Thị xã soi bóng dòng Thạch Hãn

Thị xã Quảng Trị không chỉ là một phần quan trọng của lịch sử tỉnh Quảng Trị, mà còn với cả dân tộc Việt Nam. 210 năm qua, dù mang tên gọi nào, lị sở Quảng Trị hay thị xã Quảng Trị, vùng đất này luôn được các thế hệ nối tiếp nhau hun đúc tạo dựng nên các giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu. Đăc biệt, trong những năm chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, thị xã Quảng Trị đã được viết bằng máu và hoa để mỗi khi nhắc đến ai cũng tự hào, ngưỡng mộ.

 Tòa Công sứ, nơi làm việc của cơ quan đầu não chính quyền thực dân Pháp tại Quảng Trị (Chụp lại ảnh TL)

Tòa Công sứ, nơi làm việc của cơ quan đầu não chính quyền thực dân Pháp tại Quảng Trị (Chụp lại ảnh TL)

Tầm vóc, vị trí của một vùng đất

Thị xã Quảng Trị hôm nay đang vươn mình phát triển và vẫn còn đó dấu tích thăng trầm lịch sử của một lị sở cổ kính hàng trăm năm.

Lần theo thư tịch cổ, năm 1809, một năm sau khi dinh Quảng Trị trực thuộc kinh thành Huế, nhận thấy vị trí đóng lị sở của dinh Quảng Trị tại Ái Tử- Trà Bát (nay xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong) khó có thể hội đủ các điều kiện trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội nên vua Gia Long cho chuyển lị sở Quảng Trị về xã Thạch Hãn (thị xã Quảng Trị ngày nay). Lị sở Quảng Trị về phía Tây và Tây Bắc được ngăn cách bởi sông Thạch Hãn, là con sông lớn nhất tỉnh Quảng Trị. Phía Bắc được bao bọc bởi sông Vĩnh Định, một chi lưu của sông Thạch Hãn. Hai con sông này từng được nhà Nguyễn xếp vào những danh thắng của đất nước và cho khắc vào cửu đỉnh để ghi sự tích lưu truyền. Lúc này lị sở Quảng Trị tọa lạc trên vùng đất cao ráo, bằng phẳng, tựa lưng vào sông Thạch Hãn, lấy thế núi đồi ở phía Nam và Tây Nam làm che chắn. Đây là nơi gần rừng, xa biển, kề cận đồng bằng, hội đủ các điều kiện địa lí có tính đắc địa nhất để trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của toàn vùng Quảng Trị. Địa điểm mới này không chỉ khắc phục được những hạn chế của lị sở Thuận Châu nằm lọt thỏm giữa đồng bằng Triệu Phong ngập lụt nhiều thế kỉ trước, lại càng có nhiều ưu thế vượt trội hơn hẳn khu vực Ái TửTrà Bát. Vua Minh Mạng sau này đã nhận xét lị sở Quảng Trị nằm ở nơi mà “không chỗ nào có hình thế sông núi tiện hơn”. Cũng trong năm 1809, vua Gia Long cho xây dựng thành Quảng Trị (là Thành Cổ ngày nay).

Phải mất đến 28 năm với ba giai đoạn nhà Nguyễn mới xây dựng xong thành này. Đặc biệt năm 1883, vua Minh Mạng lệnh cho nâng cấp và mở rộng quy mô thành Quảng Trị. Công trình thành Quảng Trị được xây thời vua Gia Long là thành đất, hình chữ nhật, kích thước nhỏ hơn nhiều so với lần xây dựng sau này. Vua Minh Mạng cho mở rộng, làm tòa thành có hình vuông và diện tích như hiện nay. Mùa xuân 1837, vua Minh Mạng lại cho xây lại thành Quảng Trị bằng gạch, về cơ bản là toàn bộ những gì vốn có như diện mạo kiến trúc thành Quảng Trị trước khi bị bom đạn chiến tranh tàn phá năm 1972. Đó là một tòa thành được xây bằng gạch có kiến trúc theo dạng hình vuông. Từ khi thành xây dựng hoàn thiện, các công trình kiến trúc bên trong lần lượt được xây dựng kiên cố nhằm phục vụ cho bộ máy hành chính tỉnh Quảng Trị thời đó. Trong thành thì vậy, bên ngoài mạng lưới đường giao thông được mở mang. Nhiều cửa hiệu buôn bán của các thương nhân người Hoa và người Việt ra đời. Chợ Thạch Hãn trở nên nhộn nhịp và bắt đầu gọi là chợ Dinh với các luồng thương mại từ khắp nơi đổ về giao lưu qua sông Thạch Hãn, sông Vĩnh Định và đường thiên lí Bắc Nam cùng với mạng lưới chợ làng, chợ ven đô, tiêu biểu là chợ Sãi nằm cách lị sở không xa về phía Bắc đã làm cho bộ mặt trung tâm tỉnh lị Quảng Trị bắt đầu khởi sắc.

Nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử, Thạc sĩ Lê Đức Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lí Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, nhận xét, việc chuyển trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh Quảng Trị từ Ái Tử - Trà Bát về xã Thạch Hãn và xây dựng thành bằng gạch kiên cố chứng tỏ ngoài lí do chiến lược quân sự, nhà Nguyễn đã rất chú ý đến vị trí của lị sở Quảng Trị mà thành Quảng Trị có vai trò dẫn dắt, hạt nhân trong việc xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội đối với vùng đất Quảng Trị nằm cận phía Bắc kinh thành Huế trong mối tương quan với các tỉnh thành khác. Thành Quảng Trị ngoài phục vụ cho bộ máy hành chính tỉnh thời đó còn là nơi dừng chân cho vua Nguyễn mỗi khi vi hành, tổ chức các lễ bái vọng, thăng quan cho các quan lại đầu tỉnh. Thời đó tỉnh Quảng Trị cơ bản có 5 huyện với 129 xã thôn, phường, giáp, trang và 9 châu là các vùng của đồng bào dân tộc.

 Thị xã bên dòng sông Thạch Hãn

Thị xã bên dòng sông Thạch Hãn

Số phận lịch sử của Quảng Trị cũng giống như số phận lịch sử của đất nước Việt Nam. Sau khi kí hòa ước Patenôtre vào ngày 6/6/1884, triều đình nhà Nguyễn ở Huế chính thức công nhận bảo hộ của Pháp trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Ngày 23/1/1896, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định lập thành tỉnh Quảng Trị riêng biệt đặt dưới quyền chỉ đạo trực tiếp của Khâm sứ De la Noe. Người Pháp luôn nhận thức được tầm quan trọng của tỉnh Quảng Trị nói chung và khu vực lị sở Quảng Trị nói riêng nên đã chọn khu vực xung quanh thành Quảng Trị để xây dựng thị xã tỉnh lị, lấy thành Quảng Trị làm tâm điểm của trung tâm hành chính, chính trị, biến nơi đây thành đầu mối kinh tế có lợi cho việc kinh doanh của giới tư sản Pháp.

Dấu ấn một thời kì lịch sử đặc biệt

Trên hình hài kiến trúc, chính trị, kinh tế, xã hội, dân số, môi trường… được hình thành khá đồng bộ, ngày 17/2/1906, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập thị xã Quảng Trị và lấy đơn vị hành chính này làm trung tâm của tỉnh Quảng Trị. Nghị định có 8 điều, trong đó riêng khoản 4 của Điều 7 quy định cấm đổ rác xuống đường công, phát hiện sẽ bị phạt tiền. Các phố xá cũng được xây dựng lên ngày càng sầm uất. Trên các đường phố nhiều công sở, dinh thự, các cửa hiệu của người Việt Nam mọc lên bên cạnh cửa hiệu buôn bán của tư sản Pháp. Nhất là sau khi đường thuộc địa số 9 (QL 9 bây giờ) được mở để nối tỉnh Quảng Trị với Lào và tuyến đường sắt Quảng Trị- Đà Nẵng, Quảng Trị-Vinh hoàn chỉnh thì thị xã Quảng Trị lúc ấy đã thực sự là đầu mối kinh tế, chính trị có tầm chiến lược của tỉnh Quảng Trị và khu vực.

