Thi tuyển vào Nvidia khó đến mức nào

Yêu cầu biết ít nhất 4 ngôn ngữ lập trình phổ biến, nắm kiến thức về học máy, MATLAB, Linux cùng lúc, Nvidia được đánh giá là một trong những Big Tech có yêu cầu cao nhất khi tuyển dụng.

 So sánh với AMD, đối thủ chính trong ngành bán dẫn, Nvidia có mật độ kỹ năng chuyên sâu vượt trội hơn. Ảnh: Wall Street Journal.

So sánh với AMD, đối thủ chính trong ngành bán dẫn, Nvidia có mật độ kỹ năng chuyên sâu vượt trội hơn. Ảnh: Wall Street Journal.

Với doanh thu kỷ lục 35,1 tỷ USD trong quý III/2024, tăng 94% so với cùng kỳ năm trước, Nvidia hiện là một trong những cái tên hàng đầu trong lĩnh vực AI và trung tâm dữ liệu. Riêng doanh thu từ mảng trung tâm dữ liệu đạt 30,8 tỷ USD.

Để đạt được thành công này, CEO Jensen Huang đã thực thi chiến lược tuyển dụng khắt khe, tập trung vào kỹ năng chuyên môn và mở rộng qua hàng loạt thương vụ mua bán - sáp nhập.

“Cường quốc về chuyên môn kỹ thuật”

Tham gia thị trường từ năm 1990 với vai trò là nhà thiết kế bộ xử lý cho trò chơi điện tử, xuất phát điểm của Nvidia chỉ có 42 nhân viên (năm 1996), sau đó đạt gần 30.000 người vào năm 2024. Năm 2015-2024 là giai đoạn bùng nổ về nhân sự bởi công ty bổ sung hơn 20.000 nhân viên mới, chủ yếu để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về AI và ứng dụng GPU trong nhiều ngành công nghiệp.

 Bảng thống kê số lượng nhân viên Nvidia tăng qua từng năm. Ảnh: Stock Analysis.

Bảng thống kê số lượng nhân viên Nvidia tăng qua từng năm. Ảnh: Stock Analysis.

Số lượng tuyển dụng tăng đột biến từ năm 2021, trùng với thời điểm nhu cầu toàn cầu về AI tăng vọt. Trên thực tế, số lượng nhân viên của hãng chip chỉ giảm một lần (giảm 1 nhân viên) vào năm 1996. Kể từ năm 1996, số lượng nhân viên của Nvidia đã tăng hơn 700 lần.

Phân tích nhân sự của Aura Workforce Analytics tính đến tháng 11/2024 cho thấy lực lượng lao động của gã khổng lồ tập trung nhiều nhất tại Mỹ, chiếm khoảng 50%, trong khi châu Á đóng vai trò quan trọng nhờ các trung tâm kỹ thuật và nghiên cứu.

Phần lớn nhân sự ở châu Á giữ vai trò kỹ sư (engineering) và vận hành (operating). Riêng Ấn Độ góp gần 15% tổng số nhân viên của công ty. Để so sánh, số nhân sự tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi cộng lại mới chiếm hơn 19%, theo Statista.

Những năm qua, Nvidia thu hút hàng loạt nhân tài từ Intel và Qualcomm. Đây đều là những nguồn nhân tài kỹ thuật hàng đầu của họ trong năm 2023-2024, Aura Workforce Analytics nhận định.

Đồng tình với kết luận này, Live Data Technology cũng chỉ ra từ năm 2020 đến tháng 2/2024, Nvidia đã thu hút 1.379 nhân viên từ các công ty bán dẫn và chip hàng đầu khác. Trong đó, 646 nhân viên đến từ Intel và 176 từng làm việc tại Qualcomm. Ngược lại, công ty của Jensen Huang chỉ mất 169 nhân viên vào tay các công ty đó. Tỷ lệ là 8:1.

 Bảng thống kê nhân sự "nhảy việc" từ các hãng chip sang Nvidia. Ảnh: Live Data Technology.

Bảng thống kê nhân sự "nhảy việc" từ các hãng chip sang Nvidia. Ảnh: Live Data Technology.

Ngoài số lượng, Nvidia còn chú trọng tuyển dụng nhân sự ở các cấp độ kỹ thuật cao, được ví như “cường quốc về chuyên môn kỹ thuật”. Nhân viên được yêu cầu phải xuất sắc trong nhiều ngôn ngữ lập trình, biết ngôn ngữ mô tả phần cứng VHDL...

Cụ thể, hơn 55.000 nhân sự của Nvidia biết C/C++, trong khi gần 40.000 nhân viên sử dụng Verilog, Python.

