Thị trường tuột dốc, cổ phiếu VPB trở lại vùng đỉnh của năm

Áp lực bán gia tăng và lan rộng hơn trên thị trường khiến VN-Index lùi sâu về vùng giá 1.140 điểm, trong khi đó, cổ phiếu ngân hàng VPB đã ngược dòng thành công và trở lại vùng đỉnh của năm.

Diễn biến thiếu bền vững của thị trường khiến VN-Index nhanh chóng quay lại trạng thái rung lắc khi bước vào phiên giao dịch sáng 16/10 sau 5 phiên hồi phục liên tiếp tuần trước đó. Lực bán ngày càng lan rộng hơn trong nửa cuối phiên đã đẩy VN-Index lùi về vùng giá thấp và chia tay mốc 1.150 điểm vừa tìm lại được.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn duy trì trạng thái không mấy khả quan khi lực cầu tham gia khá yếu. Sau khoảng 1 giờ mở cửa thử thách quanh vùng giá 1.150 điểm, áp lực bán đã gia tăng và lan rộng hơn khiến thị trường chìm trong sắc đỏ.

Chỉ số VN-Index đã đóng cửa ở vùng giá thấp nhất ngày khi giảm hơn 13 điểm với số mã giảm chiếm áp đảo, gấp tới gần 3,5 lần số mã tăng, đồng thời thanh khoản thị trường chưa có dấu hiệu gì cải thiện.

Trong bối cảnh hầu hết các nhóm ngành đều mất điểm, ngoại trừ một số nhóm nhỏ lẻ may mắn tăng nhẹ chưa tới 0,5%, kể cả điểm sáng trong phiên sáng nay là dầu khí cũng mất đà, thì thị trường vẫn nổi lên những điểm sáng ngược dòng thành công.

Tâm điểm đáng chú ý là VPB, đây là cổ phiếu có đóng góp lớn nhất tới gần 1 điểm cho chỉ số chung. Nếu trong phiên sáng nay, VPB cũng trong xu hướng chung của dòng bank, đã lình xình dưới mốc tham chiếu và chốt phiên tại mức giá đỏ, thì sang phiên chiều, lực cầu gia tăng mạnh đã giúp VPB dần tìm lại sắc xanh.

Lực cầu ngày càng cải thiện, đặc biệt trong đợt khớp lệnh ATC với hơn 5,7 triệu đơn vị đã giao dịch thành công, đã giúp VPB leo lên mức giá cao nhất ngày. Đóng cửa, VPB tăng 2,5% lên mức 22.500 đồng/CP, chỉ thua đúng 1 line so với mức giá cao nhất trong năm 2023 (giá 22.600 đồng/CP), đồng thời thanh khoản VPB sôi động nhất dòng bank và đã ghi nhận mức cao nhất trong hơn 1 tháng qua với xấp xỉ 26,1 triệu đơn vị giao dịch thành công.

Thông tin tiếp sức giúp VPB có phiên giao dịch đột biến có thể là Nghị quyết của HĐQT Ngân hàng vừa công bố về việc chia cổ tức năm 2023. Cụ thể, ngày 10/11 tới đây, VPBank sẽ thực hiện chốt danh sách cổ đông chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, thời gian thanh toán dự kiến ngày 20/11/2023.

Ngoại trừ duy nhất VPB xanh, cùng SSB đứng giá tham chiếu còn lại các cổ phiếu khác của nhóm ngân hàng đều mất điểm. Trong đó, STB tiếp tục giật lùi khi giảm 4,1% xuống mức giá thấp nhất trong ngày 30.200 đồng/CP, thanh khoản chỉ thua VPB với hơn 25,87 triệu đơn vị khớp lệnh.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn là nhóm giảm mạnh nhất thị trường với hầu hết đều đóng cửa ở vùng giá thấp nhất ngày, ngoại trừ duy nhất VDS tiếp tục là mã ngược dòng thành công và đóng cửa tăng 3,53% lên mức 16.150 đồng/CP. Trong đó, SSI và VND giảm tới 4-5%, thanh khoản dẫn đầu thị trường với lần lượt 28,36 triệu đơn vị và 27,9 triệu đơn vị khớp lệnh. Ngoài ra, FTS cũng thuộc top giảm sâu trong nhóm khi để mất hơn 4,2%.

Tuy nhiên, tác động mạnh nhất tới chỉ số chung là các các mã lớn gồm VHM lấy đi gần 1,44 điểm; còn HPG, BID và VIC cùng lấy đi hơn 1 điểm.

Ngoài cặp đôi lớn bất động sản trên, các cổ phiếu khác trong nhóm này cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường như DXG, CII, PDR, NLG, HHV, FCN… giảm trên 3-4%, kể cả KBC, ITA, SZC cũng đồng loạt đảo chiều điều chỉnh.

