Thị xã Phú Thọ gỡ khó trong dạy nghề cho lao động nông thôn

PTĐT - Thị xã Phú Thọ có trên 43.700 người trong độ tuổi lao động, chiếm 58,58% tổng dân số. Thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn...

Từ đầu năm đến nay, thị xã Phú Thọ mới mở được 2 lớp dạy nghề phi nông nghiệp Hệ A cho 70 học viên.- Giờ thực hành lớp học vi tính văn phòng tại Trung tâm GDNN-GDTX.

Từ đầu năm đến nay, thị xã Phú Thọ mới mở được 2 lớp dạy nghề phi nông nghiệp Hệ A cho 70 học viên.- Giờ thực hành lớp học vi tính văn phòng tại Trung tâm GDNN-GDTX.

PTĐT - Thị xã Phú Thọ có trên 43.700 người trong độ tuổi lao động, chiếm 58,58% tổng dân số. Thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2009 đến nay đã góp phần giảm tình trạng lao động chưa có việc làm và việc làm không ổn định. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay mà địa phương đang gặp phải đó là khó thu hút người lao động tham gia học nghề.
Cách đây 10 năm, thị xã Phú Thọ bắt đầu thực hiện Đề án 1956 với không ít trở ngại. Đội ngũ giáo viên giáo dục nghề nghiệp thiếu và khó thu hút những người có trình độ tay nghề, kinh nghiệm giảng dạy. Cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề vừa thiếu, vừa lạc hậu không đáp ứng yêu cầu một số ngành nghề đào tạo, đặc biệt là nghề phi nông nghiệp. Công tác xã hội hóa và liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp còn hạn chế. Nhận thức về đào tạo nghề và việc làm của một bộ phận lao động chưa cao… Song, bằng những nỗ lực khắc phục khó khăn, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở thị xã đã đạt kết quả tích cực. Giai đoạn 2010-2018, thị xã đã mở 43 lớp đào tạo trình độ sơ cấp nghề cho trên 1.430 học viên theo nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó 31 lớp dạy nghề nông nghiệp và 12 lớp dạy nghề phi nông nghiệp. Tổng kinh phí thực hiện mở lớp đào tạo giai đoạn 2010-2018 gần 5,6 tỷ đồng. Người lao động sau khi tham gia học nghề đã biết vận dụng có hiệu quả những kiến thức đã học vào sản xuất, kinh doanh dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống. Điển hình như chị Đào Thị Bích Nga, chị Nhâm Thị Lan Hương ở xã Văn Lung sau khi có chứng chỉ sơ cấp nghề dịch vụ nhà hàng đã mở cửa hàng kinh doanh với thu nhập từ 12-14 triệu đồng/tháng, tạo việc làm mới cho chính các thành viên trong gia đình. Nhờ kiến thức học được từ lớp sơ cấp nghề trồng rau an toàn, anh Hoàng Ngọc Khiêm và anh Phạm Hồng Phương ở phường Trường Thịnh đã ứng dụng kỹ thuật trong thâm canh rau, tăng năng suất, cung cấp số lượng lớn sản phẩm rau an toàn cho thị xã và các huyện lân cận với thu nhập 9-13 triệu đồng/tháng…Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay trên địa bàn thị xã đang gặp phải khó khăn mới, đó là người dân không có nhu cầu học nghề. Bà Lưu Thị Thúy Nga - Phó phòng LĐ,TB&XH cho biết: “Theo kế hoạch, năm 2019 thị xã sẽ mở 6 lớp dạy nghề sơ cấp, trong đó 3 lớp đào tạo theo chỉ tiêu pháp lệnh Nhà nước (hệ A) và 3 lớp đào tạo theo Đề án 1956, nhưng đến hết tháng 9, thị xã mới tiến hành khai giảng 2 lớp hệ A về sửa chữa máy tính phần cứng và vi tính văn phòng cho 70 học viên. Mặc dù các xã, phường đã triển khai kế hoạch về đào tạo nghề cho lao động nông thôn xuống từng khu dân cư nhưng không có người đăng ký học”. Theo số liệu thống kê của UBND thị xã, tỷ lệ lao động có việc làm hiện nay chiếm trên 93% tổng số lao động trong độ tuổi. Như vậy, chỉ có khoảng gần 3.000 lao động nhàn rỗi, không có việc làm hoặc việc làm không ổn định.Có nhiều nguyên nhân khiến người lao động trên địa bàn thị xã không có nhu cầu học nghề. Thứ nhất, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn chủ yếu là nghề may công nghiệp và lắp ráp điện tử. Tuy nhiên, với sự cạnh tranh về nguồn lao động hiện nay, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hầu hết tự đào tạo lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Vì vậy, lao động nông thôn từ 18-30 tuổi ít tham gia học nghề tại địa phương mà thường lựa chọn vào làm việc luôn tại các công ty, doanh nghiệp. Hơn nữa, cơ sở giáo dục nghề nghiệp mới chỉ đào tạo trên năng lực sẵn có, chưa chủ động tổ chức đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Việc liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp còn hạn chế nên người lao động sau học nghề ít có cơ hội tìm kiếm việc làm tại doanh nghiệp. Nhằm thu hút lao động tham gia học nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế và giảm nghèo bền vững, thị xã cần tiếp tục thực hiện tốt công tác điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, từ đó có căn cứ mở để lớp đào tạo sát thực tế; tăng cường thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của đào tạo nghề; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/201910/thi-xa-phu-tho-go-kho-trong-day-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-167043