Cùng với đó, kiến thức về Linux, MATLAB và khả năng phát triển các hệ thống nhúng trên nền tảng FPGA... cũng là những kỹ năng thiết yếu.

Dựa trên các bài đăng tuyển dụng, có thể thấy hãng chip rất quan tâm đến việc tuyển dụng những kỹ năng đặc thù như lập trình GPU, thiết kế mạch tích hợp (VLSI), học sâu, hệ thống nhúng, kỹ thuật phần cứng…

Theo Aura Workforce Analytics, đây là những kỹ năng cốt lõi giúp Nvidia duy trì vị trí dẫn đầu trong các thị trường GPU, AI, robot và điện toán hiệu năng cao (HPC). Cũng nhờ đó, công ty hình thành nên một đội ngũ với mật độ chuyên môn cao, khó có công ty nào sánh được.

So sánh với AMD, đối thủ chính trong ngành bán dẫn, Nvidia có mật độ kỹ năng chuyên sâu vượt trội hơn. Mặc dù AMD đã có chiến lược tái cấu trúc, cắt giảm 4% nhân sự để tập trung vào R&D, Nvidia vẫn giữ được tốc độ tuyển dụng nhanh gấp 3 lần so với AMD, theo Aura Workforce Analytics.

Bành trướng nhờ các vụ mua bán - sáp nhập

Dữ liệu còn cho thấy Nvidia ưu tiên tuyển dụng ở cấp cơ sở (junior) và trung cấp (mid-level). Điều này phù hợp với chiến lược nhân rộng tài năng kỹ thuật và có khả năng lập kế hoạch cho sự thăng tiến và phát triển nghề nghiệp trong tương lai, công ty phân tích nhận định.

Tuy nhiên, tỷ lệ nghỉ việc ở nhân viên trẻ, mới đầu sự nghiệp đang gia tăng. Công ty cũng phải đối mặt với áp lực trong việc cân bằng giữa tốc độ tăng trưởng và sự hài lòng của nhân viên.

Dù phần lớn nhân viên Nvidia bày tỏ hài lòng với công ty, vẫn có nhiều phàn nàn về cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Đây là điều mà hãng chip cần giải quyết để giữ chân nhân tài.

Được biết đến như một trong những công ty khó ứng tuyển nhất, Nvidia đặt ra những tiêu chuẩn rất cao cho ứng viên. Theo nền tảng tư vấn việc làm Bridged, ngay cả những nhân viên công nghệ dày dặn kinh nghiệm cũng khó vượt qua vòng phỏng vấn.

Bởi sau vòng sàng lọc ban đầu, ứng viên phải vượt qua các vòng thi kỹ thuật khắt khe như bài kiểm tra lập trình, thiết kế hệ thống và giải quyết vấn đề thực tiễn. Những vòng phỏng vấn hành vi và quản lý cũng được sử dụng để đánh giá khả năng làm việc nhóm, giải quyết tình huống và định hướng cá nhân của ứng viên.

 Nvidia nổi tiếng với quy trình tuyển dụng kỹ lưỡng, tập trung tìm kiếm những tài năng kỹ thuật xuất sắc và phù hợp văn hóa doanh nghiệp. Ảnh: Wall Street Journal.

Nvidia nổi tiếng với quy trình tuyển dụng kỹ lưỡng, tập trung tìm kiếm những tài năng kỹ thuật xuất sắc và phù hợp văn hóa doanh nghiệp. Ảnh: Wall Street Journal.

Ngoài tuyển dụng trực tiếp, hãng chip còn tích cực mở rộng đội ngũ thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A). Giám đốc tài chính Colette Kress nhận định M&A ngoài là công cụ để sở hữu công nghệ mới, còn giúp Nvidia có được những đội ngũ nhân sự giỏi nhất.

Trong 31 năm qua, Nvidia đã mua lại nhiều công ty như 3dfx, Mellanox, Ageia, nhằm nâng cao khả năng đồ họa, mở rộng nền tảng công nghệ và tiếp cận các lĩnh vực mới. Tuy nhiên, thương vụ lớn nhất là mua lại Arm không thành công do vướng phải các rào cản pháp lý.

Gần đây nhất, gã khổng lồ đã quyết định mua lại VinBrain, start-up AI thuộc Vingroup, để phát triển trung tâm thiết kế tương lai tại Việt Nam. Trong chuyến thăm đầu tháng 12 của CEO Jensen Huang, Nvidia đã ký thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển AI (VRDC) và Trung tâm Dữ liệu AI tại đây.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/boc-tach-doi-quan-dung-sau-nvidia-hien-tai-post1516994.html