Thị trường Trung Quốc ưu tiên thời trang nhanh hay đồ hiệu để đón đầu xu hướng 'mua sắm trả thù'?
Để vực dậy nền kinh tế, giới chức Trung Quốc được cho là đang tìm cách thúc đẩy tiêu dùng của người dân. Trong khi đó, do chính sách 'zero-Covid' chặt chẽ, người tiêu dùng Trung Quốc đã tiết kiệm được 1/3 thu nhập trong năm 2022…
Theo Bloomberg, trước đại dịch, các hộ gia đình ở đất nước tỷ dân chỉ tiết kiệm khoảng 17% thu nhập của họ. Nhưng trong năm vừa qua, họ gửi tổng cộng là 17,8 nghìn tỉ NDT (2,6 nghìn tỉ USD) vào tài khoản ngân hàng. Ước tính trong vòng 3 năm qua, lượng tiền tiết kiệm ở Trung Quốc đã lên tới 5,6 nghìn tỉ NDT (827 tỉ USD), theo ước tính của JPMorgan Chase & Co. Tuy nhiên, nếu như xảy ra hiện tượng “mua sắm trả thù” như đã từng diễn ra ở Mỹ, vấn đề là người tiêu dùng nước này sẽ nhắm tới phân khúc hàng hóa nào và ưu tiên sản phẩm gì?
NGÀNH THỜI TRANG NHANH CẢM THẤY KHÓ KHĂN
Ngày 27/1, công ty bán lẻ thời trang đa quốc gia H&M của Thụy Điển thông báo lợi nhuận sụt giảm mạnh trong năm 2022, với khoản lỗ bất ngờ trong quý 4 khi phải đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao. Theo thông báo, so với năm 2021, lợi nhuận ròng của H&M năm ngoái đã giảm gần 2,6 tỷ kronor (252 triệu USD), tương đương 68%, xuống còn gần 3,6 tỷ kronor (350 triệu USD).
Cổ phiếu của H&M cũng đã giảm tới 6% trong giao dịch sớm sau khi lợi nhuận hoạt động hàng quý giảm xuống còn 821 triệu krona (79,7 triệu USD) từ mức 6,26 tỷ chỉ một năm trước đó. Con số đó thấp hơn nhiều so với dự báo trung bình là 3,67 tỷ krona trong cuộc thăm dò ý kiến của các nhà phân tích Refinitiv.
Kết quả nêu bật thách thức đối với các nhà bán lẻ thời trang nhanh khi phải đối mặt với hóa đơn hàng dệt may, năng lượng và vận chuyển cao hơn đồng thời với việc tăng chi phí thực phẩm, năng lượng và tiền thuê nhà buộc người tiêu dùng phải kén chọn hơn về những gì họ mua, theo Reuters. Giám đốc điều hành Helena Helmersson cho biết trong một tuyên bố: "Thay vì chuyển toàn bộ chi phí cho khách hàng, chúng tôi đã chọn cách củng cố vị thế thị trường của mình hơn nữa".
Năm ngoái, H&M đã phát động chiến dịch cắt giảm chi phí 2 tỷ krona hàng năm, với khoản tiết kiệm được từ việc sa thải nhân viên và các biện pháp khác dự kiến sẽ bắt đầu được thực hiện từ nửa cuối năm 2023. Hãng Superdry của Anh mới đây cũng đã quyết định cắt giảm dự báo lợi nhuận cho năm nay do hoạt động kinh doanh bán buôn của họ hoạt động kém hiệu quả. Đầu tuần này, nhà bán lẻ quần áo Primark đã cảnh báo những cơn gió ngược về kinh tế có thể làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng trong năm nay.
“Với giới siêu giàu, việc giảm chi tiêu từ 100.000 USD/tháng xuống 80.000 USD/tháng chẳng thay đổi gì nhiều khi nền kinh tế khó khăn. Trong khi đó người giàu thì có quá nhiều nên thị trường hàng xa xỉ vẫn có nhu cầu cao hơn so với phân khúc trung cấp và giá rẻ”, CEO Milton Pedraza của Luxury Institute nhận định.
“Ngoài ra, thế hệ Z tại Trung Quốc tiếp xúc và mua hàng xa xỉ sớm hơn 3 - 5 năm so với trước đây. Tương tự, Gen Alpha cũng được cha mẹ mua hàng xa xỉ từ bé, qua đó mở rộng độ tuổi tệp khách hàng trong lĩnh vực xa xỉ phẩm và khiến ngành hàng thời trang nhanh mất đi một lượng lớn khách hàng tiềm năng”, bà Pedraza nói thêm.
