Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024: 'Gạn đục, khơi trong'

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vừa khép lại một năm khó quên: đóng băng trong nửa đầu năm và khởi sắc rõ rệt vào nửa cuối năm. Thị trường TPDN đã và đang phát triển lành mạnh hơn sau giai đoạn thanh lọc, dần chứng tỏ được vai trò tích cực của kênh dẫn vốn an toàn, minh bạch để nhà đầu tư quay trở lại thị trường.

“Lội ngược dòng” trong nửa cuối năm

Năm 2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) gặp nhiều khó khăn, bị tác động nặng nề sau những vụ việc trên thị trường tài chính tháng 10/2022, cùng với diễn biến xấu trên thị trường tài chính trong và ngoài nước. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt trong các lĩnh vực có liên quan đến thị trường này, từ việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đến duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), việc Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế với chính sách hoãn thực hiện một số quy định của Nghị định 65/2022/NĐ-CP và cho phép DN, nhà đầu tư có các cơ chế đàm phán, giãn, hoãn và hoán đổi trái phiếu đã góp phần tích cực giúp thị trường có những dấu hiệu tích cực hơn.

Tính đến ngày 22/12/2023, tổng giá trị TPDN phát hành được ghi nhận đạt gần 274.000 tỷ đồng (Ảnh minh họa: KT)

Tính đến ngày 22/12/2023, tổng giá trị TPDN phát hành được ghi nhận đạt gần 274.000 tỷ đồng (Ảnh minh họa: KT)

Theo đó, nếu như trong Quý 1/2023 hầu như không có đợt phát hành nào thì từ Quý 2 trở đi, DN đã quay lại phát hành được trái phiếu, khối lượng phát hành tháng sau cao hơn tháng trước. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong 11 tháng của năm 2023, đã có 77 DN phát hành với khối lượng khoảng 220.000 tỷ đồng. Trong đó, số lượng trái phiếu phát hành được kể từ khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực là 213.500 tỷ đồng. Còn theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu (VBMA), tính đến ngày công bố thông tin 22/12/2023, tổng giá trị TPDN phát hành được ghi nhận đạt gần 274.000 tỷ đồng, trong đó 90,1% là trái phiếu phát hành riêng lẻ.

Bà Nguyễn Ngọc Anh, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI đánh giá, từ cuối năm 2022, toàn bộ các thành viên thị trường đều quan ngại về những điều sẽ xảy ra đối với thị trường TPDN trong năm 2023, nhưng đến thời điểm này, có thể nói rằng thị trường TPDN đã "hạ cánh mềm". Theo bà Nguyễn Ngọc Anh, cùng với việc quyết liệt ban hành Nghị định 08/NĐ-CP để có cơ sở pháp lý giúp các bên cùng đàm phán và gia hạn thì việc đưa vào vận hành sàn giao dịch TPDN riêng lẻ thứ cấp trong một thời gian rất nhanh, chưa từng có tiền lệ cũng giúp hỗ trợ rất lớn cho việc xây dựng lại niềm tin của nhà đầu tư và thị trường.

“Thời điểm kết thúc năm 2023 cũng là thời điểm tất cả chúng ta đều thấy rằng một năm rất khó khăn đã đi qua và thực sự đây là cơ hội, tiền đề để sang năm 2024 sẽ có những tăng trưởng vượt bậc trong thị trường này”, bà Nguyễn Ngọc Anh kỳ vọng.

Cùng quan điểm, ông Trần Trần Phú Việt, Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm, Khối thông tin tài chính (FiinGroup) cho biết, hoạt động phát hành TPDN trên thị trường sơ cấp 6 tháng cuối năm có sự phục hồi mạnh mẽ. Giá trị phát hành trong Quý 3/2023 và nửa đầu Quý 4/2023 lên tới hơn 161.000 tỷ đồng, tương đương 70% tổng giá trị phát hành từ đầu năm 2023. Riêng trong Quý 3/2023, giá trị phát hành TPDN thị trường sơ cấp tăng trưởng 180% so với cùng kỳ năm 2022.

