Thị xã Sông Cầu (Phú Yên): Biến tiềm năng thành lợi thế, đưa du lịch 'cất cánh'

Là vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa, thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) còn được thiên nhiên ưu ái với nguồn tài nguyên du lịch phong phú.

Tạo đột phá cho tài nguyên du lịch di sản văn hóa

Khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch xanh

Là vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa, thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) được thiên nhiên ưu ái với nguồn tài nguyên du lịch phong phú. Biến tiềm năng thành lợi thế, Sông Cầu hôm nay đang có sự đổi thay mạnh mẽ.

Tập trung phát triển không gian du lịch trên mặt vịnh và 9 phân khu

Thực hiện Chương trình hành động số 09-CTr/TU, ngày 18/8/2021 của Tỉnh ủy Phú Yên về đầu tư phát triển, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, Thị ủy Sông Cầu đã ban hành nhiều Kế hoạch, Chương trình hành động để triển khai nội dung trên gắn với thực tế địa phương.

Theo đó, với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, thị xã Sông Cầu luôn chú trọng việc khai thác hợp lý lợi thế tài nguyên tự nhiên và không gian mặt nước vịnh Xuân Đài để hình thành mối liên hệ giữa các phân khu, các điểm du lịch; hạn chế tối đa di chuyển dân cư, không gây ô nhiễm; giảm thiểu sự tác động đến cảnh quan môi trường, đời sống, hoạt động sản xuất của cộng đồng dân cư trong khu vực Vịnh Xuân Đài và vùng phụ cận.

Bến Xuân Hải - thị xã Sông Cầu

Bến Xuân Hải - thị xã Sông Cầu

Thị xã tập trung phát triển không gian du lịch trên mặt vịnh và 9 phân khu. Cụ thể, đối với không gian du lịch trên mặt vịnh, với tính chất đặt thù là khu vực trọng tâm để tổ chức phát triển các hoạt động du lịch gắn với mặt nước Vịnh Xuân Đài nên các sản phẩm du lịch chủ yếu được Sông Cầu phát triển là: Ngắm cảnh, vui chơi giải trí, thể thao, khám phá, ẩm thực…

Dạo một vòng khu du lịch Vịnh Hòa - Bắc Từ Nham có thể khẳng định đây chính là thiên đường nghỉ dưỡng ở Sông Cầu. Khi đến đây, du khách sẽ hoàn toàn chìm đắm trong không gian yên bình và thơ mộng. Những bờ cát trắng, biển xanh và cánh rừng phi lao rợp bóng tạo nên một khung cảnh bình yên đến kỳ lạ, giúp cho du khách được thư giãn, quên đi mọi phiền muộn và áp lực trong cuộc sống.

Trong khi đó, với phân khu du lịch cao cấp Nam Từ Nham, thị xã chú trọng phát triển du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao cao cấp. Bởi Từ Nham được nhiều du khách nhận xét là chốn bồng lai tiên cảnh, nơi hoàn toàn tránh xa những ồn ào tấp nập. Tại đây, du khách sẽ thấy đại dương xanh ngát, những ngọn núi xa xa và những rặng phi lao khẽ đung đưa trong gió. Cát trắng tinh khôi dưới ánh nắng mặt trời trở nên lấp lánh, dịu dàng và kỳ thú đến lạ thường.

Phân khu tiếp theo là khu rừng sinh thái (bán đảo Xuân Thịnh, thị xã Sông cầu), tại đây dựa vào tính chất và đặc điểm địa hình, thị xã hướng đến phát triển thành khu cảnh quan, tổ chức các hoạt động leo núi, cắm trại, dã ngoại... Ngồi yên lặng trên khu rừng sinh thái, du khách sẽ cảm nhận được luồng không khí trong lành, mang theo cái mặn đặc trưng của biển và nghe tiếng sóng vỗ rì rào như từng nhịp đập của thiên nhiên hùng vĩ.

Đảo Từ Nham - thị xã Sông Cầu

Đảo Từ Nham - thị xã Sông Cầu

Với tính chất đặc biệt, bãi biển ôm trọn hai mỏm núi lớn nhô ra, nhìn từ mỏm núi này sang mỏm núi kia cách chừng 600m nên người dân địa phương gọi là Bãi Ôm. Trong nắng và gió, sóng biển Bãi Ôm lúc ồn ào, lúc lại chậm rãi thành bản hòa âm không ngừng của biển cả. Đối với phân khu này, Sông Cầu quy hoạch phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, lặn ngắm san hô.

Phân khu du lịch Bắc Sông Cầu được hình thành trung tâm đón tiếp, phân phối khách cho toàn bộ Khu du lịch Vịnh Xuân Đài. Tại đây, sẽ phát triển thương mại dịch vụ du lịch, hoạt động vui chơi giải trí, thể thao gắn với đô thị Sông Cầu.

Còn phân khu du lịch tổng hợp Gành Đỏ - Bình Sa, với tính chất đặc thù, Sông Cầu tập trung phát triển du lịch biển tổng hợp, kết hợp với tham quan làng nghề truyền thống như: Làng nghề nước mắm truyền thống Gành Đỏ. Đây là một trong những làng nghề lâu đời và đặc sắc nhất tại xứ Nẫu mật của biển. Nguồn nguyên liệu chính làm nên tên tuổi của nước mắm Gành Đỏ chính là lượng cá cơm tươi dồi dào do thiên nhiên ban tặng. Hiện tại, Làng nghề nước mắm truyền thống Gành Đỏ đang có hơn 15 cơ sở cùng tham gia sản xuất nước mắm truyền thống. Ngoài ra, nơi đây còn là điểm đến để tận hưởng không gian đêm yên bình tại làng chài Gành Đỏ và thưởng thức những món hải sản tươi sống chất lượng.

