Thi tuyển hiệu trưởng sao cho 'chọn đúng người'

Tổ chức thi tuyển hiệu trưởng là cụ thể hóa chủ trương đổi mới trong tuyển dụng, tạo bước đột phá trong công tác cán bộ.

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương và các bé Trường Mầm non Sao Mai (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: NVCC

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương và các bé Trường Mầm non Sao Mai (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: NVCC

Dù chưa nhiều địa phương triển khai, nhưng cách làm này cho thấy kết quả tích cực, được dư luận ủng hộ.

Chọn đúng “thuyền trưởng”

Năm 2022, lần đầu tiên huyện Thanh Trì (Hà Nội) tổ chức thi tuyển chức danh hiệu trưởng. Nội dung thi tuyển gồm 2 phần là thi viết và trình bày Đề án giảng dạy. Phần thi viết trong thời gian 180 phút. Nội dung trình bày kiến thức chung về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chuyên ngành GD-ĐT, hiểu biết về nghiệp vụ quản lý, chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh hiệu trưởng và một số nội dung khác. Có 2 ứng viên đủ điều kiện tham gia kỳ thi để trở thành Hiệu trưởng Trường Mầm non A xã Tứ Hiệp và người trúng tuyển là cô Trương Thị Thu Huyền - trước đó là Phó Hiệu trưởng nhà trường.

Nhớ lại kỳ thi đặc biệt này, cô Huyền cho biết đã chuẩn bị rất kỹ; từ nghiên cứu kế hoạch của UBND huyện, làm hồ sơ dự tuyển, theo dõi tin tức nội dung liên quan đến thi tuyển; nghiên cứu tài liệu và tham khảo ý kiến về các lĩnh vực theo nội dung ôn tập Hội đồng thi tuyển đưa ra. Đặc biệt, cô dành nhiều tâm huyết để xây dựng Đề án “Phát triển Trường Mầm non A xã Tứ Hiệp đến năm 2025 và tầm nhìn 2030”.

“Hội đồng thi tuyển là lãnh đạo chủ chốt Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMT Tổ quốc huyện. Ấn tượng của tôi là thành viên trong Hội đồng đều đọc kỹ, tìm hiểu sâu về cấp học mầm non, đặc biệt Đề án phát triển Trường Mầm non A xã Tứ Hiệp; từ đó đặt câu hỏi sát và thực tế. Các câu hỏi xoay quanh cách quản lý, đánh giá cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường như nào để đạt hiệu quả; ứng dụng biện pháp giáo dục tiên tiến STEAM vào hoạt động của trường... Từ cuộc thi này, tôi mạnh dạn, tự tin, có nhiều kiến thức hơn về công việc quản lý”, cô Trương Thị Thu Huyền chia sẻ.

Cũng là hiệu trưởng qua thi tuyển, cô Trịnh Phương Linh gắn bó với Trường Tiểu học Thủ Lệ (Ba Đình, Hà Nội) từ tháng 7/2022. Trước đó, cô là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Khánh (Ba Đình). Chia sẻ về quá trình tham gia thi tuyển, cô Trịnh Phương Linh bày tỏ ấn tượng với trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ, thú vị và được thể hiện suy nghĩ bản thân nếu trong một cương vị, vai trò mới. Cô Linh nhận định công tác tổ chức kỳ thi khoa học, hiệu quả, sáng tạo; các nội dung thông báo đến thí sinh rõ ràng, công khai, minh bạch, kịp thời.

“Trải qua 2 vòng thi tuyển, tôi thu nhận nhiều kiến thức bổ ích. Nhất là phần chuẩn bị đề án, cần nghiên cứu sâu và kỹ để nắm bắt đặc điểm nhà trường, xác định khó khăn, thuận lợi từ đó có phương hướng điều hành, phát triển bền vững. Trong quá trình ôn thi, thí sinh nhận được sự trao đổi, chia sẻ hiệu quả của phòng GD&ĐT.

Tôi hy vọng sự chuẩn bị cùng nỗ lực cá nhân khi ở cương vị mới sẽ xây dựng ngôi trường phát triển bền vững, đáp ứng mong đợi của phụ huynh, mang đến điều tốt đẹp nhất cho học sinh và xây dựng đội ngũ giáo viên đoàn kết, vững vàng, yêu nghề mến trẻ”, cô Trịnh Phương Linh cho hay.

Cô Trịnh Phương Linh (thứ 4 từ phải sang) nhận Quyết định là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thủ Lệ. Ảnh: NVCC

Cô Trịnh Phương Linh (thứ 4 từ phải sang) nhận Quyết định là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thủ Lệ. Ảnh: NVCC

Chuyển biến tích cực

Cho đến nay, thi tuyển hiệu trưởng đã triển khai ở một số địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thừa Thiên - Huế, Tuyên Quang… Ghi nhận ban đầu, những cán bộ quản lý được bổ nhiệm qua thi tuyển đang phát huy tốt năng lực, sở trường trong công việc; đồng thời bám sát đề án, kế hoạch hành động cam kết khi tham gia ứng tuyển.

Ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế cho biết: Năm 2016, Thừa Thiên - Huế tổ chức thi tuyển chức danh phó hiệu trưởng và 2019 tổ chức thi tuyển vị trí hiệu trưởng theo đề án thí điểm. Kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, công khai nhằm lựa chọn cán bộ quản lý có phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm tâm huyết. Về cơ bản, những cán bộ quản lý được bổ nhiệm qua thi tuyển phát huy tốt năng lực, sở trường trong công việc.

“Từ thực tiễn tại Thừa Thiên - Huế cho thấy, cả hai cách: Bổ nhiệm cán bộ quản lý qua thi tuyển, bổ nhiệm theo cách thức truyền thống, đều nhằm chọn ra cán bộ quản lý giỏi cho ngành Giáo dục. Hai cách thức này có ưu điểm, hạn chế riêng. Quan trọng là sự vận dụng phù hợp từng phương án trong bối cảnh, thời điểm, điều kiện cụ thể, để phát huy hiệu quả tốt nhất. Cùng đó, cơ quan quản lý cần chiến lược lâu dài về quy hoạch, phát hiện, đào tạo để tìm được người có uy tín, năng lực, phẩm chất, phát huy tốt nhất vai trò trong tổ chức”, ông Nguyễn Tân chia sẻ.

Tại các trường có hiệu trưởng được bổ nhiệm qua thi tuyển, chuyển động tích cực từ công tác quản lý, kết quả giáo dục được đội ngũ giáo viên ghi nhận.

Cô trò Trường Mầm non A xã Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội).

Cô trò Trường Mầm non A xã Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội).

Năm 2022, cô Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hướng Dương (Ba Đình, Hà Nội) đã chiến thắng 3 ứng viên khác, trúng tuyển Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai (Ba Đình, Hà Nội).

Chia sẻ niềm vui về sự chuyển mình tích cực của nhà trường sau 1 năm có lãnh đạo mới, cô Nguyễn Thùy Dung - Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non Sao Mai ấn tượng với việc tân hiệu trưởng sẵn sàng công khai số điện thoại cá nhân và kết bạn với 100% phụ huynh của trường; giúp các bậc cha mẹ trao đổi thoải mái về điều còn băn khoăn, thắc mắc, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng… Bên cạnh đó, suốt năm học qua, cô hiệu trưởng luôn duy trì việc sáng sớm đứng ở cổng trường để chào đón học sinh, phụ huynh với nụ cười thường trực trên môi.

“Chúng tôi vui khi có người đứng đầu luôn tôn trọng sự sáng tạo, giao quyền chủ động cho giáo viên; tạo ra môi trường tích cực để giáo viên dám đổi mới, nêu lên suy nghĩ để xây dựng tập thể nhà trường đoàn kết. Dù mới một năm, nhưng cô Hương đã giúp giáo viên thay đổi tư duy, mạnh dạn áp dụng và vận hành chuyển đổi số trong nhà trường.

Cô cũng tham mưu các cấp lãnh đạo để trường được đầu tư, sửa chữa, nâng cao cơ sở vật chất, bảo đảm hoạt động chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng trẻ ở điều kiện tốt nhất; đồng thời, tạo ra nhiều sân chơi, hoạt động trải nghiệm cho trẻ… Những kết quả này được ghi nhận bằng Bằng khen của Bộ GD&ĐT, Cờ thi đua của TP Hà Nội, nhưng trên hết là niềm tin của các bậc cha mẹ học sinh”, cô Nguyễn Thùy Dung bày tỏ.

Qua thi tuyển, thầy Hà Duy Hòa được bổ nhiệm về Trường THCS - THPT Kháng Nhật (Tuyên Quang) từ tháng 10/2021. Dấu ấn của thầy Hà Duy Hòa sau 3 năm lãnh đạo nhà trường được tập thể cán bộ, giáo viên ghi nhận. “Hiệu trưởng luôn quan tâm, động viên khích lệ cán bộ, giáo viên, nhân viên kịp thời; chỉ đạo các tổ chức trong nhà trường thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện nhưng không cứng nhắc.

Chúng tôi được làm việc trong không khí cởi mở, lấy hiệu quả làm thước đo đánh giá. Điều đó góp phần quan trọng giúp chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn ngày càng nâng lên cả về số và chất lượng. Tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp hằng năm đạt trên 98%, số học sinh thi đỗ đại học 70%; các em đoạt giải học sinh giỏi cũng duy trì về chất và số lượng”, thầy Nguyễn Mạnh Hà - giáo viên Trường THCS - THPT Kháng Nhật chia sẻ.

