Thích ứng với biến đổi khí hậu cũng là động lực phát triển bền vững kinh tế Việt Nam
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu cũng mang lại những kết quả tích cực đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất với biến đổi khí hậu. Đơn cử - theo các số liệu tính toán của IPCC (Intergovernmental Panel on Climate Change - Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu, khi mực nước biển dâng lên 100 cm, diện tích đất bị mất đi của Việt Nam sẽ lên tới 40.000 km2, chiếm 12,1% tổng diện tích đất hiện có, kéo theo hệ quả khiến khoảng 17,1 triệu người sẽ mất đi nơi sinh sống.
Tuy nhiên, việc triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu (BĐKH) cũng mang lại những kết quả tích cực đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo Báo cáo của Bộ Tài nguyên & Môi trường, tác động kinh tế - xã hội của việc thực hiện các giải pháp ứng phó với BĐKH là tương đối tích cực. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tới năm 2030 có thể tăng so với kịch bản phát triển bình thường. Các phương án giảm nhẹ trong lĩnh vực nông nghiệp có tác động lớn nhất đến tăng trưởng GDP; tiếp theo là năng lượng, Sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF), và chất thải.
Các phương án giảm nhẹ phát thải trong lĩnh vực các quá trình công nghiệp hầu như không ảnh hưởng đến GDP. Sản lượng nông nghiệp, lâm nghiệp, các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng cao và ngành chất thải đều sẽ tăng với mức độ khác nhau; vốn đầu tư tăng so với kịch bản phát triển bình thường.
Cơ hội việc làm có thể cao hơn so với phát triển bình thường. Tỷ lệ nghèo ở nông thôn có thể giảm do có đầu tư vào lâm nghiệp và nông nghiệp, dẫn đến việc làm và thu nhập hộ gia đình nông thôn cao hơn. Điều cần lưu ý là tình trạng bất bình đẳng có thể sẽ gia tăng; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tỷ lệ lạm phát tăng nhẹ so với kịch bản phát triển thông thường.
Nhiều chuyên gia cũng đề cập đến khía cạnh, triển khai các hành động ứng phó với BĐKH là quan trọng và cần thiết, giúp Việt Nam có thể thực hiện các cam kết về BĐKH với cộng đồng quốc tế. Đánh giá lợi ích của các hành động ứng phó với BĐKH còn cung cấp căn cứ khoa học để thúc đẩy và thu hút các hoạt động đầu tư kinh doanh trong và ngoài nước cho cho lĩnh vực BĐKH, góp phần mang lại những lợi ích về BĐKH và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xanh và bền vững tại Việt Nam.
BĐKH giúp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo; phát triển nông, lâm, ngư nghiệp thích ứng cao với điều kiện thời tiết; tiếp cận và nhận được nhiều nguồn hỗ trợ cả về kỹ thuật và khoa học công nghệ hiện đại cũng như tài chính của các tổ chức quốc tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước.
Tại các Hội nghị COP lần thứ 26 và 27, Chính phủ Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong hợp tác song phương, Việt Nam chủ động, tích cực đẩy mạnh hợp tác, đối thoại với các quốc gia phát triển, nhận được nguồn vốn hỗ trợ lớn thông qua các tổ chức quốc tế, như: Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Thế giới (WB),...
Báo cáo về đầu tư và chi tiêu công cho BĐKH tại Việt Nam năm 2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2010 - 2019, Việt Nam đã nhận được khoảng 600 dự án quốc tế hỗ trợ ứng phó, thích ứng với BĐKH có tổng số vốn ước tính đạt 18,5 tỷ USD. Trong đó, tổng số nguồn vốn viện trợ không hoàn lại đạt khoảng 1,1 tỷ USD, còn lại là vay ưu đãi. Tháng 12/2022, Việt Nam đã nhận được cam kết hỗ trợ 15,5 tỷ USD từ Anh, Mỹ, các nước EU hỗ trợ chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.