Nhà nghiên cứu Lê Đức Thọ cho biết, chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp tiến hành với sự hỗ trợ đắc lực của chính quyền tay sai triều Nguyễn đã trực tiếp tác động lên tất cả các lĩnh vực đời sống, xã hội tỉnh Quảng Trị, nhất là khu vực thị xã tỉnh lị. Cơ cấu kinh tế mới xuất hiện kéo theo sự hình thành cơ cấu xã hội mới. Bên cạnh tầng lớp nông dân, thợ thủ công chiếm số đông, đã xuất hiện tầng lớp công nhân và tầng lớp tư sản, tiểu tư sản, dân nghèo thành thị. Trong bối cảnh đất nước bị mất chủ quyền, dân tộc bị nô lệ, nhân dân thị xã Quảng Trị, trước hết là tầng lớp trí thức, thanh niên, học sinh tiếp thu được trào lưu tư tưởng dân chủ tư sản, lại được hâm nóng bầu nhiệt huyết cách mạng qua ngọn lửa Cần Vương và các phong trào yêu nước chống Pháp như Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, đã sớm nhận thức được sứ mệnh thời đại là đấu tranh lật đổ chế độ phong kiến triều Nguyễn thối nát, đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại độc lập dân tộc. Ngọn lửa của phong trào yêu nước và phong trào cộng sản những năm đầu thế kỉ XX của nhân dân thị xã Quảng Trị được nhen nhóm và phát triển mạnh mẽ trong lòng thị xã tỉnh lị, đó chính là một trong những cái nôi của cách mạng Quảng Trị, là cơ sở nền tảng cho sự ra đời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Trị vào ngày 21/4/1930, lãnh đạo các phong trào cách mạng giai đoạn 1930-1945. Sự kiện lá cờ đỏ sao vàng được Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Quảng Trị kéo lên trên nóc nhà Công sứ Pháp vào sáng ngày 23/8/1945 không chỉ chấm dứt chế độ thực dân phong kiến thống trị, mà còn mở ra một giai đoạn cách mạng mới, những sứ mệnh và trọng trách lịch sử mới của lị sở tỉnh Quảng Trị trong hành trình cùng cả nước tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Bước ra khỏi 136 năm tồn tại dưới thời quân chủ và thực dân Pháp cai trị, nhân dân lị sở Quảng Trị lại đứng lên làm cách mạng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Trị thực hiện cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc giai đoạn 1945- 1972 với nhiều hình thức đấu tranh như phong trào đấu tranh đô thị, đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang, phá hậu phương của địch, tiến công và nổi dậy giải phóng quê hương liên tiếp nổ ra. Ông Lê Văn Hoan, nguyên Bí thư Thị ủy Quảng Trị nhớ lại: Những năm ấy, tiêu biểu là các phong trào đấu tranh của nhân dân, học sinh, sinh viên, giáo chức, tiểu thương và đồng bào Phật giáo chống chế độ miền Nam cũ làm cho chúng hoang mang. Đặc biệt cuộc chiến đấu đánh trả các đợt phản kích tái chiếm thị xã Quảng Trị của chính quyền miền Nam cũ trong suốt 81 ngày đêm vào mùa hè đỏ lửa 1972 (từ ngày 28/6/1972 đến 16/9/1972). Chiến công giữ vững Thành Cổ Quảng Trị là khúc tráng ca bất tử đã ghi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta những trang hào hùng nhất.

Sự hi sinh cao cả và đóng góp của Đảng bộ và nhân dân thị xã Quảng Trị vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng 16 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân thị xã Quảng Trị được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, có 3 đồng chí được tuyên dương anh hùng…

Ông Văn Ngọc Lãm, Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị cho biết, đi lên từ một vùng đất hoang tàn đổ nát sau chiến tranh, nhờ sự quan tâm mọi mặt của tỉnh Quảng Trị, Đảng bộ thị xã Quảng Trị đã lãnh đạo nhân dân hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại thị xã ngày càng tươi đẹp hơn, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Hiện thị xã có diện tích hơn 7.400 ha, có 5 phường, xã trực thuộc với hơn 24 nghìn người.

Đặc biệt sau 30 năm (1989-2019) kể từ khi được lập lại, thị xã Quảng Trị không ngừng lớn mạnh mọi mặt. Từ khi thị xã Quảng Trị được lập lại, các tầng lớp nhân dân càng tự hào với quá khứ bao đời nay của cha ông mình đã gắn bó bên nhau trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Nhân dân thị xã nguyện đoàn kết cùng nhau phát huy đức tính cần cù chịu thương, chịu khó, quyết tâm xây dựng dựng thị xã Quảng Trị ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Trần Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=142241