Thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới

Chuyển dịch rõ rệt trong hành vi mua hàng của người tiêu dùng, từ ngoại tuyến sang trực tuyến...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ông Lê Thành Vân, CEO & Founder GUMAC chia sẻ, đại dịch đã làm cho thói quen mua sắm thay đổi rất nhiều. Khách hàng bắt đầu tiết giảm chi tiêu và chuyển qua hình thức mua hàng trực tuyến nhiều hơn, buộc tất cả các doanh nghiệp phải thay đổi và tập trung cho đội ngũ bán hàng trực tuyến hơn... Có như thế mới thích ứng được với xu hướng mua sắm của khách hàng.

THAY ĐỔI TỪ PHƯƠNG THỨC BÁN HÀNG

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, toàn bộ hệ thống hơn 80 cửa hàng của Gumac trên toàn quốc phải đóng cửa để phòng chống dịch. Nhưng nhờ xây dựng được hệ thống bán hàng online bài bản và chuyên nghiệp ngay từ những ngày đầu (năm 2015) nên Gumac đã vượt qua được thời điểm khó khăn.

"Công ty chúng tôi tăng cường bán hàng qua các kênh online như facebook, google và đặc biệt là các sàn TMĐT. Hiện tại lượng đơn hàng của chúng tôi đều nằm ở top đầu của các sàn như Shopee, Lazada và Tiki.. Ngoài ra chúng tôi cũng đầu tư hơn về mẫu mã cũng như chất lượng sản phẩm và chính sách bán hàng để mang lại cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất", ông Vân chia sẻ.

Theo vị CEO này, Công ty đang đặt mục tiêu 10.000 đơn hàng mỗi ngày từ kênh online và đã có trong kế hoạch phát triển của Gumac trong thời gian tới. Tuy nhiên, con số không hề dễ. Để đạt được con số này Gumac phải thay đổi toàn diện quy trình vận hành hiện tại, tiến hành tái cấu trúc toàn bộ doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch, chiến lược cho tầm nhìn 2025. Đây cũng là bước tiến quan trọng để Gumac thực hiện hóa mục tiêu sẽ trở thành hãng thời trang có quy mô lớn nhất tại Việt Nam năm 2025 và hành trình đi ra thế giới.

Báo cáo của Deloitte về ngành bán lẻ Việt Nam mới đây cũng cho thấy, Covid xuất hiện, hình thức mua bán thay đổi, tương tác giữa người và người ở mức tối thiểu. Sự chuyển dịch rõ rệt trong hành vi mua hàng của người tiêu dùng, từ ngoại tuyến sang trực tuyến. Chính vì vậy, các nhà bán lẻ bắt buộc phải tập trung vào việc giảm thiểu tương tác vật lý, tối đa hóa tương tác kỹ thuật số.

Trước đại dịch, theo phân tích của Deloitte dựa trên dữ liệu của Euromonitor, 98% nhà bán lẻ cho rằng kênh cửa hàng vật lý vẫn chiếm phần lớn doanh thu, trong khi chỉ có 2% nhà bán lẻ cho biết kênh thương mại điện tử đem về đa số doanh thu cho họ. Nhưng khi dịch bùng phát, theo khảo sát của Nielsen, số người tiêu dùng mua sắm trực tuyến tăng thêm 25%. Điển hình, thời gian mua sắm của người tiêu dùng Việt trên Shopee đã tăng hơn 25% từ thời điểm dịch bùng phát. Các giao dịch chủ yếu thuộc ngành hàng chăm sóc sắc đẹp, đồ trẻ em, gia dụng và thiết bị điện tử. Hà Nội và Tp.HCM là hai đô thị chiếm khoảng 70% tổng giao dịch trên kênh thương mại điện tử tại Việt Nam.

Để đáp ứng xu hướng này, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số tích hợp để tạo ra trải nghiệm tối ưu cho người dùng, đưa doanh nghiệp bước qua khủng hoảng do đại dịch gây ra.

Ông Vũ Đức Nguyên, Phó TGĐ Công ty Deloitte Việt Nam cho rằng, cuộc khủng hoảng của 2020 báo hiệu một sự thay đổi nhanh chóng và không thể đảo ngược đối với bán lẻ đa kênh. Những biến cố của năm nay có khả năng sẽ định nghĩa lại trải nghiệm của người tiêu dùng vĩnh viễn. Vì vậy, bất kỳ doanh nghiệp bán lẻ nào cũng cần thích nghi, thay đổi để vẫn sống tốt nếu tương lai xảy ra nhiều thay đổi khác.

