Thi vào lớp 10: Giảm áp lực cho nhà trường, học sinh
Trước tình trạng một số trường 'ép' phụ huynh đăng ký không cho con thi vào lớp 10 THPT, từ năm học 2024 - 2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương quyết định tính điểm trung bình kỳ thi vào lớp 10 để xét thi đua của các địa phương và các nhà trường theo hướng xếp hạng theo tổng điểm/số học sinh tốt nghiệp THCS.
Giảm áp lực từ địa phương
Mỗi mùa tuyển sinh lớp 10, ở không ít địa phương lại xuất hiện phản ánh bức xúc của các bậc phụ huynh về tình trạng bị giáo viên chủ nhiệm “ép” viết đơn tự nguyện không đăng ký cho con thi vào lớp 10 THPT. Nếu phụ huynh không đồng ý thì sẽ có thể bị ảnh hưởng tới kết quả học bạ của con, khi đó muốn dùng học bạ để xét tuyển vào các trường dân lập hoặc trường nghề sẽ khó khăn hơn. Với quan điểm học và thi là quyền lợi chính đáng của mỗi học sinh, nhiều phụ huynh phản đối cách làm này vì như vậy, học sinh thấy không thi sẽ chểnh mảng việc học hơn, gia đình càng khó uốn nắn con.
Nguyên nhân của việc này xuất phát từ căn bệnh thành tích khi giáo viên chủ nhiệm chịu trách nhiệm trước hiệu trưởng về tỷ lệ học sinh không trúng tuyển lớp 10 THPT, ảnh hưởng đến thành tích thi đua của cá nhân và chính nhà trường đó. Thậm chí, chất lượng dạy học cũng sẽ bị đánh giá, ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường, giáo viên đó.
Những năm gần đây công tác phân luồng học sinh sau THCS được ngành giáo dục nói chung và các nhà trường nói riêng chú trọng thực hiện. Song do việc tuyển sinh đúng tuyển, không chọn lọc đầu vào nên tỷ lệ học sinh đỗ lớp 10 THPT của nhiều trường phụ thuộc vào chất lượng dạy và học của nhà trường nhưng cũng phụ thuộc vào sự nỗ lực của học sinh, sự đồng hành của gia đình. Vì vậy, ngoài việc giáo viên sát sao tư vấn, định hướng phù hợp cho học sinh, phối hợp cùng gia đình có những khuyên bảo hữu ích cho các em thì một số thầy cô lại “ép” học sinh không được thi, nộp học bạ vào một trường THPT tư thục khiến phụ huynh bất bình.
Để khắc phục tình trạng trên, từ năm học 2024 - 2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương đã quyết định tính điểm trung bình kỳ thi vào lớp 10 THPT để xét thi đua của các địa phương và các nhà trường theo hướng xếp hạng theo tổng điểm/số học sinh tốt nghiệp THCS. Cách làm này theo các chuyên gia giúp tạo công bằng cho các trường, không bị áp lực về tỷ lệ học sinh đỗ, trượt như trước. Nhiều ý kiến dự đoán có thể các trường sẽ tư vấn nhiều học sinh dự thi lớp 10 hơn so với năm trước, phù hợp với quyền lợi chính đáng của các em vốn được hưởng. Kết quả cuối cùng dù đỗ hay trượt nhưng đó là do học sinh lựa chọn và đạt được, không ai được tước đi cơ hội tham gia kỳ thi của các em. Công tác phân luồng cho học sinh sau THCS vì vậy cũng sẽ không bị ảnh hưởng vì với chỉ tiêu vào lớp 10 của mỗi trường, mỗi địa phương là cố định không thay đổi thì việc có thêm hay bớt đi một số thí sinh cũng không có nhiều ảnh hưởng. Học sinh được tôn trọng và có quyền lựa chọn thi hay không thi, việc của các nhà trường, giáo viên là tư vấn, định hướng đúng mức để các em nhận ra điểm mạnh, điểm yếu của mình và có hướng đi phù hợp.
Cơ hội công bằng cho thí sinh
Quy chế tuyển sinh THCS và THPT có hiệu lực từ ngày 14/2/2025 quy định: Điểm xét tuyển vào lớp 10 THPT là điểm tổng của các môn thi, bài thi tính theo thang điểm 10 với mỗi môn thi, bài thi. Việc công bố điểm chuẩn được thực hiện đồng thời với công bố điểm thi. Như vậy, từ năm học này việc tính điểm xét tuyển vào lớp 10 chính thức bỏ nhân hệ số sẽ được thống nhất trên toàn quốc. Những năm học trước, tùy từng địa phương có quy định tính điểm số xét tuyển các môn thi ngang nhau hoặc nhân đôi với môn Toán, Ngữ văn còn môn thi thứ 3, thứ 4 là hệ số 1.
Đơn cử, tại Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Quảng Ninh… điểm xét tuyển vào 10 năm 2024 là tổng điểm thi môn Ngữ văn và Toán nhân đôi, cộng điểm thi môn Ngoại ngữ và điểm ưu tiên (nếu có). Trong khi đó, tại TPHCM, Bình Dương, Bắc Giang, Ninh Bình… đã áp dụng cách tính điểm xét tuyển với 3 môn thi, bài thi trên thang điểm 10 mỗi môn thi, bài thi.
Vì mỗi địa phương mỗi khác, việc nhân hệ số 2 đối với môn Toán và Ngữ văn dễ tạo ra cảm giác ngộ nhận về điểm xét tuyển của các trường cao, khiến học sinh và xã hội ngộ nhận học sinh đạt điểm cao 3 môn thi nhưng thực chất khi nhìn vào điểm trần không nhân hệ số, điểm của học sinh mới phản ánh rõ nét.
Bên cạnh đó, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực của mỗi học sinh, không phân biệt môn chính, môn phụ nên việc nhân hệ số 2 với môn này trong khi hệ số 1 với môn khác khiến học sinh, phụ huynh sẽ chú trọng ôn tập môn này hơn môn kia, góp phần làm gia tăng việc học lệch môn. Khi bỏ nhân hệ số sẽ đảm bảo sự công bằng trong đánh giá năng lực học sinh và tạo cơ hội ngang bằng cho tất cả các em, không khiến em này mất đi lợi thế nếu học khá tiếng Anh trong khi môn Toán, Ngữ văn kém hơn so với những học sinh giỏi Toán, Ngữ văn nhưng chưa tốt môn Ngoại ngữ. Từ cách tính điểm xét tuyển này sẽ thúc đẩy việc chú trọng học đều, phát triển toàn diện ở bậc THCS, tạo kiến thức nền tảng cơ bản cần thiết cho mỗi học sinh đúng như mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đặt ra.