CÁC NHÀ MỐT XA XỈ LẠI TRÀN ĐẦY HY VỌNG
Tỷ phú Bernard Arnault của Tập đoàn LVMH cho biết những khách hàng giàu có tại Trung Quốc đã bắt đầu tích cực mua sắm hơn khi quốc gia này chính thức mở cửa trở lại. Bên cạnh đó, ông Arnault cũng bày tỏ sự lạc quan về triển vọng phát triển của tập đoàn trong tương lai. “Chúng tôi có mọi lý do để tự tin và lạc quan về Trung Quốc. Nhiều sự thay đổi ngoạn mục đã diễn ra tại Macau, nơi người dân hoàn toàn có thể đi du lịch. Các cửa hàng đều chật kín khách mua sắm”, ông Bernard Arnault nói với tờ CNBC.
Sự trở lại của các vị khách hàng giàu có tại Trung Quốc là dấu mốc quan trọng đối với ngành công nghiệp xa xỉ toàn cầu vào năm 2023. Cổ phiếu của LVMH, Richemont, Kering và các tên tuổi khác trong ngành thời trang cao cấp đã tăng vọt trong tháng 1 năm nay.
Điều này xuất phát từ việc các nhà đầu tư kỳ vọng về mức chi tiêu cho hàng xa xỉ tại Trung Quốc sẽ nhanh chóng phục hồi. Đây vốn là thị trường chiếm 1/3 tổng doanh số bán hàng cao cấp trước đại dịch. Một số nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể thúc đẩy doanh số bán hàng xa xỉ tại châu Âu. Nhiều chuyên gia nhận định khách du lịch tại quốc gia tỷ dân sẽ quay trở lại Paris, Milan và London vào mùa hè năm nay để mua sắm.
Công ty tư vấn Bain and Company mới đây dự đoán rằng, thị trường hàng xa xỉ của Trung Quốc dự kiến sẽ phục hồi trong nửa đầu đến nửa cuối năm 2023, và giá trị của ngành hàng xa xỉ cá nhân trong năm 2023 sẽ tăng từ 3% đến 5%; tính theo tỷ giá hối đoái cố định, nó nằm trong khoảng từ 6% đến 8%, và sẽ đóng góp 40% doanh số bán hàng của thị trường hàng xa xỉ toàn cầu trong năm nay.
Tuần trước, hàng ngàn người dân đã vây kín Trung tâm thương mại miễn thuế CDF tại thành phố Tam Á của Hải Nam, để mua các mặt hàng xa xỉ trong kỳ nghỉ năm mới. "Vương quốc Anh khá xa và rất khó mua vé. Nhưng ở Tam Á, chúng tôi có thể đến và đi bất cứ khi nào chúng tôi muốn”, Yu Shunxiao, một sinh viên cho biết. Các chuyên gia cho rằng một phần ngày càng tăng trong chi tiêu xa xỉ của Trung Quốc sẽ vẫn nằm trong biên giới của đất nước dù người tiêu dùng hiện có thể tự do đi lại.
Trung tâm mua sắm SKP ở Bắc Kinh là nơi tập trung những nhãn hàng xa xỉ bậc nhất thế giới như Louis Vuitton, Chanel, Hermes, Gucci, Dior... Một người tiêu dùng cho biết vào mùng 3 Tết, cô đã phải xếp hàng gần một tiếng đồng hồ mới vào được cửa hàng LV. Cô nghe nói LV sẽ tăng giá vào tháng 2 nên định mua một chiếc túi trước khi tăng giá, nhưng những kiểu túi cô muốn mua đều đã hết, cô cảm thấy rất tiếc vì phải xếp hàng nhưng vẫn không mua được hàng.
Tại Thiên Tân, hoạt động tiêu thụ hàng xa xỉ cũng rất nhộn nhịp. Theo Văn phòng Thương mại Thành phố Thiên Tân, mức tiêu thụ hàng xa xỉ trong 7 ngày của bốn doanh nghiệp trọng điểm tại đây đã vượt quá 100 triệu Nhân dân tệ (14,8 triệu USD), tăng 55,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn theo dữ liệu của Hiệp hội các nhà bán lẻ Thành Đô, từ ngày 21 đến 27/1, lượng khách hàng của 30 doanh nghiệp thương mại và bán lẻ trọng điểm ở Thành Đô đạt 12,4651 triệu lượt người, tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Jonathan Yan, người đang làm việc cho công ty tư vấn Roland Berger ở Thượng Hải, nói với Reuters rằng khoảng thời gian 3 năm đóng cửa biên giới đã khiến người mua sắm Trung Quốc quen với việc mua hàng xa xỉ nước ngoài ở trong nước. “Một bộ phận những người tiêu dùng sẽ quay trở lại mua sắm ở nước ngoài như trước khi đại dịch diễn ra. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng thị trường hàng xa xỉ nước ngoài tại địa phương cũng sẽ quan trọng đối với hầu hết thương hiệu”, ông Yan nhận định.