Trên thị trường thứ cấp, hoạt động phát hành đã trở nên sôi động hơn rất nhiều, kể từ khi có sàn giao dịch TPDN riêng lẻ hồi giữa tháng 7/2023. Thống kê cho thấy, giá trị giao dịch trung bình hàng ngày tăng rất mạnh, đặc biệt từ khoảng giữa tháng 10/2023, tầm 1.000-2.000 tỷ đồng mỗi ngày giao dịch. Đến nay, gần 700 mã TPDN riêng lẻ được đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch, góp phần làm tổng giá trị giao dịch trên thị trường thứ cấp tăng trưởng mạnh mẽ.

“Theo số lượng chúng tôi mới ghi nhận gần đây, giá trị giao dịch trung bình TPDN riêng lẻ đã lên tới 4.500 tỷ đồng – con số rất lớn và ấn tượng”, ông Việt chia sẻ.

Ông Việt cho rằng, khi thanh khoản của thị trường gia tăng, giao dịch đa dạng về số lượng và giá trị, lợi suất đầu tư sẽ dần được hình thành, là cơ sở để xây dựng đường cong lợi suất chung của toàn thị trường, đặc biệt khi kết hợp với hoạt động xếp hạng tín nhiệm.

Phát triển theo chiều sâu, đảm bảo an toàn, minh bạch, hiệu quả

Theo nhiều chuyên gia, sau thời gian phát triển nóng, đây chính là thời điểm để thay đổi “chất” cho thị trường TPDN. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục triển khai các giải pháp để ổn định và phát triển thị trường TPDN công khai, minh bạch, an toàn, bền vững nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư và phát triển.

Theo nhiều chuyên gia, sau thời gian phát triển nóng, đây chính là thời điểm để thay đổi “chất” cho thị trường TPDN (Ảnh minh họa: KT)

Theo nhiều chuyên gia, sau thời gian phát triển nóng, đây chính là thời điểm để thay đổi “chất” cho thị trường TPDN (Ảnh minh họa: KT)

Tuy nhiên, để phát triển bền vững thị trường TPDN, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho rằng, cần sự chung tay góp sức không chỉ từ phía chính sách quyết liệt của các cơ quan quản lý Nhà nước mà còn phụ thuộc vào nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ thể tham gia thị trường.

“DN có nghĩa vụ bố trí mọi nguồn lực để thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết. Trường hợp có khó khăn trong việc cân đối nguồn thực hiện chi trả, đề nghị DN phát hành chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu phương thức thanh toán phù hợp với tình hình thực tế và theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, DN phải tự thay đổi, chủ động xếp hạng tín nhiệm và thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, tăng cường công khai minh bạch, công bố thông tin về tình hình của DN để lấy lại niềm tin của thị trường và nhà đầu tư”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, khi tham gia mua và giao dịch TPDN, nhà đầu tư cần có hiểu biết đầy đủ về quy định của pháp luật, tiếp cận đầy đủ thông tin về DN phát hành và trái phiếu, đánh giá kỹ tình hình tài chính của DN phát hành, thận trọng đối với các dịch vụ tư vấn, phân biệt rõ sản phẩm TPDN với tiền gửi ngân hàng, đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu và chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.

“Nhà đầu tư cần lưu ý rằng rủi ro của trái phiếu là rủi ro gắn với DN phát hành trái phiếu chứ không phải là rủi ro liên quan đến tổ chức phân phối trái phiếu, trong đó có các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu”, lãnh đạo Bộ Tài chính nêu rõ.

Ngoài ra, các tổ chức trung gian cung cấp các dịch vụ phát hành TPDN cần phải tuân thủ quy định của pháp luật. Các tổ chức tư vấn phát hành có trách nhiệm rà soát việc đáp ứng quy định về điều kiện phát hành và hồ sơ phát hành trái phiếu theo quy định pháp luật và không được tư vấn, hỗ trợ DN phát hành cung cấp thông tin sai sự thật hoặc dễ gây hiểu lầm cho nhà đầu tư về trái phiếu tại hồ sơ chào bán.

Diệp Diệp/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-nam-2024-gan-duc-khoi-trong-post1075149.vov