Thị trường việc làm giảm tốc có khiến Fed thay đổi kế hoạch thắt chặt?
Với sự giảm tốc mạnh của thị trường lao động Mỹ trong tháng 8, Fed có thể sẽ không công bố cắt giảm chương trình mua tàn sản trong cuộc họp tháng 9, mà sẽ lùi sang tháng 11, tháng 12, hoặc thậm chí năm 2022...
Trụ sở Fed ở Washington DC - Ảnh: Bloomberg.
Sự giảm tốc mạnh của thị trường việc làm tại Mỹ đã loại trừ khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ngay trong tháng 9 này công bố kế hoạch cắt giảm chương trình mua tài sản, nhất là khi biến chủng Delta lây lan mạnh đang phủ bóng lên triển vọng của nền kinh tế - giới chuyên gia nhận định.
Sau khi thị trường việc làm Mỹ tăng trưởng rất mạnh trong tháng 6 và tháng 7, Fed đã sẵn sàng cho việc trong năm nay bắt đầu thu hẹp chương trình mua 120 tỷ USD tài sản mỗi tháng. Trước đó, Fed luôn nói sẽ duy trì mua tài sản như vậy cho tới khi “có thêm bước tiến quan trọng” tới mục tiêu tạo việc làm tối đa” và đạt mục tiêu lạm phát 2%.
Sự tăng trưởng ấn tượng của số công việc trong hai tháng liên tiếp, cộng thêm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đạt mức cao nhất 13 năm, đã khiến một loạt quan chức Fed lên tiếng kêu gọi nhanh chóng điều chỉnh chính sách tiền tệ. Giới quan sát vì thế đã kỳ vọng rằng trong cuộc họp định kỳ vào tháng 9, Fed sẽ đưa ra kế hoạch cắt giảm chương trình mua tài sản.
KỲ VỌNG BẤT NGỜ THAY ĐỔI
Tuy nhiên, vào hôm thứ Sáu tuần trước, báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy trong tháng 8, khu vực phi nông nghiệp của nước này chỉ có thêm 235.000 công việc, so với con số 1,1 triệu công việc mới của tháng 7. Bản báo cáo đã làm thay đổi mạnh kỳ vọng vào chính sách tiền tệ của Mỹ, đặt ra khả năng Fed sẽ thận trọng hơn nhiều trong việc cắt giảm chương trình mua tài sản.
“Mấy tháng trước, đã có cảm giác là thị trường việc làm đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, sự giảm tốc trong tháng 8 của thị trường lao động và rủi ro từ biến chủng Delta đặt ra khả năng Fed sẽ tiếp tục phải thận trọng”, chuyên gia kinh tế trưởng Lydia Boussour của Oxford Economics phát biểu với tờ Financial Times.
“Tình hình này loại trừ khả năng trong cuộc họp tháng 9 Fed công bố cắt giảm chương trình mua tài sản”, chuyên gia kinh tế cấp cao Joseph Song thuộc Bank of America nhận xét. “Câu hỏi chính trong thời gian tới là liệu thị trường việc làm chỉ giảm tốc một lần hay giảm tốc kéo dài”.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng 8 giảm còn 5,2% từ mức 5,4% của tháng 7, nhưng biến chủng Delta đã trở thành một đòn giáng mạnh vào một số lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế đang bắt đầu hồi phục nhờ tiêm chủng. Ngành giải trí và khách sạn không có thêm công việc mới nào trong tháng 8, cho dù bình quân mỗi tháng có thêm 350.000 công việc trong 6 tháng trước đó. Ngành bán lẻ và nhà hàng thậm chí phải cắt giảm 70.000 công việc.
Trước khi báo cáo việc làm được đưa ra vào ngày thứ Sáu, ảnh hưởng của biến chủng Delta đối với kinh tế Mỹ vẫn còn là một điều khó xác định. Chủ tịch Fed Jerome Powell hồi cuối tháng 7 nói rằng đợt dịch này có ảnh hưởng kinh tế không lớn như những lần trước. Tuy nhiên, số liệu việc làm tháng 8 đã khiến quan điểm này của ông Powell bị nghi ngờ.
