Thích đeo túi hiệu, mặc đồ bình dân

Nhanh chán các kiểu váy áo sau khi mặc chụp hình, người trẻ có xu hướng đầu tư cho túi xách để phối với nhiều mẫu trang phục, thanh lý được giá.

 Một số tín đồ thời trang chọn đầu tư vào túi xách hàng hiệu để dễ dàng phối đồ, thanh lý.

Một số tín đồ thời trang chọn đầu tư vào túi xách hàng hiệu để dễ dàng phối đồ, thanh lý.

Làm việc trong lĩnh vực thời trang, Ron Trần (31 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) sở hữu nhiều trang phục trong tủ đồ. Sau mỗi mùa mốt, anh có nhu cầu thanh lý bớt quần áo để sắm về những item mới hơn.

Tuy nhiên, sau nhiều lần “dọn tủ”, stylist này nhận thấy áo quần rất khó bán lại do có kích cỡ cụ thể, nhanh lỗi mốt và mất phom sau 1-2 lần giặt. Đặc biệt, những trang phục sáng màu dính bẩn không thể thanh lý, gây lãng phí nếu không được phối lại.

Tình trạng này thường không xảy ra đối với các sản phẩm túi xách. Một số mẫu túi thuộc thương hiệu tên tuổi như Gucci, Celine, Saint Laurent và Louis Vuitton luôn dễ bán lại trên thị trường, được trả mức giá tốt. Sau gần 8 năm theo đuổi đam mê túi hiệu, Ron thanh lý thành công hơn 30 món đồ tại thị trường thứ cấp.

“So với quần áo, túi xách dễ vệ sinh hơn, đảm bảo độ mới và không cần size cụ thể với từng dáng người”, anh nói với Zing.

Đó là lý do chính mà Ron dành nhiều tiền bạc cho túi xách hơn trang phục. Khoản đầu tư cho túi hiệu của anh lớn gấp 2, thậm chí gấp 3 số tiền chi trả cho áo quần, dù số lượng chỉ bằng 1/10.

Ron Trần thường xuyên mua và bán lại túi xách trên thị trường thứ cấp, xoay vòng vốn để thay đổi phong cách.

Ron Trần thường xuyên mua và bán lại túi xách trên thị trường thứ cấp, xoay vòng vốn để thay đổi phong cách.

Theo Bloomberg, khách hàng thời trang ưa chuộng túi cao cấp vì khả năng tái sử dụng nhiều lần và tính thanh khoản cao. Khác với váy áo khó mua đi bán lại, thị trường thanh lý túi xách ngày càng sôi động, đem về khoản lợi nhuận lớn cho người đầu tư.

Mua túi xách để thanh lý có thể mang lại lợi tức đầu tư (ROI) ấn tượng. Khảo sát của Credit Suisse Group AG vào tháng 6/2022 cho thấy giá trị của một mẫu túi Chanel đã tăng tới 24,5% so với năm trước.

Đầu tư cho túi hiệu thay vì quần áo

Tương tự Ron Trần, Hương Lý (24 tuổi, TP.HCM) cũng dành ngân sách lớn hơn hẳn cho túi xách hàng hiệu, chất lượng tốt thay vì váy áo.

Cô sở hữu khoảng 100 chiếc túi từ các thương hiệu khác nhau, cho rằng món phụ kiện này dễ phối đồ, sau đó thanh lý lại.

“Mỗi bộ đồ hay chiếc túi, tôi thường chỉ sử dụng 1-2 lần, chụp ảnh tại sự kiện rồi sẽ hiếm khi dùng lại. Lúc này, rõ ràng túi xách dễ bán hơn hẳn so với quần áo. Vì vậy, tôi chấp nhận chi trả mức giá cao hơn cho túi thay vì trang phục”, cô lý giải.

 Những chiếc túi hiệu thuộc thương hiệu Chanel, Dior, Gucci hay Louis Vuitton được nhiều tín đồ thời trang yêu thích. Ảnh minh họa: @bychloenguyen.

Những chiếc túi hiệu thuộc thương hiệu Chanel, Dior, Gucci hay Louis Vuitton được nhiều tín đồ thời trang yêu thích. Ảnh minh họa: @bychloenguyen.

“Dù dùng túi hiệu, tôi chỉ mặc quần áo giá bình dân vì nhận thấy khoản đầu tư vào trang phục tương đối lãng phí”, đó là chia sẻ của Thu Hà (27 tuổi, quận 4, TP.HCM).

Cô cho biết mình sẵn lòng chi trả cho mẫu túi xách đến từ các thương hiệu cao cấp như Chanel, Dior, Gucci, Louis Vuitton và Balenciaga. Chiếc túi đắt giá nhất trong bộ sưu tập gần 20 món của Hà có giá thành 192 triệu đồng. Các mẫu túi còn lại đều sở hữu mức giá dao động từ 30-150 triệu đồng.