Ngoài những phân khu chính, các vùng phụ cận theo hướng Tây và Tây Bắc của thị xã sẽ mang đến cho du khách trải nghiệm du lịch sinh thái và các nét văn hóa đặt trưng của địa phương như: Thác Cây Đu cao chừng 20m, với độ dốc gần như thẳng đứng, diện tích hồ nước dưới chân thác khoảng 25m. Nước từ thác chảy xuống sẽ theo những con suối nhỏ chảy về hạ nguồn. Sau mùa xuân cây cối và cảnh vật nơi đây tuyệt đẹp với rất nhiều loài hoa cỏ đủ màu đua nhau khoe sắc càng làm cho cảnh vật nơi đây trở lên sống động.

Ông Đỗ Thái Phong, Bí thư Thị ủy Sông Cầu cho biết, với việc quy hoạch các phân khu du lịch cụ thể, hoạt động du lịch thị xã Sông Cầu trong những năm qua đã có bước phát triển, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đến tháng 9/2023 Sông Cầu đón khoảng 934.661 lượt khách; trong đó khách Quốc tế khoảng 9.380 lượt. Tổng thu nhập du lịch đạt 805 tỷ đồng.

Hướng tới thành phố du lịch - dịch vụ biển

Dù đã đạt được kết quả tích cực, song lãnh đạo thị xã Sông Cầu vẫn phải nhìn nhận vào thực tế, du lịch tại địa phương phát triển chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng hiện có, chưa thực sự trở thành thế mạnh trong cơ cấu kinh tế. Cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ du lịch còn thiếu và yếu. Tiến độ thực hiện các dự án đầu tư triển khai chậm, nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch còn hạn chế; chưa xứng tầm là khu du lịch quốc gia.

Gành đỏ - thị xã Sông Cầu

Gành đỏ - thị xã Sông Cầu

“Các khu, điểm du lịch hiện tại ở Sông Cầu chỉ đang dừng lại ở du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm, vãn cảnh, kinh doanh lưu trú và dịch vụ ăn uống, chưa có điểm vui chơi, mua sắm xứng tầm để phục vụ, tăng mức chi tiêu của du khách khi đến Sông Cầu” - Bí thư Thị ủy Sông Cầu nhận định.

Ngoài ra, hạ tầng giao thông đường bộ; đường thủy chưa đáp ứng yêu cầu; số lượng cơ sở lưu trú cấp sao còn ít; chưa xây dựng được thương hiệu du lịch đích thực để tạo thế cạnh tranh; dịch vụ tại các điểm đến còn hạn chế.

“Sông Cầu cũng chưa khai thác, phát huy được hết giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh để phục vụ phát triển du lịch. Nguồn nhân lực du lịch vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn, hoạt động liên kết để phát triển du lịch còn nhiều lúng túng; mức độ tham gia của cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch tại các khu, điểm du lịch còn ít...” - ông Phong nói.

Để du lịch Sông Cầu thật sự cất cánh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, lãnh đạo thị xã cho biết, sẽ tập trung đẩy mạnh việc mời gọi, thu hút các nguồn lực đầu tư các dự án du lịch, dịch vụ ven biển. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, nhất là trục đường ven vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông, hạ tầng giao thông đường thủy nội địa,…

Đồng thời, ban hành thêm các cơ chế, chính sách kêu gọi các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tham gia đầu tư, khai thác các khu du lịch dọc đầm Cù Mông, Khu du lịch quốc gia vịnh Xuân Đài nhằm tạo chuỗi liên kết và đa dạng hóa loại hình du lịch. Kết nối du lịch Sông Cầu với các địa phương trong và ngoài tỉnh, từng bước hình thành đáp ứng các tiêu chí là Khu du lịch quốc gia vịnh Xuân Đài.

“Sông Cầu sẽ đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nhất là các chuỗi liên kết và dịch vụ, đáp ứng các bộ tiêu chuẩn du lịch quốc gia, đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa để phục vụ phát triển du lịch. Xây dựng hình ảnh và thương hiệu, nhận diện khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài, có chiều sâu và tầm cao với thương hiệu “Vịnh Xuân Đài - điểm ngắm bình minh hấp dẫn nhất Việt Nam” - Bí thư Thị ủy Sông Cầu khẳng định.

Thị xã Sông Cầu đặt mục tiêu đến năm 2025, trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, là trung tâm du lịch, điểm đến quan trọng trên tuyến du lịch quốc gia, hình thành mối liên kết với các điểm đến khác trong vùng như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang và Tây Nguyên. Đến năm 2025 đón khoảng 850 nghìn lượt khách, trong đó khoảng 25 nghìn lượt khách quốc tế; tổng thu nhập du lịch đạt trên 400 tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 2.500 lao động. Và đến năm 2030 đón khoảng 1,2 triệu lượt khách, trong đó khoảng 35 nghìn lượt khách quốc tế; tổng thu nhập du lịch đạt khoảng 900 tỷ đồng…

Dương Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thi-xa-song-cau-phu-yen-bien-tiem-nang-thanh-loi-the-dua-du-lich-cat-canh-281550.html