Thị xã Sơn Tây đầu tư trên 705 tỷ đồng thực hiện các mục tiêu văn hóa-xã hội
Thực hiện Đề án Chương trình 04 của Thành ủy về Phát triển Văn hóa-xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020, thời gian qua, thị xã đã bố trí trên 705 tỷ đồng vốn đầu tư thực hiện các mục tiêu trong lĩnh vực văn hóa-xã hội.
Thông tin trên được ông Lê Đại Thăng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây, Hà Nội cho biết tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 26-11.
Theo đó, để có cơ sở thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển văn hóa-xã hội trên địa bàn, HĐND thị xã ban hành Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 15-12-2017 về hoàn thiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm sử dụng vốn ngân sách nhà nước thị xã Sơn Tây giai đoạn 2016-2020.
UBND thị xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình đến năm 2020, tập trung triển khai các đề án, dự án văn hóa-xã hội, kế hoạch cụ thể giao các phòng, đơn vị liên quan tham mưu thực hiện. Từ năm 2016 đến nay, thị xã đã bổ trí trên 705 tỷ đồng vốn đầu tư thực hiện các mục tiêu trong lĩnh vực văn hóa - xã hội.
Báo cáo về việc thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho biết: Từ năm 2016, thị xã đã lập hồ sơ xếp hạng, nâng cấp xếp hạng 6 di tích. Đến nay, thị xã Sơn Tây có 244 di tích, 78 di sản văn hóa phi vật thể; trong đó có 74 di tích được xếp hạng với 16 di tích xếp hạng cấp Quốc gia và 58 di tích xếp hạng cấp tỉnh; 1 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị xêp hạng di tích đình Phụ Khang (xã Đường Lâm); đề nghị nâng cấp xếp hạng cấp Quốc gia di tích đền Măng Sơn (xã Sơn Đông).
Đặc biệt quan tâm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm. Chỉ đạo thực hiện nghiêm việc quản lý trật tự xây dựng, kiểm soát chặt chẽ việc cải tạo, xây dựng theo thiết kế mẫu nhà điển hình và Quy hoạch đã được UBND TP phê duyệt. Đã thực hiện việc tu bổ, tôn tạo di tích đình, miếu, điếm, giếng và nhà cổ, xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu cấp đất giãn dân với tổng số tiền trên 117,976 tỷ đồng và các dự án bức xúc dân sinh khác trong khu vực Làng cổ với tổng số tiền trên 82,439 tỷ đồng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây nói.
Nhằm phát triển du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng bển vững, thị xã Sơn Tây đã chỉ đạo tích cực triển khai việc xây dựng hồ sơ khoa học; khảo sát đánh giá thực trạng công tác bảo tồn và đề ra phương án điều chỉnh khoanh vùng khu vực 2 của di tích Làng cổ Đường Lâm; trình Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phê duyệt.
Đồng thời, tích cực tuyên truyền, phổ biến, vận động doanh nghiệp, hộ gia đình và người dân tham gia xây dựng môi trường du lịch văn minh, lịch sự, thân thiện. Tăng cường công tác xã hội hóa các dịch vụ tại điểm di tích. Duy trì hoạt động đội ngũ hướng dẫn viên; chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu. Công tác phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng điểm đến du lịch đã được thị xã quan tâm, chú trọng.
Thời gian qua chúng tôi đã tập trung tuyên truyền cho bà con không kinh doanh nên tràn ra đường nên đã thay đổi, không còn tình trạng ách tắc trên đường vào cổng chùa Mía. Thị xã đã đầu tư xây dựng chợ sát chùa Mía để các hộ vào trong kinh doanh, tạo sự thông thoáng, không gây khó khăn bức xúc cho người dân. Đồng thời chúng tôi đã động viên bà con đưa thêm sản phẩm vào kinh doanh đa dạng…, ông Lê Đại Thăng thông tin.
Từ năm 2016 đến nay, làng cổ Đường Lâm thu hút khoảng 60 vạn khách du lịch, thu phí đạt trên 6 tỷ đồng. Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định công nhận Điểm du lịch Làng cổ Đường Lâm.
Về công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, thời gin qua thị xã đã quan tâm, chú trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức về chuyên môn, nghiệp vụ, về ứng dụng công nghệ thông tin, về quy tắc ứng xử, giao tiếp với nhân dân, đáp ứng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô.
Việc chuẩn hóa chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý được quan tâm. Mỗi chức danh được quy hoạch từ 2-3 cán bộ, đủ nguồn cho việc lựa chọn khi chuẩn bị nhân sự. Trên cơ sở quy hoạch, cán bộ được cử đi đào tạo với nhiều loại hình phù hợp, cán bộ trẻ nhất thiết phải đào tạo chính quy về chuyên môn, rèn luyện qua cơ sở; chỉ đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch và đạt chuẩn về trình độ chuyên môn.
Việc triển khai 2 Bộ Quy tắc ứng xử của TP Hà Nội đã có những kết quả đáng khích lệ: Cán bộ, công chức viên chức, người lao động có ý thức chấp hành hiến pháp, pháp luật, nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị trong thực thi công vụ. Tại nơi công cộng, cơ bản ý thức của người dân đã có chuyến biển tích cực, việc tuân thủ quy định về an toàn giao thông, sử dụng lòng đường, vỉa hè, không gian tín ngưỡng, tôn giáo, vườn hoa, công viên… có nhiều tiến bộ rõ rệt.