Trong khi đó, đối với váy áo, cô có phần dè dặt hơn và chỉ thường xuyên mua sắm sản phẩm của nhãn hàng nội địa với mức giá tiết kiệm.

“Với tính cách ‘cả thèm chóng chán’, tôi chỉ diện một số món quần áo 2-3 lần rồi vứt xó. Nếu mua trang phục liên tục, khoản chi trả của tôi sẽ đặc biệt lớn, vượt quá khả năng tài chính hiện tại”, cô cho hay.

Ngược lại, Hà dễ dàng phối một chiếc túi xách với nhiều outfit khác nhau, thêm phụ kiện (charm, khăn đeo túi) để gia tăng sự mới lạ. Đối với Hà, đây là khoản đầu tư xứng đáng hơn.

Không dễ có lãi khi thanh lý túi hiệu

Một nghiên cứu vào tháng 8/2022 của website thanh lý TheRealReal cho thấy người dùng thuộc thế hệ MZ (Millennials và Gen Z) chiếm 41% tổng số khách hàng của họ. Trong đó, Gen Z là nhóm đối tượng có xu hướng chuyển đổi nhanh chóng, liên tục bán lại các mẫu túi xách hàng hiệu để kiếm lợi nhuận.

Tuy nhiên, không phải mẫu túi nào cũng dễ dàng tăng giá, giúp người bán mang về lợi nhuận. “Cuộc chơi” mua túi hiệu để đầu tư rõ ràng không dành cho người ít vốn.

Chia sẻ với Zing, Ron Trần cho biết một số mẫu túi đắt đỏ của thương hiệu Hermès và Chanel có xu hướng tăng giá, đem lại khoản lãi cho người sở hữu. Đối với những món đồ hiếm, hết hàng trên toàn thế giới như túi xách da cá sấu Hermès, người dùng có cơ hội thu về khoản chênh lệch lớn nếu thanh lý.

Một số sản phẩm từ nhãn hàng khác như Louis Vuitton cũng không mất giá dù đã qua sử dụng. Ron từng bán lại một chiếc túi xách của nhà mốt này với mức giá thành ngang bằng số tiền bỏ ra để sở hữu ban đầu.

Không chỉ thường xuyên thanh lý sản phẩm đã dùng, anh còn mua túi hiệu qua tay. Theo Ron, một số món đồ vintage hoặc phiên bản giới hạn chỉ còn trên thị trường thứ cấp.

Cụ thể, stylist này tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để sở hữu chiếc túi Celine vintage đã dừng sản xuất. Hơn nữa, quá trình mua sắm và bán lại túi xách cũ dễ tạo ra lợi nhuận hơn.

Ví dụ, trong thời điểm mua vào, mẫu túi có giá cả phải chăng. Tuy nhiên, ở giai đoạn bán ra, chiếc túi xách hợp với mùa mốt, xu hướng thịnh hành nên lập tức tăng giá, đem về khoản lãi cho người chơi.

“Đây là cuộc chơi mang tính chất xoay vòng. Sau khi thanh lý thành công một mẫu túi, tôi lại đầu tư vào sản phẩm khác, phù hợp với phong cách cá nhân trong thời điểm đó hơn”, Ron nói.

Nhiều mẫu túi hiệu giữ/tăng giá sau một thời gian sử dụng hoặc qua tay người nổi tiếng. Ảnh minh họa: kpopping, Gucci.

Nhiều mẫu túi hiệu giữ/tăng giá sau một thời gian sử dụng hoặc qua tay người nổi tiếng. Ảnh minh họa: kpopping, Gucci.

Khác với Ron, Thu Hà thường xuyên lỗ khi bán lại túi xách do không sở hữu các dòng sản phẩm khan hiếm. Khi chiếc túi vẫn được bày bán tại cửa hàng, người mua không muốn bỏ số tiền lớn hơn để sở hữu một sản phẩm cũ (trừ trường hợp qua tay người nổi tiếng).

Hơn nữa, vì tần suất sử dụng cao, phần lớn túi xách của Hà đều trầy xước da, khóa kéo, dây xích bị phai màu, không đảm bảo độ mới nên càng khó được giá. Mức độ sụt giá tỷ lệ thuận với độ cũ của sản phẩm, nên chỉ những người ít dùng, thường xuyên đem túi đi spa mới có thể bán lại với mức giá tương đương.

“Mỗi lần thanh lý, tôi đều lỗ chứ không lãi như nhiều người đồn đoán. Tôi cho rằng chuyện kiếm lời khi bán lại túi xách khá khó”, Hà tâm sự.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thich-deo-tui-hieu-mac-do-binh-dan-post1429498.html