Thị trường trái phiếu doanh nghiệp được điều chỉnh hợp lý hơn
Mặc dù thị trường ( trái phiếu doanh nghiệp) TPDN của Việt Nam là nhỏ nhất trong 6 thị trường TPDN của ASEAN, nhưng gần đây đã phát triển rất nhanh.
Báo cáo tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và các công ty chứng khoán cho thấy, giá trị phát hành TPDN trong 7 tháng đầu năm 2020 lên đến 179.500 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ. Trong đó, DN bất động sản dẫn đầu về khối lượng phát hành trái phiếu trong quý II-2020 và khách hàng mua trái phiếu của doanh nghiệp (DN) bất động sản nhiều nhất là các ngân hàng thương mại (NHTM).
“Lách” cho vay bất động sản
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán (SSI), nhóm các DN bất động sản phát hành TPDN nhiều nhất trong quý 2-2020, đạt 71.600 tỷ đồng, chiếm 41,8% lượng phát hành và tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý, các NHTM mua 28.200 tỷ đồng trái phiếu bất động sản trên thị trường sơ cấp, chiếm 40% lượng phát hành của các DN này. Tuy nhiên, số lượng TPDN mà các NHTM mua thực tế có thể lớn hơn vì nhiều lô phát hành chỉ ghi là tổ chức trong nước mua.
Thống kê của các công ty chứng khoán cho thấy, hết quý 1-2020, lượng TPDN do 18 NHTM niêm yết trên thị trường nắm giữ đến 165.200 tỷ đồng, tăng 37.200 tỷ đồng so với cuối năm 2019, nhiều nhất là Techcombank và VPBank. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn do ảnh hưởng Covid-19, các DN bất động sản cũng bị ảnh hưởng trong việc cơ cấu tài chính. Cùng với đó, các ngân hàng siết cho vay bất động sản nên các DN này đẩy mạnh phát hành trái phiếu để huy động vốn. Mặc dù kênh trái phiếu được thúc đẩy nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng, tuy nhiên, không ít đợt phát hành TPDN của DN bất động sản, các NHTM mua nguyên lô. Việc này khiến nhiều người lo ngại có hiện tượng ngân hàng cho vay bất động sản thông qua việc mua TPDN có thể gây nhiều rủi ro.
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, để vay trực tiếp, DN phải đủ điều kiện vay và phải có tài sản thế chấp. Trong khi đó, nếu ngân hàng mua TPDN thì hoàn toàn theo hình thức tín chấp nên rủi ro về phía các NHTM rất lớn. “Theo quy định, việc mua TPDN không được xem là một khoản đầu tư nên các ngân hàng vẫn phải cộng với khoản cho vay trên sổ sách. Tuy nhiên, các ngân hàng thường tách phần mua trái phiếu của DN bất động sản ra khỏi các dư nợ nhằm giảm được dư nợ trên sổ sách”- ông Hiếu cho hay.
Lý giải thêm việc các NHTM “ôm” TPDN, một chuyên gia cho rằng, có thể đằng sau việc các NHTM mua TPDN của DN bất động sản là câu chuyện cơ cấu lại nợ. Nhiều khoản vay đang có nguy cơ biến thành nợ xấu, không loại trừ khả năng các DN phát hành trái phiếu và ngân hàng mua. DN bất động sản dùng tiền bán trái phiếu đó để trả nợ cho ngân hàng và đây là một hình thức đảo nợ. Việc này cũng gây ra những rủi ro cho nền kinh tế chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần có những giám sát đặc biệt về trái phiếu của các DN bất động sản mà ngân hàng đang mua lại.
Xử lý bất cập
Mặc dù thị trường TPDN của Việt Nam là nhỏ nhất trong 6 thị trường TPDN của ASEAN, nhưng gần đây đã phát triển rất nhanh. Giá trị của thị trường TPDN Việt Nam chiếm từ 9,01% GDP năm 2018 lên 11,3% GDP năm 2019 - vượt xa mục tiêu 7% GDP mà Chính phủ đặt ra vào năm 2020, khiến Việt Nam trở thành thị trường TPDN phát triển nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á. Sự phát triển “nóng” của thị trường TPDN, nhất là năm 2019 và nửa đầu năm 2020 đã xuất hiện một số trường hợp có quy mô phát hành lớn so với vốn chủ sở hữu, lãi suất cao bất thường, cũng như sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân có xu hướng mở rộng. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro trong bối cảnh thị trường thiếu minh bạch thông tin, chưa có xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành…
Trong bối cảnh này, Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều quy định điều chỉnh, sửa đổi chặt chẽ hơn, tạo hành lang an toàn hơn cho cả DN và nhà đầu tư tham gia thị trường. Nghị định 81/2020 bổ sung một số điều của Nghị định 163/2018 của Chính phủ quy định về phát hành TPDN chính thức có hiệu lực từ ngày 1-9 quy định, tổng số trái phiếu phát hành của DN không được vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu và khoảng cách giữa 2 lần phát hành phải tối thiểu 6 tháng, mỗi DN chỉ phát hành 1-2 đợt mỗi năm. DN phát hành trái phiếu phải kê khai mục đích phát hành và lập kế hoạch kinh doanh rõ ràng để nhà đầu tư giám sát việc sử dụng vốn. Các quy định này, theo nhiều chuyên gia sẽ làm “hạ nhiệt” thị trường TPDN, nhất là hạn chế được rủi ro thanh toán trái phiếu của DN bất động sản.
