Thị trường xăng dầu trong nước 'chập chờn' bởi nguồn cung và mức chiết khấu

Dù giá bán lẻ xăng dầu đang tăng cao nhưng một số cửa hàng hầu như không muốn bán vì mức chiết khấu thấp. Bên cạnh đó nguồn cung phân bổ cho các đại lý không đều khiến cho những ngày qua tại TPHCM xuất hiện tình trạng giao dịch xăng dầu ở vài nơi 'đóng mở thất thường'.

Giá xăng dầu tăng cao, các hãng xe khách than trời
Giá xăng tăng thêm gần 1.000 đồng/lít

Tuần đầu sau nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều cửa hàng xăng dầu tại TPHCM và các tỉnh khu vực phía Nam treo biển nghỉ bán. Ngoài lý do nguồn cung khan hiếm, việc dừng bán một phần do nhiều doanh nghiệp kêu lỗ khi giá xăng trong nước lỡ kỳ điều chỉnh vào mùng 1 Tết và tăng không theo diễn biến thế giới. Nhưng sau kỳ điều chỉnh gần nhất (11-2), ghi nhận ở các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại TPHCM cho thấy tình trạng thiếu hàng vẫn còn xuất hiện.

Thiếu xăng cục bộ ở một số đơn vị

Trong tuần qua đã xuất hiện một số cây xăng tư nhân khống chế lượng hàng bán ra cho khách hàng. Tại TPHCM, cơ quan chức năng ghi nhận việc tạm ngừng bán xăng tại một số thời điểm do thương nhân phân phối cung cấp xăng cho cửa hàng thiếu hụt nên không đủ nguồn hàng. Tuy vậy, tình trạng này chỉ mang tính cục bộ ở một số đơn vị.

Nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn đang phải tăng cường nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung. Ảnh minh họa: Lê Vũ

Theo Sở Công Thương TPHCM, nguyên nhân khiến một số cửa hàng, đơn vị thiếu xăng cục bộ là các đơn vị nói trên lấy hàng tại nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và thời gian qua nhà máy này có giảm sản lượng. Dự báo, từ nay đến cuối tháng, sản lượng của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn tăng, cùng với lượng hàng nhập khẩu liên tục thì tình hình thiếu xăng tại một số đơn vị sẽ được khắc phục sớm.

Trong khi đó một số hệ thống bán lẻ xăng dầu lớn như Petrolimex hay PV Oil vẫn duy trì được nguồn cung đều đặn trong thời gian qua. Dù nguồn từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) bị ảnh hưởng thì các doanh nghiệp này cũng tăng cường các giải pháp khác để đảm bảo cung ứng.

Theo đại diện của PV Oil, trong thời gian qua doanh nghiệp đã tăng 30-40% lượng nhập khẩu xăng dầu để bù đắp lượng thiếu hụt nguồn cung từ các nhà máy lọc dầu trong nước. Doanh nghiệp vẫn đảm bảo được tiến độ nhập hàng nhưng thừa nhận giá xăng thế giới đang rất cao nên giá nhập không thể rẻ. Hiện tại hệ thống bán lẻ và các cây xăng của PV Oil vẫn mở cửa bán hàng và hoạt động bình thường trong cả nước.

Công ty Xăng dầu khu vực II (Petrolimex Sài Gòn) cho biết toàn bộ hệ thống đại lý, cửa hàng xăng dầu của đơn vị quản lý vẫn hoạt động bình thường. Trong đó, có một số cửa hàng xăng dầu còn tăng thêm giờ hoạt động để phục vụ nhu cầu khách hàng. Hiện mỗi tháng, năng lực của doanh nghiệp cung cấp ra thị trường khoảng 10.000 tấn, nhưng luôn tăng dự phòng thêm 10-15% để đảm bảo an ninh năng lượng.

Tương tự, ông Huỳnh Ngọc Thành, Trưởng phòng Kinh doanh xăng dầu Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TPHCM (Saigon Petro), xác nhận toàn bộ đối tác và cửa hàng xăng dầu vẫn hoạt động bình thường, không có trường hợp bán hạn mức và cam kết không thiếu nguồn cung.

Ghi nhận của phóng viên KTSG Online đến ngày 19-2 các cửa hàng xăng dầu treo biển tạm ngưng thời gian qua đã hoạt động bình thường và lượng khách mua xăng vẫn rất đông.

Mức chiết khấu thấp gây áp lực cho doanh nghiệp

Thị trường xăng dầu đóng mở thất thường trong những ngày qua, ngoài việc nguồn cung phân bổ cho các đại lý chưa đều thì mức chiết khấu thấp gây áp lực cho các đại lý, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.

