Thị xã La Gi: Giải quyết 'mâu thuẫn' giữa người nghèo và dinh dưỡng

Vì tình huống ở giữa vùng thực phẩm lại không đắt đỏ, 'không gạo châu củi quế' mà bị suy dinh dưỡng nên Trung tâm Y tế thị xã La Gi xác định việc đẩy mạnh công tác truyền thông tư vấn dinh dưỡng cho trẻ dưới 16 tuổi, cho bà mẹ nuôi con dưới 2 tuổi là quyết định.

1. Thật khó tin khi ở ven biển mà bị suy dinh dưỡng. Với thị xã La Gi, nơi có bờ biển kéo dài 28km, quyết định hình thành những ngành nghề dịch vụ trên bờ sôi động cùng những vùng nông nghiệp nằm sâu bên trong và cả kề bên từ Hàm Thuận Nam tới, Hàm Tân qua với lượng nông sản phong phú nhưng vẫn có tình trạng trẻ em trên địa bàn bị suy dinh dưỡng, lại càng khó tin. Thế nhưng, đó là sự thật. Đến thời điểm này, trên địa bàn thị xã vẫn còn 90 trẻ dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo bị suy dinh dưỡng chiều cao. Vì tình huống ở giữa vùng thực phẩm lại không đắt đỏ, “không gạo châu củi quế” mà lại suy dinh dưỡng nên Trung tâm Y tế thị xã La Gi xác định việc đẩy mạnh công tác truyền thông tư vấn dinh dưỡng cho trẻ dưới 16 tuổi, cho bà mẹ nuôi con dưới 2 tuổi là quyết định. Mục đích nhằm thay đổi nhận thức của các nhóm đối tượng này trong ăn uống đủ 4 nhóm chất hàng ngày để cải thiện tình trạng dinh dưỡng và giảm suy dinh dưỡng thấp còi, chăm lo cho sức khỏe, nâng cao thể trạng và tầm vóc.

Các cháu học sinh trong giờ học ngoại khóa của Trường mẫu giáo Tân Phước, La Gi.

Các cháu học sinh trong giờ học ngoại khóa của Trường mẫu giáo Tân Phước, La Gi.

Theo Trung tâm Y tế La Gi, trước kia việc truyền thông về dinh dưỡng được lồng ghép vào các chương trình, ngay cả khi các bà mẹ mang trẻ đi chích ngừa. Từ năm 2023 đến nay, có dự án “Cải thiện dinh dưỡng” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn thị xã La Gi nên việc tư vấn có chương trình, kế hoạch riêng. Như năm 2024, đầu năm trung tâm xây dựng kế hoạch truyền thông, tư vấn cho các đối tượng gồm bà mẹ có con dưới 2 tuổi, trẻ từ 6 - 16 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo trên địa bàn thị xã. Cán bộ, nhân viên y tế của Phòng Khám đa khoa khu vực Tân Hải và trạm y tế các xã, phường trên địa bàn thị xã tư vấn.

2. Phước Hội, phường được xem là nhộn nhịp nhất của thị xã La Gi, khi có chợ La Gi, đầu mối trung tâm, giao thương của người dân và du khách đến thị xã nên cũng là nơi thu hút người dân các nơi về địa bàn phường này kiếm sống rất đông. Theo đó, những đứa trẻ theo gia đình ở nơi khác tới, những đứa trẻ được sinh ra tại phường từ các gia đình nhập cư cũng xuất hiện. Nhưng đặc biệt, đến thời điểm này phường không có trẻ dưới 16 tuổi bị suy dinh dưỡng. Chị Nguyễn Thị Tuyết Trinh - Trưởng Trạm Y tế phường Phước Hội, người được đánh giá là làm công tác truyền thông dinh dưỡng rất tốt, cho biết như vậy. Theo chị Trinh, dù trên địa bàn phường có hộ nghèo nhưng những đứa trẻ ở các hộ này không bị suy dinh dưỡng. Một phần nhờ chính sách cho người nghèo, phường rất chú trọng; các tổ chức, đơn vị, cơ sở tôn giáo cũng rất quan tâm tặng quà trong các dịp kỷ niệm, lễ tết trong năm nên người nghèo, cận nghèo không bị bỏ lại phía sau. Phần khác, các bà mẹ có con dưới 2 tuổi, các bé dưới 16 tuổi ở các gia đình nghèo, cận nghèo này ít nhiều cũng đã có kiến thức về dinh dưỡng nên đến giờ đã cải thiện tốt sức khỏe, tầm vóc. Thời gian qua, chị đã tư vấn cho các đối tượng khác nhau và tùy từng đối tượng, chị tìm cách nói, diễn đạt sao dễ hiểu nhất để các đối tượng ăn uống hàng ngày bảo đảm đủ 4 nhóm chất, những nhóm chất có trong các thức ăn nào, tập thể dục…

Không chỉ Phước Hội, những phường, xã khác của La Gi cũng xuất hiện những gia đình vãng lai, nhất là 2-3 năm qua. Phần lớn họ đều nằm trong diện hộ nghèo, cận nghèo tất bật với mưu sinh hàng ngày và gia đình có những đứa trẻ suy dinh dưỡng chưa được quan tâm đúng mức. Đó là 1 điểm khó cho những người đi truyền thông dinh dưỡng của các phường, xã, bên cạnh các khó khăn khác như một số học sinh tiểu học còn quá nhỏ để nhận thức hết kiến thức được truyền thông; một số bà mẹ đã biết qua thông tin đại chúng: Internet, facebook, zalo… nên không quan tâm lắm về buổi truyền thông… Còn nhìn chung, công tác truyền thông cũng có nhiều thuận lợi, khi có sự phối hợp chặt chẽ của y tế và ban giám hiệu các trường tiểu học và THCS; các thầy cô đã tạo điều kiện về thời gian và mời đúng đối tượng tham gia truyền thông. Với nội dung truyền thông được nhân viên y tế bám sát về chế độ ăn hằng ngày, sử dụng tháp dinh dưỡng để ước tính lượng thực phẩm cần ăn… là những vấn đề mới, gần gũi với bản thân nên khiến học sinh nhiệt tình chú ý lắng nghe. Để rồi sau đó, các em hiểu và tác động gia đình lo chuyện ăn bảo đảm cho cao lớn, khỏe mạnh, khi vùng La Gi dồi dào thực phẩm không đắt đỏ…

Thế nên, có người ví đây là hành trình giải quyết “mâu thuẫn” giữa người nghèo và dinh dưỡng.

HẢO CHI

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/thi-xa-la-gi-giai-quyet-mau-thuan-giua-nguoi-ngheo-va-dinh-duong-125711.html