Thị trường vật liệu xây dựng còn trầm lắng

Thông thường, bắt đầu vào quý II của năm, nhu cầu xây dựng của người dân bắt đầu tăng, kéo theo đó là thị trường vật liệu xây dựng sôi động. Tuy nhiên, qua khảo sát trên địa bàn TP. Thái Nguyên, thị trường vật liệu xây dựng ở thời điểm này chưa có nhiều biến động.

Theo đánh giá của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP. Thái Nguyên, thị trường vật liệu xây dựng chưa có tín hiệu khởi sắc. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Phát triển kinh doanh Gia Bảo (phường Trung Thành, TP. Thái Nguyên).

Theo đánh giá của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP. Thái Nguyên, thị trường vật liệu xây dựng chưa có tín hiệu khởi sắc. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Phát triển kinh doanh Gia Bảo (phường Trung Thành, TP. Thái Nguyên).

Từ đầu năm 2024 đến nay, nhu cầu xây dựng các công trình, nhà ở của người dân trên địa bàn tỉnh nói chung, TP. Thái Nguyên nói riêng chưa cao. Qua khảo sát tại nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn của thành phố cho thấy, lượng khách hàng đến mua hay đặt hàng có dấu hiệu “chững” hơn so với cùng kỳ năm trước. Đại diện của Công ty TNHH Phát triển kinh doanh Gia Bảo (ở phường Trung Thành) cho biết: Đơn vị chúng tôi chuyên cung ứng vật liệu xây dựng, như: Cát, đá, sỏi… cho khách hàng trong và ngoài tỉnh. Tính từ đầu năm đến nay, lượng khách hàng sụt giảm đáng kể, khoảng hơn 60% so với cùng kỳ năm trước.

Cập nhật tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP. Thái Nguyên, hiện nay, cơ bản giá nguyên vật liệu xây dựng chưa có nhiều biến động, một số ít mặt hàng tăng giá nhẹ. Đơn cử như đá bây đang ở mức 310-320 nghìn đồng/m3, tăng khoảng 30 nghìn đồng/m3 so với tháng trước; giá cát cơ bản giữ ở mức 300-400 nghìn đồng/m3 tùy loại. Riêng giá xi măng vẫn giữ nguyên ở mức gần 1,3 triệu đồng/tấn so với đầu năm. Anh Lưu Văn Thắng, hộ kinh doanh ở xã Phúc Xuân, cho biết: Theo cập nhật thông tin của cá nhân tôi, một số vật liệu xây dựng tăng giá nhẹ không phải do nhu cầu sử dụng của người dân tăng mà do nguồn cung khan hiếm hơn, bởi diễn biến bất thường của thời tiết, mưa bão nhiều đơn vị sản xuất đá, sỏi, cát… bị ảnh hưởng.

Đối với sắt thép - vật liệu thường xuyên có biến động về giá, nhưng từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng này khá ổn định. Hiện tại, giá sắt thép (đơn cử như thép: Hòa Phát, Việt - Ý, Việt - Đức…) dao động ở mức bình quân từ 14-15 nghìn đồng/kg (tăng khoảng 500 đồng/kg so với tháng trước) tùy loại ở dòng thép cuộn hoặc thép thanh vằn. Theo nhận định của đại diện một số cơ sở kinh doanh sắt thép, nhiều khả năng giá sắt thép sẽ có chiều hướng tăng vào những tháng cuối năm do qua mùa mưa bão (hết tháng 8) nhu cầu xây dựng của người dân sẽ tăng và sự dần phục hồi của lĩnh vực bất động sản. Hơn nữa, mức lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn đang giữ ở mức thấp, sẽ “hấp dẫn” người dân nếu có nhu cầu xây dựng.

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, mặc dù thị trường vật liệu xây dựng không có biến động, thậm chí có dấu hiệu “trầm lắng”, nhưng nhu cầu xây dựng của người dân trên địa bàn TP. Thái Nguyên nói riêng vẫn có tín hiệu khởi sắc. Thể hiện ở chỗ, 6 tháng đầu năm 2024, số hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng trên địa bàn tăng khoảng 10%, từ 1.800 lên 2.200 hồ sơ. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, nhu cầu xây dựng đề nghị cấp phép của người dân là có thực. Sở dĩ thị trường vật liệu có dấu hiệu trầm lắng có thể do người dân xin cấp phép nhưng chưa xây dựng ngay mà dồn vào những tháng cuối năm, hoặc nhiều hộ dân có bản vẽ thiết kế đã đặt mua thẳng vật liệu tại các nhà máy sản xuất, không qua các cơ sở kinh doanh.

Chung An

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202408/thi-truong-vat-lieu-xay-dung-con-tram-lang-58e29ad/