“Cho tới thời điểm hiện tại, các ngân hàng trung ương nhìn chung không thể hiện quan điểm lo ngại nhiều về biến chủng Delta. Dù vậy, các dữ liệu kinh tế đã bắt đầu cho thấy sự giảm tốc, và Fed có thể sẽ trở nên thận trọng hơn”, chuyên gia kinh tế trưởng Ellen Gaske của PGIM Fixed Income phát biểu.
Khả năng Fed công bố cắt giảm chương trình mua tài sản trong cuộc họp tháng 9 đã giảm xuống, nhưng hầu hết các chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư vẫn dự báo rằng kiểu gì trong năm nay ngân hàng trung ương này cũng sẽ đưa ra một kế hoạch cắt giảm.
THÁNG 11 HAY THÁNG 12?
Tại hội nghị thường niên của Fed vào cuối tháng 8, ông Powell đã nói điều kiện về lạm phát để Fed cắt giảm chương trình mua tài sản đã được đáp ứng và thị trường lao động đã có “bước tiến rõ rệt”.
Số công việc cần tuyển lao động ở Mỹ gần đây thường xuyên ở mức cao kỷ lục, nhưng lại không có đủ lao động để đáp ứng. Có một số nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, chẳng hạn có nhiều người muốn đi làm nhưng không gửi được con nhỏ, hoặc nhiều người vẫn đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hào phóng nên chưa có ý định đi làm. Ông Powell lạc quan rằng những yếu tố gây cản trở tăng trưởng việc làm này sẽ giảm dần.
Số liệu việc làm tháng 8 cho thấy tình trạng thiếu lao động vẫn đang khiến công việc tuyển dụng gặp khó, dẫn tới số việc làm mới được tạo ra (công việc mới tuyển được người) giảm xuống mức thấp, trong khi số công việc cần tuyển người vẫn ở mức cao. Các công ty đã phải tăng lương để thu hút lao động, khiến tiền lương bình quân theo giờ tăng 0,6% so với tháng 7 và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chuyên gia kinh tế Simona Mocuta thuộc State Street Global Advisors nói rằng nguồn cung lao động hạn chế đã ảnh hưởng đến tăng trưởng việc làm.
“Đang có một mâu thuẫn lớn, vì số người lao động có việc làm đang ít hơn trên 5 triệu người so với trước đại dịch, nhưng số việc cần tuyển người đang ở mức cao kỷ lục. Không ai biết tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu”, bà Mocuta phát biểu.
Tiền lương tăng mạnh có thể đẩy lạm phát lên cao hơn, khiến các quan chức thuộc trường phái cứng rắn trong Fed càng lo ngại và củng cố lập luận về sự cần thiết phải bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ - theo chuyên gia Peter Williams thuộc Evercore IS. Theo ông Williams, sự chia rẽ quan điểm về triển vọng kinh tế trong Fed sẽ ngày càng lớn.
Vấn đề đăt ra lúc này là liệu Fed có đủ tự tin về sự phục hồi thị trường lao động để công bố cắt giảm chương trình mua tài sản trong cuộc họp tháng 11. Từ nay đến cuộc họp đó, Fed chỉ còn một báo cáo việc làm để xem xét.
Chuyên gia kinh tế trưởng Constrance Hunter thuộc KPMG cho rằng với sự bấp bênh lớn như vậy, khả năng Fed đưa ra tuyên bố cắt giảm mua tài sản trong cuộc họp tháng 12 là cao hơn so với trong cuộc họp tháng 11. Thậm chí, một số chuyên gia dự báo Fed sẽ lùi tuyên bố này sang năm 2022.
“Không ai biết chắc sự giảm tốc của thị trường việc làm là tạm thời hay sự khởi đầu của một xu hướng mới”, chuyên gia kinh tế trưởng Paul Ashworth của Capital Economics nhận xét. “Tất cả những gì bạn có thể làm chỉ là chờ đợi mà thôi”.