Trong khi đó, TCH vẫn ngược dòng thành công và đóng cửa tăng 1,6% lên mức 12.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 11,72 triệu đơn vị.

Nhóm thép cũng nới rộng biên độ giảm, với HPG giảm 2,9% xuống mức thấp nhất ngày 25.000 đồng/CP, NKG giảm 3,2% xuống 19.900 đồng/CP, HSG giảm 4,3% xuống 18.800 đồng/CP…

Ở chiều ngược lại, như đã nói ở trên, nhóm dầu khí vẫn ngược dòng thị trường chung dù đã hạ độ cao đáng kể. Trong đó, GAS chỉ còn tăng 1,3%, PVD tăng 0,9%, PLX tăng nhẹ 0,3%...

Chốt phiên, sàn HOSE có 114 mã tăng và 393 mã giảm, VN-Index giảm 13,31 điểm (-1,15%) xuống 1.141,42 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 676,2 triệu đơn vị, giá trị 15.229 tỷ đồng, tăng 8,82% về khối lượng và 9,12% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 13/10. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 53,2 triệu đơn vị, giá trị 1.028,65 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, thị trường cũng chìm trong sắc đỏ và chỉ số chung lùi sâu hơn.

Đóng cửa, sàn HNX có 52 mã tăng và 108 mã giảm, HNX-Index giảm 2,59 điểm (-1,08%) xuống 236,46 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 85,9 triệu đơn vị, giá trị 1.930,46 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 11,77 triệu đơn vị, giá trị 327,79 tỷ đồng, trong đó riêng IDC thỏa thuận hơn 4 triệu đơn vị, giá trị 200,1 tỷ đồng và SHS thỏa thuận 5,9 triệu đơn vị, giá trị hơn 100 tỷ đồng.

Nếu trên sàn HOSE có VPB, thì trên sàn HNX là sự tỏa sáng của HUT. Lực cầu tăng mạnh đã giúp cổ phiếu này khởi sắc trong phiên chiều và có thời điểm tăng 3,4%, tuy nhiên về cuối phiên đã hạ độ cao. Đóng cửa, HUT tăng 1,3% lên mức 23.800 đồng/CP với thanh khoản tăng vọt, đạt hơn 7,85 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu dầu khí vẫn ngược dòng thị trường chung, với PVS tăng 2% và khớp hơn 9,97 triệu đơn vị; PVC tăng 2,7% và khớp hơn 2 triệu đơn vị.

Trái lại các cổ phiếu chứng khoán nên HNX cùng giật lùi, trong đó SHS giảm 2,7% xuống mức 17.700 đồng/CP và thanh khoản vẫn vượt trội, đạt 20,75 triệu đơn vị; MBS giảm 3,9% xuống 22.000 đồng/CP và khớp 4,62 triệu đơn vị, APS giảm 2,9%, VIG giảm 2,4%, EVS giảm 1,1%...

Một trong những điểm sáng khác của thị trường là TTH có pha “quay xe” ngoạn mục và đóng cửa đứng tại mức giá trần 5.000 đồng/CP, thanh khoản khá tốt với 1,46 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên UPCoM cũng trong xu hướng chung của toàn thị trường.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,55 điểm (-0,63%) xuống 87,35 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 39,45 triệu đơn vị, giá trị 644,68 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,1 triệu đơn vị, giá trị 24,03 tỷ đồng.

Cặp đôi dầu khí có chút hạ nhiệt, trong đó BSR chỉ còn tăng 2,4%, đóng cửa đứng tại mức giá 21.500 đồng/CP và thanh khoản vẫn sôi động với 12,56 triệu đơn vị giao dịch thành công; còn OIL đóng cửa tăng 2,8% lên 10.900 đồng/CP và khớp 2,39 triệu đơn vị.

Một số mã đáng chú ý khác là VTP đóng cửa tăng 3,1%, DDV tăng 1,7%, VGI tăng 5,7%, với thanh khoản đều đạt hơn 1 triệu đơn vị.

Ngược lại, các cổ phiếu chứng khoán đều mất điểm với SBS giảm 1,3%, AAS giảm 1%, TCI giảm 1,8%...

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm. Trong đó, VN30F2310 giảm 14,6 điểm, tương ứng giảm 1,3% xuống 1.146,5 điểm, khớp lệnh đạt gần 190.930 đơn vị, khối lượng mở hơn 41.230 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm áp đảo, tuy nhiên, mã CVPB2307 vẫn có thanh khoản tốt nhất, đạt 3,57 triệu đơn vị, đã đóng cửa tăng 17,5% lên 470 đồng/cq.

Tiếp theo là CVIB2303 khớp xấp xỉ 3,1 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 23,8% xuống 160 đồng/cq.

T.Thúy

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tuot-doc-co-phieu-vpb-tro-lai-vung-dinh-cua-nam-post331894.html