Thi vào trường múa: Ưu thế hình thể đẹp, biết thẩm âm...

Múa là ngành học không chỉ cần năng khiếu mà đòi hỏi sự đam mê và khổ luyện. Để thi năng khiếu môn múa, thí sinh phải thể hiện được biểu cảm hình thể, kỹ năng thực hiện các tổ hợp, động tác múa, khả năng bắt chước, cảm thụ âm nhạc.

GV Trường Trung cấp Múa TPHCM hướng dẫn môn năng khiếu múa. Ảnh: NTCC

GV Trường Trung cấp Múa TPHCM hướng dẫn môn năng khiếu múa. Ảnh: NTCC

Thi những gì?

Các trường đào tạo diễn viên múa xét điểm thi tốt nghiệp THPT và hạnh kiểm loại khá trở lên. Thí sinh có thể đăng ký nguyện vọng vào các trường đào tạo ngành diễn viên múa: Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật quân đội, Học viện Múa Việt , Trường Trung cấp Múa TPHCM…

Để đạt điểm vào ngành Diễn viên múa ngoài căn cứ vào điểm, các trường tập trung phần thi năng khiếu. Bên cạnh việc kiểm tra kỹ năng cơ bản, giám khảo còn xét cả hình thể, vóc dáng.

Tùy theo yêu cầu từng trường, thí sinh phải qua vòng Sơ tuyển kiểm tra năng lực cơ bản múa: Thực hiện từ 1 - 3 tổ hợp động tác múa cổ điển châu Âu và từ 1 - 3 tổ hợp múa dân gian Việt Nam theo yêu cầu của giảng viên hướng dẫn; Nghe nhạc và trình bày cảm xúc của mình. Ở phần chung tuyển, thí sinh sẽ trình bày một bài múa theo đề thi; Có thể mời bạn diễn cùng tham gia (không quá 2 người).

Năm 2020, Trường Trung cấp Múa TPHCM tuyển hệ chính quy với 90 chỉ tiêu. Trong đó, ngành nghệ thuật biểu diễn kịch múa, khóa 6 năm, độ tuổi tuyển sinh từ 10 -17 tuổi. Ngành nghệ thuật biểu diễn múa dân gian dân tộc khóa 4 năm, độ tuổi tuyển sinh từ 14 - 18 tuổi. Hệ vừa học vừa làm tuyển 60 học viên. Ngành nghệ thuật biểu diễn múa dân gian dân tộc khóa 2 năm, độ tuổi tuyển sinh từ 19 - 30 tuổi. Hình thức tuyển sinh kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển. Nội dung gồm: Kiểm tra thể hình và năng khiếu. Phần thể hình kiểm tra ngoại hình, độ mềm, mở, sức bật của cơ thể. Phần năng khiếu kiểm tra khả năng tiếp thu thực hành các động tác múa, cảm nhận tiết tấu và độ cao âm nhạc.

Tố chất cần có

Theo học ngành Diễn viên múa, thí sinh phải là người giàu cảm xúc, có khả năng đồng cảm với hình tượng nhân vật trong bài múa; Có kỹ năng trình diễn trên sân khấu, tự tin trình diễn, biểu diễn; Xử lý động tác một cách khéo léo; Tự tin, thoải mái trước chỗ đông người; Đam mê nghệ thuật và những loại hình văn hóa khác nhau trên thế giới; Thích thể hiện bản thân thông qua nghệ thuật; Yêu thích môn âm nhạc, văn học.

Theo cô Hoàng Ngọc Thùy Trang (Chuyên viên phòng Đào tạo QLKH và Hợp tác quốc tế, trường Trung cấp Múa TPHCM), ngành nghệ thuật biểu diễn múa đòi hỏi thí sinh ngoài năng khiếu và sự đam mê, phải kiên trì khổ luyện. Khác với ngành học văn hóa, hôm nay mệt quá, HS có thể nghỉ mai học lại, hay chép bài lại, học ngành múa nếu nghỉ học một ngày, hôm sau tay chân cứng, việc học qua bạn bè cũng khó chuẩn.

"Học múa rất vất vả bởi người học vừa phải vận động trí óc, vận động tay chân, vừa phải nhớ bài, nhìn một cái là phải bắt chước được ngay. Các em vừa phải nghe – nhớ nhạc vừa phải kết hợp hoạt động liên tục của tay chân theo giai điệu. Cho nên thí sinh phải vận dụng hết các giác quan để hoàn thành bài tập, cũng như khổ luyện hàng ngày cho đến khi hoàn thành khóa học…", cô Trang chia sẻ.

Để giúp thí sinh quen phần thi năng khiếu, một số trường mở lớp ôn luyện. Theo đó, thí sinh sẽ được ôn tập hình thể. GV hướng dẫn các tổ hợp múa từ cơ bản, đến nâng cao.

Cô Ngọc khuyến cáo: Để vượt qua "cửa ải" của kỳ thi năng khiếu, không chỉ riêng bộ môn múa mà với các môn nghệ thuật khác, thí sinh phải giữ được tinh thần tốt, có hình thể đẹp cũng như sức khỏe tốt. Các em cần có phong thái tự tin trước khi bước vào kỳ thi, không được ngại ngùng mắc cỡ để thể hiện hết kỹ năng của mình. Đồng thời, các em thường xuyên luyện nghe nhạc giao hưởng, nhạc hòa tấu… để rèn kỹ năng thẩm âm, giúp cảm thụ và linh hoạt trong các động tác khi thể hiện các phần thi...

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thi-vao-truong-mua-uu-the-hinh-the-dep-biet-tham-am-1595209876020.html