Cô Hiệu trưởng Trương Thị Thu Huyền và trẻ Trường Mầm non A xã Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: NVCC

Cô Hiệu trưởng Trương Thị Thu Huyền và trẻ Trường Mầm non A xã Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: NVCC

Cần xuất phát từ quan điểm “Vì việc tìm người”

Nhiều năm ở vị trí hiệu trưởng trường THPT, nay là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp, ông Nguyễn Văn Định cho rằng: Nhà giáo quyết định chất lượng người học, hiệu trưởng quyết định chất lượng nhà trường. Tinh thần đó cần được đề cao. Vì vậy, tuyển chọn được hiệu trưởng thực sự có năng lực, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm duy trì, nâng cao chất lượng toàn diện nhà trường là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, không chỉ của riêng ngành Giáo dục, mà là mối quan tâm toàn xã hội.

Sau 10 năm (2013 - 2023) thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng, GD-ĐT nước nhà đã đạt nhiều thành tựu lớn. Trong đó, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục không ngừng lớn mạnh cả về số và chất lượng, đã và đang giữ vai trò chủ lực làm nên thành quả giáo dục hôm nay.

Nhận định một số địa phương, đơn vị tổ chức thi tuyển cán bộ quản lý giáo dục là giải pháp mạnh dạn, sáng tạo nhưng ông Nguyễn Văn Định cũng băn khoăn khi việc tổ chức thi tuyển trên phạm vi cả nước còn ít và khá thận trọng. Số lượng người tham gia trong mỗi kỳ thi khiêm tốn; tiêu chí tuyển chọn còn tùy thuộc nhiều vào quan điểm từng địa phương, có thể chưa thu hút được những người có năng lực tốt hơn tham gia ứng tuyển.

Để tuyển được hiệu trưởng có năng lực tốt, ông Nguyễn Văn Định nhấn mạnh cần xuất phát từ quan điểm “Vì việc tìm người”. Với vị trí công việc như vậy, cần những yêu cầu tương ứng nào thì tìm người phù hợp để bố trí. Trong thực tiễn, ngay cả cùng một cấp học, yêu cầu nhiệm vụ của hiệu trưởng từng trường cũng có điểm khác nhau. Cần khắc phục tình trạng “vì người tìm việc”.

Cùng đó, cần xây dựng bộ tiêu chí tuyển chọn một cách “khắt khe”. Bên cạnh tiêu chuẩn chung theo quy định của ngành, ưu tiên “đo kỹ” các năng lực: Giàu lòng yêu nghề, mến trẻ; kiến thức sâu và kinh nghiệm tốt về giáo dục, nhất là kinh nghiệm quản lý; tầm nhìn xa và tư duy nhạy bén; khả năng bao quát tốt; năng lực xử lý xung đột trong môi trường áp lực; khả năng quy tụ, đoàn kết lực lượng; tài thuyết phục; năng lực tổ chức để phân công đúng việc, đúng người nhằm khai thác tốt nhất điểm mạnh mỗi cá nhân tạo nên sức mạnh chung cho nhà trường; mối liên hệ tốt với lực lượng giáo dục…

Ông Nguyễn Văn Định đồng thời cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền, vận động để thu hút càng nhiều ứng viên càng tốt, để “Trong số đông mới chọn được người giỏi. Lựa trên diện rộng mới được người tài”. Có như vậy, khả năng cao tìm được hiệu trưởng cần tìm và ít bỏ sót người tài.

Bên cạnh trao vinh dự, cần có chế độ đãi ngộ tương xứng những người trúng tuyển và đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Sẵn sàng điều chỉnh, thay thế nhân sự nếu không đạt yêu cầu đặt ra. Phải làm cho việc thi tuyển thực sự là cuộc cạnh tranh lành mạnh, tích cực, khoa học, công bằng, không chỉ thúc đẩy chất lượng giáo dục của đơn vị, mà còn lan tỏa mạnh toàn ngành, thu hút sự quan tâm đồng thuận của xã hội.

“Có hai nguồn sức mạnh chính quyết định kết quả đổi mới giáo dục. Đó là, sức mạnh lực lượng nòng cốt gồm đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cùng sức mạnh tổng hợp xã hội. Vì vậy, ngoài sự quan tâm đặc biệt phát triển toàn diện đội ngũ; cần không ngừng lan tỏa mạnh mẽ tinh thần giáo dục cho người dân, đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài, phát triển gia đình học tập, dòng họ hiếu học, địa phương học tập, quốc gia học tập… Một khi có lực lượng đủ mạnh và được sự ủng hộ rộng khắp của nhân dân thì lo gì tiến trình đổi mới giáo dục không đi đến thành công”, ông Nguyễn Văn Định cho hay.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, đề bạt, bố trí cán bộ quản lý, nhất là chức vụ hiệu trưởng, có nhiều đổi mới tích cực. Bên cạnh cách làm truyền thống, một vài địa phương, đơn vị đã tổ chức thi tuyển cán bộ quản lý giáo dục. Đây có thể xem là giải pháp mạnh dạn, sáng tạo, có tính đột phá, tác dụng thúc đẩy hiệu quả quản lý cho các nhà trường. - Ông Nguyễn Văn Định

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thi-tuyen-hieu-truong-sao-cho-chon-dung-nguoi-post660026.html