Thị xã Phú Thọ và huyện Thanh Thủy công bố hết dịch tả lợn châu Phi

PTĐT - Theo báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 4/12, toàn tỉnh còn 110 xã, phường, thị trấn thuộc 10 huyện, thành, thị vẫn còn bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP); 88 xã, phường, thị trấn đã công bố hết dịch và 20 xã, phường đang làm thủ tục công bố hết dịch. Hiện đã có thị xã Phú Thọ và huyện Thanh Thủy công bố hết DTLCP trên địa bàn.

Tính từ khi bệnh DTLCP xuất hiện trên địa bàn tỉnh đến nay đã có 218 xã, phường, thị trấn thuộc 13 huyện, thành, thị xảy ra dịch bệnh. Tổng số lợn bị tiêu hủy được thống kê là trên 57,3 nghìn con với tổng khối lượng 3.323 tấn. Ước thiệt hại khoảng trên 130 tỷ đồng. Ước hỗ trợ thiệt hại cho người dân là 97,22 tỷ đồng, trong đó đã có quyết định hỗ trợ là 47, 63 tỷ đồng. Theo đánh giá, từ đầu tháng 11 đến nay, tình hình bệnh DTLCP đã giảm rõ rệt; số ổ dịch mới phát sinh chỉ trung bình khoảng 1 ổ/ngày. Có nhiều ngày không phát sinh ổ dịch mới. Tuy nhiên, hiện nay giá lợn hơi tăng mạnh, do đó các hộ chăn nuôi có xu hướng tái đàn khi chưa đủ điều kiện áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nên thời gian tới dịch bệnh có khả năng tiếp tục phát sinh rải rác tại các địa phương.Trước tình hình đó, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương cần tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, tránh tâm lý chủ quan, lơ là; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; nhất là đối với một số xã dịch bệnh tiếp tục phát sinh phải tổ chức khử trùng tiêu độc triệt để, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động giết mổ, mua bán, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn; thường xuyên rà soát, lập danh sách từng hộ chăn nuôi để quản lý tổng đàn, việc bổ sung, tái đàn theo chỉ đạo tại văn bản số 4586/UBND-KTN ngày 09/10/2019 của UBND tỉnh về quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi. Đẩy mạnh hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học: không sử dụng thức ăn thừa; thay trang phục và khử trùng trước khi vào chuồng trại; vệ sinh, khử trùng dụng cụ chăn nuôi hàng ngày; có biện pháp ngăn ngừa chuột, côn trùng vào chuồng trại; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin; không sử dụng trực tiếp nguồn nước từ sông, ao, hồ, ... để cọ rửa chuồng trại, cho lợn uống; chăm sóc tốt nhằm tăng sức đề kháng với các loại dịch bệnh, đặc biệt là bệnh DTLCP.

Quân Lâm

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201912/thi-xa-phu-tho-va-huyen-thanh-thuy-cong-bo-het-dich-ta-lon-chau-phi-168132