Đại diện các nhà bán lẻ Việt Nam, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) cho biết, toàn bộ các hội viên của AVR đều nhận thức được việc phải chuyển đổi, phục vụ người tiêu dùng đa kênh chứ không chỉ offline đơn thuần như trước. Trước đây, các nhà bán lẻ Việt Nam đã chú ý tới kênh bán hàng trực tuyến nhưng không được đầu tư phát triển. Tuy nhiên, bán hàng trực tuyến cũng có nhiều khó khăn như: phải nâng cao công nghệ, đầu tư phần mềm, đào tạo nhân sự bán hàng, nhân sự giao hàng... chi phí cho vấn đề này cũng khá lớn đòi hỏi doanh nghiệp phải vượt qua.

...ĐẾN CUNG CẤP SẢN PHẨM

Không chỉ thay đổi về phương thức bán hàng, sản phẩm, dịch vụ cung cấp tới người tiêu dùng cũng phải thay đổi. Các doanh nghiệp phân phối luôn đặt câu hỏi: khách hàng cần gì, muốn mua sản phẩm thế nào, yêu cầu với sản phẩm là gì...?

Báo cáo của Deloitte phân tích, nhiều sản phẩm từng là nhu cầu cơ bản của con người như nước rửa tay, khẩu trang thì trong đại dịch lại trở thành ưu tiên. Đồng thời, người dân thường xuyên ăn uống ở nhà hơn so với trước nên việc lựa chọn những loại thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng được chú trọng.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) thừa nhận, thách thức lớn với ngành dệt may trong bối cảnh dịch Covid đó là nhu cầu tiêu dùng sản phẩm trong nước và trên thế giới thay đổi. Covid xảy ra, cách ly xã hội diễn ra, nhu cầu quần áo công sở như quần âu, sơ mi, veston, đầm nữ cao cấp không có nên đơn hàng giảm mạnh. Trong khi đó, nhu cầu đồ bảo hộ, quần áo mặc nhà, đồ thể thao, khẩu trang vải... tăng cao. Do vậy, các doanh nghiệp dệt may đã chuyển hướng sang sản xuất các sản phẩm này, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Một số doanh nghiệp đã mua thiết bị sản xuất khẩu trang y tế đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong mùa dịch. Chính điều này đã giúp các doanh nghiệp duy trì được nguồn lực đến thời điểm hiện nay.

Còn với Gumac, ông Vân cho biết, để giữ được chân khách hàng của mình, đội ngũ thiết kế của Gumac liên tục cho ra đời những bộ sưu tập phù hợp với xu hướng của khách hàng, khoảng gần 200 thiết kế mới mỗi tháng đều đặn được ra mắt.

Bên cạnh đó, để tạo được niềm tin với người tiêu dùng, Gumac luôn đầu tư vào sản phẩm với chất lượng vải tốt, đa dạng. "Bất kì doanh nghiệp nào muốn phát triển bền vững thì cũng phải đầu tư nghiêm túc vào khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm, nếu không tạo ra được tính mới, nếu không có sự sáng tạo đột phá thì khó có thể giữ chân được khách hàng của mình", ông Vân nhìn nhận.

Ở lĩnh vực khác, tham gia sàn thương mại điện tử Chợ nhà mình, bà Đinh Thị Hải Yến, TGĐ Công ty cổ phần thương mại thực phẩm chế biến Sạch Từ Tâm cho biết, người tiêu dùng ngày nay hướng tới các sản phẩm sạch, an toàn nên sản phẩm của doanh nghiệp khi đưa lên sàn đều phải đạt tiêu chuẩn an toàn, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm soát theo chuỗi từ nông trại tới bàn ăn.

Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, ý thức về việc nâng cao sức khỏe của người dân ngày càng cao, thực phẩm sạch, an toàn đã được kiểm chứng đang là lựa chọn hàng đầu được nhiều gia đình hướng đến. Khảo sát của Nielsen cho thấy, có đến 86% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên lựa chọn sản phẩm organic cho những bữa ăn hàng ngày bởi tính an toàn, giàu dinh dưỡng và hương vị thơm ngon.

Do đó, theo bà Vũ Thị Hậu, kênh thương mại bán online luôn phải tuân thủ chặt chẽ các quy định bán hàng như số lượng đầy đủ, quản trị được chất lượng và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Tất cả các sản phẩm để được vào siêu thị đều phải công khai nguồn gốc xuất xứ, đồng thời dán tem QR code để có thể truy xuất nguồn gốc thực phẩm cùng những thông tin cơ bản.

"Các doanh nghiệp cần phải xác định phân khúc tiềm năng cao của mình và động lực của sự gắn kết với những người tiêu dùng tiềm năng, sau đó tạo ra các thông điệp và sản phẩm của mình cho phù hợp", bà Hậu lưu ý.

Vũ Khuê

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/thich-ung-voi-xu-huong-tieu-dung-moi-20201210011100126.htm