Thị trường việc làm Mỹ phát đi những tín hiệu trái chiều

Đà tăng trưởng việc làm của Mỹ tiếp tục mạnh mẽ trong tháng Hai, song tăng trưởng tiền lương chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp đi lên.

Người dân xếp hàng chờ phỏng vấn xin việc tại thành phố Arlington, bang Virginia, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân xếp hàng chờ phỏng vấn xin việc tại thành phố Arlington, bang Virginia, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Lao động Mỹ ngày 10/3 đã công bố báo cáo việc làm hàng tháng, theo đó đà tăng trưởng việc làm của nền kinh tế số một thế giới tiếp tục mạnh mẽ trong tháng Hai, song tăng trưởng tiền lương chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp đi lên.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, lĩnh vực phi nông nghiệp đã tạo thêm 311.000 việc làm trong tháng Hai. Dữ liệu của tháng Một cũng được điều chỉnh thấp hơn với 504.000 việc làm được tạo thêm thay vì 517.000 việc làm được báo cáo trước đó.

Tuy nhiên, tăng trưởng việc làm không diễn ra ở nhiều lĩnh vực như những tháng trước. Chỉ 56% số ngành tạo thêm việc làm, giảm so với 68% trong tháng Một và là tỷ lệ thấp nhất kể từ tháng 4/2020, thời điểm các biện pháp phong tỏa được áp dụng để kiềm chế đại dịch COVID-19.

Lĩnh vực giải trí và khách sạn chiếm hơn 33% số việc làm được tạo ra trong tháng Hai với 105.000 việc làm, trong đó phần lớn là tại các nhà hàng và quán bar. Dù vậy, số việc làm trong ngành giải trí và khách sạn vẫn thấp hơn mức trước đại dịch 410.000 việc làm.

Trong khi đó, lĩnh vực bán lẻ tạo thêm 50.100 việc làm và biên chế các cơ quan chính phủ tăng thêm 46.000 nhân viên. Dịch vụ chuyên nghiệp và kinh doanh cũng tăng 45.000 việc làm, còn ngành chăm sóc sức khỏe tăng thêm 44.000 nhân viên và ngành xây dựng thuê thêm 24.000 lao động. Tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất giảm 4.000 việc làm, ngành thông tin mất 25.000 lao động, trong khi vận tải và kho bãi mất 21.500 nhân viên.

Báo cáo của Bộ Lao động cũng cho thấy nguồn cung lao động tăng mạnh vào tháng Hai với thêm 419.000 người tham gia lực lượng lao động. Điều này giúp nâng tỷ lệ người trong độ tuổi trưởng thành tham gia lực lượng lao động lên 62,5%, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nhóm tuổi 25-54 cũng tăng lên 83,1%, cao nhất kể từ tháng 1/2020 và tăng từ mức 82,7% trong tháng 1/2023.

Trong lĩnh vực tiền lương, thu nhập trung bình mỗi giờ của người lao động Mỹ đã tăng 0,2% trong tháng Hai, giảm nhẹ so với mức tăng 0,3% trong tháng Một với hầu hết các lĩnh vực đều tăng chậm lại. Tuy nhiên, mức tăng lương hàng năm vẫn tăng từ mức 4,4% trong tháng Một lên 4,6%.

Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng lên mức 3,6% trong tháng Hai so với con số 3,4% của tháng trước đó, vốn là mức thấp nhất kể từ tháng 5/1969.

Một số nhà kinh tế xem báo cáo trên của Bộ Lao động sẽ giúp nền kinh tế Mỹ có thêm cơ hội tránh được một cuộc suy thoái trong năm 2023 và chỉ tăng trưởng chậm hơn. Các số liệu cũng cho thấy dấu hiệu thị trường lao động Mỹ đang được nới lỏng, giúp thị trường tài chính lại kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ tăng lãi suất thấp hơn mức 50 điểm cơ bản (0,5 điểm phần trăm) trong tháng này.

Theo ông Nick Bunker, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế tại công ty tư vấn tuyển dụng Indeed Hiring Lab, nếu tiền lương tiếp tục tăng quanh mức hiện tại hoặc thậm chí cao hơn một chút, thị trường lao động có thể duy trì “sức khỏe” mạnh mẽ và không làm trầm trọng thêm tình hình lạm phát.

Còn theo công cụ FedWatch của công ty tài chính CME Group, thị trường hiện mong đợi một đợt tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp chính sách ngày 21-22/3 tới đây của Fed, thay vì mức tăng 50 điểm cơ bản đã được dự đoán trước báo cáo của Bộ Lao động. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào báo cáo giá tiêu dùng tháng Hai sẽ được công báo vào tuần tới./.

Hồng Nguyên (P/v TTXVN tại Washington)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thi-truo-ng-vie-c-la-m-my-pha-t-di-nhu-ng-ti-n-hie-u-tra-i-chie-u/283721.html