Thị trường Việt Nam hấp dẫn các nhà cung cấp LNG của Mỹ
Nhu cầu tiêu thụ điện Việt Nam tăng trưởng đều khoảng 10%/năm. Trong quy hoạch phát triển điện VIII sắp trình lên chính phủ vào tháng 10 tới, tỷ lệ điện khí dự kiến tăng lên 15,6% trong tổng công suất phát điện 96,5 GW vào năm 2025 và 14,7% của 129,5 GW đến năm 2030, đã bao gồm khoảng 3,5 GW dựa vào nguồn nhập khẩu LNG đến năm 2025-2026.
Đồng thời, trong bối cảnh căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung leo thang, các nhà sản xuất Mỹ ngày càng khó tiếp cận thị trường Trung Quốc, trong khi sản lượng khai thác khí đốt Việt Nam giảm, gặp khó khăn nhất định trong việc thăm dò ngoài khơi Biển Đông càng đẩy Mỹ và Việt Nam gần hơn trong vấn đề mở rộng thị trường tiêu thụ và an ninh năng lượng. Hơn nữa, chính phủ Mỹ đang cố gắng tìm kiếm cách tiếp cận tổng hợp, thông qua chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và chương trình Asia EDGE (Enhancing Development and Growth through Energy), chính phủ hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp Mỹ để không chỉ đơn thuần cung cấp LNG, mà còn tài trợ Việt Nam xây dựng nhà máy nhiệt điện cùng với phát triển cơ sở hạ tầng LNG.
Theo tính toán, cứ 1 GW điện khí (~1 tỷ m3 khí) giúp giảm thâm hụt thương mại 200 triệu USD/năm, hiện có tổng cộng 35 GW công suất điện khí dựa trên nguồn LNG Mỹ đang trong các giai đoạn khác nhau, bao gồm: Sơn Mỹ 2 - 2,2 GW, Chân Mây LNG - 4 GW của AES Corp, Millennium Petroleum có dự án tổng 15 GW tại Thanh Hóa và Khánh Hòa, Energy Capital có dự án tại Mũi Kê Gà, Exxonmobil có kế hoạch xây nhà máy 4 GW tại Hải Phòng và 3 GW tại Long An. Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ Việt Nam mới phê duyệt 2 dự án: Bạc Liêu LNG 3,2 GW và Sơn Mỹ 2, những dự án còn lại chưa thể trở thành hiện thực trong ngắn và trung hạn.
Các nhà sản xuất LNG Mỹ đang quan tâm đến thị trường Việt Nam bởi 3 lý do chính:
1. Việt Nam có khả năng nhập khẩu tới 8,5 triệu tấn LNG vào năm 2030;
2. Các nhà máy công suất 21 triệu tấn LNG/năm đang xây dựng tại Mỹ chưa có đầu ra;
3. Mỹ yêu cầu Việt Nam giảm thặng dư thương mại song phương ở mức 46 tỷ USD năm 2019.