Theo HNX, tháng 7-2020, nhiều DN bất động sản đã phát hành nhiều lô TPDN lớn. Trong đó, nhiều thương vụ của các DN bất động sản với tổng giá trị phát hành lên đến 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình hình phát hành TPDN tháng 7-2020 sụt giảm đáng kể so với tháng 6. Số đợt đăng ký tháng 7-2020 là 294 đợt, giá trị tương đương 75.591 tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị phát hành thành công chỉ đạt 1/4 lượng đăng ký, khoảng 19.944 tỷ đồng, giảm 53% so với tháng 6-2020 và giảm 38% so với cùng kỳ năm 2019.
Đại diện Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết, sự sụt giảm sức cầu TPDN trong tháng 7 có một số nguyên nhân. Từ đầu tháng 6, Bộ Tài chính liên tục cảnh báo rủi ro sau khi hoạt động phát hành TPDN tăng đột biến trong tháng 5 và tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân tham gia các đợt phát hành riêng lẻ có xu hướng tăng, điều này đã khiến tâm lý nhà đầu tư có phần thận trọng hơn trong tháng 6 và tháng 7. Dịch Covid-19 tái phát cuối tháng 7 khiến nhu cầu nắm giữ tiền mặt tăng để phòng ngừa rủi ro, nhất là đối với các nhà đầu tư tổ chức (là chủ thể chính tham gia thị trường TPDN), làm giảm sức cầu.
Thêm nữa, các quy định của Bộ Tài chính cũng như Luật Doanh nghiệp sửa đổi (Quốc hội thông qua ngày 17-6) chính thức “cấm cửa” các nhà đầu tư không chuyên mua bán TPDN phát hành riêng lẻ từ năm 2021, làm giảm sức cầu từ các nhà đầu tư cá nhân. Các chuyên gia của SSI cho rằng, sau ngày 1-9, khi Nghị định 81/2020 có hiệu lực, các đợt phát hành riêng lẻ sẽ giảm mạnh, các DN có nhu cầu phần lớn sẽ phải chuyển qua phát hành ra công chúng. Cùng với việc NHNN giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, kênh tín dụng của các NHTM sẽ trở lại thành kênh tài trợ vốn chính cho DN, nhất là DN bất động sản.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối Kinh doanh tiền tệ - Thị trường vốn HSBC Việt Nam:
Cần hoàn thiện quy định pháp luật
Việc phát hành TPDN chỉ phù hợp cho các DN đã phát triển và tạo dựng được uy tín trên thị trường. DN cần phải có năng lực quản trị, minh bạch và chuyên nghiệp để đáp ứng các tiêu chuẩn phát hành TPDN. Một khung đánh giá chi tiết rất cần thiết để tránh rủi ro tiềm ẩn trên thị trường. Thông thường, các vấn đề nảy sinh khi cơ sở hạ tầng của thị trường không theo kịp tốc độ phát triển. Hiện nay, bất kỳ DN nào muốn tiến hành chào bán TPDN ra công chúng cũng gặp rất nhiều thủ tục và yêu cầu phức tạp, nên họ sẽ lựa chọn phát hành riêng lẻ. Vì vậy, Việt Nam cần hoàn thiện các quy định pháp luật đối với hoạt động thanh toán, phát hành và kinh doanh trái phiếu.
Việt Nam đang thiếu vắng các công ty xếp hạng tín nhiệm và tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế để hỗ trợ các tổ chức phát hành TPDN địa phương. Để tránh rủi ro cho các nhà đầu tư và hoạt động phát hành trái phiếu, Bộ Tài chính cần xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm bền vững và trung tâm thông tin thị trường TPDN.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV:
Quy định mới giúp chuẩn hóa và lành mạnh hóa thị trường TPDN
Nghị định 81/2020 đưa ra các quy định mới không cản trở việc huy động vốn bằng trái phiếu của DN mà để các DN tuân thủ một số điều kiện chặt chẽ hơn về hạn mức phát hành, thời hạn phát hành, phải có kiểm toán độc lập, công bố thông tin và thuê tư vấn phát hành chuyên nghiệp. Cụ thể, xác định giới hạn theo hướng hạn chế tỷ lệ đòn bẩy lớn, tiềm ẩn rủi ro đối với chính DN và nhà đầu tư. Quy định mới cũng sàng lọc và nâng cao tiêu chuẩn đối với nhà đầu tư cá nhân, đòi hỏi họ phải có kiến thức, chuyên nghiệp hơn mới có thể tham gia vào kênh đầu tư này. Nghị định 81/2020 sẽ giúp hệ thống được bài bản hơn, chuẩn hóa, lành mạnh hóa thị trường và kiểm soát rủi ro cho cả nhà đầu tư và DN.
Nếu DN muốn huy động vốn lớn hơn, còn sự lựa chọn khác là phát hành ra công chúng, nếu phát hành riêng lẻ phải có điều kiện nhất định.