Thị trường tư vấn tài chính cá nhân Việt Nam có thể lên tới 600 tỷ USD trong 3 năm nữa

Báo cáo của McKinsey cho biết, đến năm 2027, Việt Nam được dự đoán sẽ trở thành thị trường tư vấn tài chính cá nhân (PFA) trị giá khoảng 600 tỷ USD.

Phát biểu tại “Diễn đàn cấp cao cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024” ngày 6/6, ông Lê Trọng Minh – Tổng biên tập Báo Đầu tư cho biết, trên thế giới, dịch vụ quản lý tài sản, quản lý gia sản đã phổ biến từ lâu tại các nước phát triển.

Theo TechsciResearch, thị trường quản lý tài sản toàn cầu (Wealth Management - WM) được định giá 1.100 tỷ USD vào năm 2022 và dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng bình quân (CAGR) là 9,85% cho đến năm 2028. Tuy nhiên, sự bất ổn tài chính và tăng trưởng chậm chạp tại các nền kinh tế lớn đã khiến dòng vốn của thị trường quản lý tài sản đang có sự dịch chuyển dần sang các thị trường mới nổi.

Trong đó, khu vực Đông Nam Á có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, kéo theo sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp nhà đầu tư giàu có đang là nơi dòng vốn này dịch chuyển tới. Thái Lan và Việt Nam được nhận định sẽ là hai thị trường quản lý tài sản phát triển nhất khu vực.

Các chuyên gia tham dự diễn dàn kỳ vọng vào sự phát triển của thị trường tư vấn tài chính cá nhân tại Việt Nam thời gian tới.

“Báo cáo của McKinsey cho biết, đến năm 2027, Việt Nam được dự đoán sẽ trở thành thị trường tư vấn tài chính cá nhân (PFA) trị giá khoảng 600 tỷ USD. Thi trường tăng trưởng với tốc độ 11% mỗi năm, từ mức PFA cơ bản là khoảng 360 tỷ USD tính đến cuối năm 2022.

Số tài sản tài chính cá nhân được quản lý (Wealth Management) tại Việt Nam trong năm 2022 đã đạt 45-52 tỷ USD, doanh thu từ quản lý tài sản đạt 500 triệu USD”, ông Minh nói.

Theo TS Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, tại Việt Nam, nhà đầu tư đang có nhiều cơ hội hơn là thách thức.

Kinh tế thế giới tiếp tục giảm đà tăng trưởng (dự báo có thể tăng khoảng 2,7% năm 2024, 2,8% năm 2025) cùng với những thách thức liên quan đến xung đột địa chính trị phức tạp. Lạm phát và lãi suất cao, đà phục hồi chậm lại ở 1 số nước, rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực vẫn hiện hữu nhưng các động lực tăng trưởng đang phục hồi. Nền tảng vĩ mô và quản trị rủi ro được tích lũy tốt lên.

Cùng với đó, rủi ro tài khóa (nợ công, nợ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ) ở mức trung bình. Dư địa chính sách tài khóa vẫn còn, điều này làm giảm bớt áp lực cho chính sách tiền tệ.

Lạm phát tăng trong tầm kiểm soát, lãi suất giảm. Tỷ giá và nợ xấu tăng trong tầm kiểm soát và thị trường chứng khoán tăng khá. Thị trường bất động sản cũng đang dần phục hồi.

Bên cạnh đó, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng…tiếp tục được đẩy mạnh. Đây là các yếu tố thúc đẩy chuyển đổi số, tài chính xanh, đầu tư xanh. Trái phiếu doanh nghiệp và hoạt động tài chính ngân hàng trở nên lành mạnh, bền vững hơn.

“Những yếu tố trên đang tạo cơ hội nhiều hơn là thách thức cho nhà đầu tư tại Việt Nam. Nhà đầu tư cần biết rõ những thách thức và cơ hội, từ đó, đa dạng hóa sản phẩm, tạo đòn bẩy hợp lý trong hoạt động đầu tư.

Nhà đầu tư cần hạn chế tâm lý đám đông. Tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và đặc biệt, có thể sử dụng dịch vụ chuyên môn của các trung gian tài chính – các nhà tư vấn tài chính cá nhân cho hoạt động đầu tư của mình”, ông Lực khuyến nghị.

Ngân Hà

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/thi-truong-tu-van-tai-chinh-ca-nhan-viet-nam-co-the-len-toi-600-ty-usd-trong-3-nam-nua/20240606025125839