng 3 đến nay. Doanh nghiệp bất động sản phát hành lớn nhất là Công ty Bất động sản Hải Đăng, với lô trái phiếu 1,5 năm giá trị gần 3.000 tỷ đồng.

Theo VBMA, có thể thấy hoạt động phát hành trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn khi lượng phát hành từ những doanh nghiệp thuộc nhóm sản xuất hay hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng gần như không có. Hầu hết các đợt phát hành đến từ các ngân hàng thương mại trong nửa đầu năm 2024.

Động lực nào cho nửa cuối năm?

Ông Nguyễn Đình Duy, Giám đốc, chuyên gia phân tích cao cấp, Khối Xếp hạng và Nghiên cứu VIS Rating cho biết, ngân hàng và bất động sản là hai nhóm ngành chính phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam trong 5 năm trở lại đây, với tỷ trọng lần lượt là 40% và 28% tổng giá trị mệnh giá toàn thị trường. Dữ liệu này được tính kể từ năm 2019 đến tháng 7/2024, bao gồm cả phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng. Tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2024, nhóm ngân hàng phát hành 66% tổng giá trị mệnh giá, còn nhóm bất động sản phát hành 21%.

Theo ông Duy, nửa cuối năm 2024, nhóm ngân hàng tiếp tục chiếm tỷ trọng chính trong tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới, trong khi nhóm bất động sản sẽ có lượng phát hành tăng chậm hơn. Đối với nhóm ngân hàng, nhu cầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 12 - 18 tháng tới vẫn duy trì ở mức cao. Nguyên nhân là, các ngân hàng cần tăng cường huy động vốn trung và dài hạn để đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn (như tỷ lệ tối đa về vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, hay tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu - CAR), nhất là trong bối cảnh các ngân hàng đang đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng với mục tiêu tăng 15% toàn ngành trong năm 2024.

Đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản, ông Duy cho rằng, trong nửa đầu năm 2024, hoạt động phát hành trái phiếu hồi phục với tốc độ chậm kể từ sau cuộc khủng hoảng về chậm trả gốc, lãi trái phiếu năm 2022.

“Nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản vẫn rất lớn, tuy nhiên trong ngắn hạn, các doanh nghiệp ngành này đang ưu tiên kênh tín dụng từ ngân hàng. Dư nợ cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 13,1%, cao hơn hẳn so với đà tăng tín dụng chung”, ông Duy phân tích.

Cũng theo số liệu của VIS Rating, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng theo mệnh giá, tương đương gần 11% GDP danh nghĩa của năm 2023. Theo định hướng của Chính phủ tại Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, mục tiêu quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp là 25% GDP vào năm 2030.

Ước tính để có thể đạt được mục tiêu này, mỗi năm, lượng phát hành mới phải đạt từ 800.000 - 900.000 tỷ đồng. Thông điệp từ Chính phủ cho thấy, mặc dù trải qua những trục trặc gần đây nhưng trái phiếu doanh nghiệp vẫn được cơ quan quản lý định hướng là một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Hiện ở Việt Nam, doanh nghiệp vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng cho cả nhu cầu ngắn hạn và dài hạn, tuy nhiên khả năng tài trợ vốn dài hạn của các ngân hàng thương mại bị giới hạn vì cấu trúc nguồn huy động của ngân hàng tập trung ở kỳ hạn ngắn. Vì thế, VIS Rating cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp sẽ dần được các doanh nghiệp sử dụng nhiều hơn để đáp ứng các nhu cầu đầu tư sản xuất - kinh doanh ở kỳ hạn dài.

Thực tế, một số doanh nghiệp thuộc nhóm sản xuất - thương mại đang bắt đầu rục rịch quay trở lại kênh huy động vốn này. Ngày 24/8 vừa qua, Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển Đô Thị Kinh Bắc (mã KBC) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý III/2024 với giá trị tối đa 1.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo. Trái phiếu có kỳ hạn 2 năm với lãi suất cố định 10,5%/năm. Công ty cho biết, số tiền huy động sẽ được dùng để cơ cấu lại các khoản nợ của Kinh Bắc và các đơn vị thành viên.

Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDC) trong tháng 8 vừa qua cũng có hai đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị 500 tỷ đồng. Đợt 1, vào ngày 14/8, Công ty phát hành thành công 200 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 3 năm. Đợt 2, vào ngày 21/8, Công ty phát hành xong 300 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 3 năm. Lãi suất trái phiếu của cả 2 đợt phát hành là 10,5%/năm.

Hay mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư và Du lịch Vạn Hương (trụ sở chính tại TP. Hải Phòng) phát hành thành công hơn 1.396 tỷ đồng trái phiếu. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào ngày 16/7/2027.

MBS Research dự báo, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ sôi nổi hơn trong quý IV/2024 khi nhu cầu vốn của doanh nghiệp phục hồi, thị trường bất động sản bắt đầu ấm dần, cũng như nhu cầu mở rộng sản xuất - kinh doanh đang tích cực theo đà phục hồi của nền kinh tế.

Kỷ luật thị trường là yếu tố tiên quyết

Ông Nguyễn Đình Duy, Giám đốc, chuyên gia phân tích cao cấp, Khối Xếp hạng và Nghiên cứu VIS Rating

Ông Nguyễn Đình Duy, Giám đốc, chuyên gia phân tích cao cấp, Khối Xếp hạng và Nghiên cứu VIS Rating

Trải qua giai đoạn 2022 - 2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khủng hoảng về niềm tin, nhiều doanh nghiệp chậm trả gốc lãi khiến cho tâm lý thị trường e ngại sản phẩm trái phiếu. Theo thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2024, các nhóm ngành như sản xuất, hàng tiêu dùng, năng lượng chỉ đóng góp gần 10% tổng mệnh giá phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới.

Trong bối cảnh này, kỷ luật thị trường là yếu tố tiên quyết để lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư. Kỷ luật thị trường đến từ tất cả đối tượng tham gia thị trường và sự tham gia của cơ quan quản lý sẽ góp phần tăng cường yếu tố này, tạo một môi trường đầu tư lành mạnh sẽ thu hút được nhà đầu tư tham gia. Trong đó, tổ chức phát hành phải phát hành đúng mục đích, sử dụng vốn đúng mục đích, đảm bảo minh bạch thông tin, gia tăng quản trị dòng tiền để đảm bảo trả nợ đúng hạn, xây dựng uy tín với thị trường.

Các đơn vị trung gian thực hiện đúng chức năng hỗ trợ tổ chức phát hành và nhà đầu tư, gia tăng tính minh bạch trong hoạt động. Từ phía cơ quan quản lý, cần đảm bảo hệ thống giao dịch vận hành ổn định, thực hiện đúng chế tài để xử lý các thành phần tham gia thị trường vi phạm quy định, duy trì một môi trường đầu tư tài chính lành mạnh.

Thứ hai, nhà đầu tư chuyên nghiệp dài hạn là một bệ đỡ quan trọng giúp doanh nghiệp có thể huy động trái phiếu dài hạn. Nhà đầu tư chuyên nghiệp không chỉ đến từ nước ngoài mà còn là các quỹ đầu tư, quỹ bảo hiểm, quỹ hưu trí nội địa. Đây là những cầu nối vừa giúp bảo vệ nhà đầu tư cá nhân vừa tạo ra lượng cầu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Thứ ba, cần xây dựng các tham chiếu thị trường, giúp cho việc đưa ra quyết định đầu tư, mua bán trái phiếu doanh nghiệp dễ dàng hơn thông qua hoạt động của các đơn vị xếp hạng tín nhiệm tổ chức phát hành và trái phiếu.

Lam Phong

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-am-dan-post352888.html