Thích ứng an toàn trong lễ hội và du xuân

Đã thành thông lệ, sau kỳ nghỉ Tết, mỗi người, mỗi gia đình đều có nhu cầu đi lễ chùa đầu năm để cầu may mắn, sức khỏe an lành. Đây cũng là thời điểm các lễ hội, các điểm du lịch tâm linh được tổ chức và mở cửa đón du khách.

Tính từ đầu năm 2020 đến nay, qua 2 cái Tết đối phó với dịch bệnh Covid-19, thói quen đi lễ, du xuân đã và đang dần thay đổi để “thích ứng an toàn”. Tuy nhiên, làm sao để vừa giữ được nét đẹp truyền thống, vừa thích nghi với điều kiện bình thường mới, lại là vấn đề tưởng chừng đơn giản song lại khá nan giải nếu chúng ta không biết tự thay đổi, điều chỉnh thói quen, tác phong để thích ứng.

Gần đây, khái niệm “sống chung” với Covid-19 đang được mỗi gia đình và toàn xã hội xác định là chiến lược cần thiết, lâu dài, bền bỉ và quyết liệt. Theo đó, mỗi tập thể, cá nhân đều có sự thay đổi, điều chỉnh hành vi, thói quen và cả cách sống; trong đó, có hoạt động lễ chùa, lễ hội, du xuân đầu năm.

Thay vì đi tới tận cửa các di tích, các nơi thờ tự như trước đây, chúng ta có thể theo dõi các hoạt động tôn giáo, tâm linh qua internet nếu địa điểm đó có tổ chức phát trực tuyến. Hoặc khi đến các đền chùa, nơi du lịch tâm linh, du khách không nhất thiết phải vào tận hậu cung để đặt lễ hay khấn vái, mà chỉ chắp tay “khấn vọng” bên ngoài.

Khi gặp gỡ, thăm hỏi, vẫn mang khẩu trang, ngồi xa giữ khoảng cách, hạn chế bắt tay, đến gần chào hỏi... Các lễ hội đầu xuân cũng được các địa phương tổ chức gọn nhẹ, giản dị mà vẫn giữ được sự trang trọng, linh thiêng thông qua các nghi thức đảm bảo phần “lễ” và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong phần “hội”.

Có thể nhận thấy, sau Tết Nhâm Dần, các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh có khá động du khách đến chiêm bái, du xuân.

Cùng với việc triển khai các biện pháp phòng dịch của Ban tổ chức, Ban quản lý khu di tích, thì bản thân các du khách đều đã có ý thức phòng dịch.

Thay vì đi theo đoàn đông người, du khách đã tự tổ chức theo nhóm nhỏ, bố trí thời gian thích hợp trong ngày để tránh giờ cao điểm. Không còn tình trạng tụ tập chờ đợi nhau, hay chuyện trò chúc tụng kéo dài… Nhiều du khách còn mang theo khẩu trang dự phòng, nước sát khuẩn để thay và khử khuẩn.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn không ít những hành vi thiếu ý thức, mà việc chen lấn, vứt khẩu trang bừa bãi… là điển hình.

Nhiều nam thanh nữ tú vẫn hồn nhiên kéo khẩu trang xuống cằm, hoặc treo lơ lửng bên tai để cắn hạt bí, hướng dương; nhiều cô, nhiều chị thản nhiên quàng vai bá cổ chuyện trò sau nhiều ngày gặp lại…

Không ít cặp vợ chồng mang theo con nhỏ và thả chúng mặc sức chơi đùa trong khu làm lễ mà không đeo khẩu trang hoặc có khẩu trang nhưng lại… cầm tay (!)

Không quá khắt khe để xét đoán một hành vi nào đó, song trong bối cảnh dịch bệnh, chúng ta cần phải có những suy nghĩ đúng: Nghĩ cho ta và nghĩ cho cộng đồng.

Hưởng thụ văn hóa, cụ thể hơn là chuyện ăn - chuyện chơi cũng vậy. Bị buộc phải hạn chế bớt cũng là cơ hội để người ta lựa chọn được đúng cái gì là thật sự cần, thật sự không thể bỏ, cái gì là lãng phí, là phù phiếm và nhất là cái gì là ý nghĩa thực sự.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của bất cứ phong tục, tập quán, thói quen nào, thì phải hiểu rõ từng thành tố, nguồn gốc, ý nghĩa của nó; từ đó mới có những hành động đúng và phù hợp. Thay đổi dần thói quen cũng là từ ý thức của mỗi người.

Chức năng tâm linh nhiều năm nay đang có xu hướng mờ nhạt: Lễ hội ở các đình chùa ngày càng tưng bừng, ồn ào một cách thái quá; những ồn ào, đông đúc kéo dài nhiều ngày nhiều tháng suốt cả mùa xuân ấy không phải là tâm linh, nếu không muốn nói là có sự lạm dụng vì những mục đích không lành mạnh.

Và những yêu cầu 5K trong bối cảnh đại dịch này sẽ tạo điều kiện để những thái quá trở về với trạng thái bình thường, như vốn dĩ nó phải có. Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt KT- XH, nhưng biết đâu sẽ là sự gạn đục khơi trong những nét văn hóa, những nói quen trong cuộc sống của người dân, tạo cơ hội để thưởng thức lễ hội một cách đậm đà và văn minh hơn.

Vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch Covid-19, chỉ khi người dân vào cuộc thật sự, tích cực, chủ động, thì công tác phòng, chống dịch mới bảo đảm hiệu quả. Chỉ một chút chủ quan, lơ là có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Hơn bao giờ hết, để thích ứng an toàn trong điều kiện “bình thường mới” thì ý thức của mỗi người dân, của cộng đồng là cực kỳ quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định đầu tiên.

Bước vào trạng thái “bình thường mới” có nghĩa là phải thay đổi để thích nghi với điều kiện mới, cuộc sống mới. Cần bỏ những thói quen cũ không phù hợp. Bởi vậy, trong giai đoạn này, mọi người dân đều phải thay đổi tâm thế, tư duy, thói quen để thích ứng với dịch, để không chỉ bảo vệ chính mình mà còn bảo vệ cả người thân, bảo vệ cộng đồng.

Có như vậy mới có thể tiến tới thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Hồng Chiến

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/73686/thich-ung-an-toan-trong-le-hoi-va-du-xuan.html