Một số chủ doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết hiện tại mức chiết khấu đối với hai mặt hàng xăng và dầu đều về mức 0%, thậm chí nhiều nơi chiết khấu mặt hàng dầu vẫn ở mức âm 240 đồng/lít. Chưa kể chi phí vận chuyển từ kho về, chi phí nhân công và mặt bằng. Tính ra mỗi lít xăng lỗ hơn 300 đồng.

Các cây xăng đã giao dịch bình thường trở lại ngày 19-2. Ảnh minh họa: Lê Vũ

Báo cáo tình hình kinh doanh xăng dầu tại TPHCM trong tuần qua, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết có thời điểm chiết khấu của một số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn chỉ được ở mức 80-200 đồng/lít, thậm chí có tình trạng cửa hàng không được chiết khấu.

“Cửa hàng gặp khó khăn trong việc mua hàng từ các đại lý, thương nhân phân phối nên tình hình kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhiều đại lý có tâm lý tạm ngưng kinh doanh để giảm lỗ”, ông Phương nói.

Về phía doanh nghiệp, ông Bùi Xuân Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty Nhiên liệu Sài Gòn (SFC), cho rằng hiện nay nguồn cung xăng dầu vẫn chưa thể hồi phục như trước, nhập hàng cũng gặp nhiều khó khăn hơn.

“Mức chiết khấu đã dương trở lại nhưng vẫn rất thấp, khoảng 100-200 đồng/lít. Mặc dù khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn cố gắng tìm kiếm đủ nguồn cung, mở cửa phục vụ nhu cầu người dân. Căn cứ trên tình hình thực tế, kỳ điều hành giá tiếp theo vào ngày 21-2 giá xăng sẽ tiếp tục tăng mạnh trên 1.000 đồng/lít bởi việc kìm giá hiện nay rất khó”, ông Vũ cho hay.

Với thực trạng trên, doanh nghiệp cứ nhập hàng về là lỗ, có thể nói giá điều hành chưa hoàn toàn có lợi cho doanh nghiệp. Tuy vậy có quan điểm cho rằng, doanh nghiệp cũng phải chia sẻ phần nào với các mục tiêu quản lý vĩ mô của Nhà nước.

Nhưng ở góc độ của người tiêu dùng, việc bán hàng theo hạn mức khiến cho họ trở thành người thiệt thòi. Giá xăng trong nước điều chỉnh theo giá thế giới nên các nhà kinh doanh xăng dầu tìm mọi cách để trì hoãn việc bán hàng ra trước mỗi kỳ điều chỉnh nếu giá thế giới tăng.

Mới đây, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã có văn bản yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính chủ động điều hành giá xăng dầu, trong đó cần bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Văn bản cũng nhấn mạnh, cơ quan điều hành cần “chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả điều hành giá xăng dầu; kiểm tra, xử lý nghiêm, không để xảy ra các hành vi trục lợi, đầu cơ, vi phạm pháp luật”.

Sẽ thanh tra các doanh nghiệp đầu mối xăng dầuMới đây, Bộ Công Thương quyết định thanh tra việc chấp hành quy định về kinh doanh xăng dầu của tất cả các doanh nghiệp đầu mối có chức năng nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu. Theo đó, bộ lập 3 đoàn thanh tra, giám sát thanh tra tiếp tục thực hiện việc thanh, kiểm tra 33 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Việc thanh tra tại 33 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu được đưa ra trong bối cảnh thị trường vừa qua có nhiều xáo trộn khi nguồn cung đứt gãy cục bộ tại một số địa phương. Các nội dung 3 đoàn thanh tra của Bộ Công Thương sẽ tiến hành, gồm việc mua, bán, xuất nhập khẩu xăng dầu; tuân thủ nhập theo hạn ngạch tối thiểu được Bộ Công Thương phân bổ hàng năm…Ngoài ra, đoàn thanh tra cũng sẽ kiểm tra việc tuân thủ quy định về cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu; sở hữu, đồng sở hữu hệ thống hạ tầng kinh doanh xăng dầu (kho, bể chứa, tàu vận chuyển…); hệ thống phân phối (tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ trực thuộc) và quy định về dự trữ lưu thông.Cũng theo quyết định thanh tra, các doanh nghiệp đầu mối sẽ phải cung cấp cho đoàn kiểm tra các hồ sơ, sổ sách, chứng từ kế toán và chứng từ nội bộ việc mua – bán, xuất nhập khẩu hàng hóa…

V.Dũng - Lê Vũ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thi-truong-xang-dau-trong-nuoc-chap-chon-boi-nguon-cung-va-muc-chiet-khau/