Thị xã yêu thương: Quán quen, đường cũ, hương vị xưa
PTĐT - Thị xã nhỏ bé của tôi đang dần thay da đổi thịt với diện mạo mới. Nhưng đi qua những con đường cũ, ghé chân vào góc quán quen, vẫn cảm nhận đầy đủ hương vị xưa. Đó là hương vị của ký ức, của tuổi thơ, của quê hương.
Thị xã nhỏ với những mái nhà san sát. Phố thị, người dân quen với việc ăn sáng ở ngoài “hàng”. Nên dù nhỏ thì hàng quán ăn sáng vẫn rất nhiều với đủ thứ bánh trái, bún, miến phở mang hương vị rất riêng. Nhưng nhắc đến quà ăn sáng, nhiều người nhớ ngay đến bánh tai, thứ quà sáng “đặc sản”.
Nhà tôi trước ở phường Hùng Vương, nhưng mỗi khi muốn ăn bánh tai thì ông bà nội thường “cất công” xuống hàng bánh tai giếng Thánh của gia đình cụ Giản Định để mua.
Ông tôi bảo ở đây mới đúng chuẩn hương vị đặc biệt vốn có của bánh tai thị xã. Bánh tai được làm từ gạo tẻ, nhân thịt lợn, dễ làm bởi quy trình không mấy phức tạp, dụng cụ không cầu kỳ nhưng không phải ai cũng biết làm.
Qua hàng bánh tai giếng Thánh ở phường Âu Cơ, hình ảnh cụ Định với mái tóc bạc phơ và gương mặt phúc hậu ngồi bán bánh trước cửa nhà đã trở nên quen thuộc đối với mỗi người dân thị xã, nhưng không phải ai cũng biết được nguồn gốc cũng như ý nghĩa của cái tên gọi “bánh tai Giếng Thánh”.
Men theo con đường nhỏ chạy quanh sân vận động thị xã để tìm đến quán bánh cuốn “bà Tâm” “trứ danh” hơn 30 năm nay. Nằm ở sau trường THCS Sa Đéc, bên hông Trường tiểu học Hùng Vương (nay đã dỡ bỏ), quán bánh cuốn “bà Tâm” đã gắn bó với bao nhiêu lớp học sinh.
Thời đó, tuy học ở Trường tiểu học Hùng Vương nhưng chưa có cơ hội được thưởng thức món bánh của bà, sau này lớn, đi công tác, chính những người em đồng nghiệp giới thiệu mới biết. Hóa ra mình đã bỏ lỡ món ngon mất mấy chục năm nay!!!!!
Ngôi nhà nhỏ cả gia đình sinh sống cũng chính là quán bán hàng với chục bộ bàn ghế, một góc vừa để tráng bánh, nướng chả, rán nem. Trong đó hấp dẫn thực khách nhất là những miếng chả nướng thơm ngon được cắt vừa phải, ướp vị đậm đà, nướng trên than hoa vàng ươm. Cùng với đó, bánh cuốn được tráng mỏng, với lớp nhân thịt được băm nhuyễn vừa ăn.
Nước chấm được pha vừa miệng. Khi ăn, thực khách xắn nhỏ miếng bánh cuốn, thêm nước chấm và ăn kèm dưa góp được làm từ quả đu đủ ương ương. Lại nói về dưa góp. Chỉ là thứ ăn kèm nhưng bà cũng rất chỉn chu, đu đủ ương ương, thái lát mỏng ngâm chua chua ngọt ngọt sẽ cho vị rất vừa miệng.
Đang độ vào thu, một món ngon không thể không nhắc đến khi về thị xã là món bánh trung thu. Trước, bạn học của tôi là con cháu cụ Hoàng Vần. Thỉnh thoảng, bọn tôi được ăn ké bánh kẹo. Thời đó bánh kẹo là thứ xa xỉ nên lúc nào cũng gợi sự thèm thuồng của trẻ con. Giờ cậu ấy cũng vào Nam lập nghiệp, nhưng cửa hàng của gia đình vẫn ở đấy.
Giờ các con đều trưởng thành đi công tác, chỉ còn hai vợ chồng ông bà vẫn giữ nghề truyền thống. Theo như chia sẻ của ông bà cụ tổ Hoàng Quỹ, xuất thân từ làng Nội Am, Liên Ninh, Thanh Trì, từ nhỏ đã ra Hà Nội theo nghề làm bánh kẹo. Trước năm 1930, cụ đưa gia đình lên thị xã Phú Thọ định cư, mở cửa hàng bánh mứt kẹo lấy tên cửa hàng là Quảng Hưng Long.
Do chiến tranh, cụ cùng cả gia đình di tản. Hòa bình lập lại cụ cùng gia đình quay về thị xã Phú Thọ. Đến nay, nghề làm bánh Trung thu của gia đình được duy trì qua 4 đời.
Để duy trì nghề, cơ sở sản xuất quanh năm nhưng số lượng ít, mỗi ngày chỉ vài kg. Vào mùa sản xuất chính vụ, bình quân sản xuất khoảng trên 1 tấn bánh/ ngày. Sản phẩm bánh trung thu Hoàng Vần chỉ được bày bán duy nhất tại cửa hàng của gia đình, sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Xa quê, có dịp trở về, bên cạnh những hàng quán quen, nhiều người dân thị xã vẫn có thể thói quen ra chợ Mè. Có thể ra để mua vài thứ bánh trái đặc sản quê hương, nhưng cũng có thể ra để gợi nhớ lại tuổi thơ theo mẹ, theo bà ra chợ với những sạp hàng nguyên vẹn theo thời gian.
Tôi nói với cô em đồng nghiệp, ra chợ Mè em có thể thưởng thức hết các loại đặc sản của thị xã. Đó là dãy hàng bánh với đủ loại: Bánh rán, bán giò, bánh dày. Ngoài ra, bánh rán đường cũng luôn là thứ quà được nhiều người mua về làm quà cho con, cháu mỗi khi đi chợ sớm…
Nếu mỏi chân, hơi khát nước, bạn có thể ghé chân vào quán chè Thái tuổi đời cũng ngót ngét ba mươi năm. Đơn giản thì một cốc chè thái với những miếng chè xanh mát, nước đường thanh thanh, dăm ba hạt trân châu. Cầu kỳ hơn thì gọi cốc chè thập cẩm với đủ các loại đậu đỗ, thạch. Đó là thức quà có thể làm dịu mát cái nắng của mùa hè.