Thiên hà cổ đại 11 tỷ năm tuổi tái xuất ngoạn mục theo cách không ngờ
Vòng cung đỏ bí ẩn hé lộ kỳ quan vũ trụ tái xuất ngoạn mục từ 11 tỷ năm trước.
Kính viễn vọng không gian Hubble của NASA vừa mang đến một bất ngờ thú vị cho giới thiên văn, với hình ảnh một vòng cung ánh sáng đỏ rực rỡ bao quanh một thiên hà hình ê-lip xa xôi. Đây không phải lỗi của thiết bị, mà chính là hình ảnh "tái xuất" của một thiên hà cổ đại khác, cách chúng ta tới 19,5 tỷ năm ánh sáng (ánh sáng đã di chuyển 11 tỷ năm để tới Trái Đất), qua một hiện tượng kỳ thú được gọi là Vòng Einstein.

Khoảnh khắc ngoạn mục của thiên hà cổ đại với ánh sáng từ 11 tỷ năm trước.
Hiện tượng này, một dạng đặc biệt của "thấu kính hấp dẫn", xảy ra khi thiên hà hình ê-lip ở gần hơn (khoảng 2,7 tỷ năm ánh sáng, có tên SDSS J020941.27 001558.4) sở hữu lực hấp dẫn cực lớn, bẻ cong không-thời gian xung quanh nó. Ánh sáng từ thiên hà xa hơn (HerS 020941.1 001557) khi đi qua vùng bị bẻ cong này đã bị uốn cong, khuếch đại và biến dạng thành vòng cung rực rỡ.
Đây chính là minh chứng sống động cho thuyết tương đối của Albert Einstein, được dự đoán từ hơn một thế kỷ trước. Thiên hà tiền cảnh lúc này hoạt động như một chiếc "kính lúp vũ trụ" khổng lồ, cho phép chúng ta nhìn thấy những vật thể xa xôi hơn.
Ngày nay, các nhà thiên văn đã khá quen thuộc với việc phát hiện hiệu ứng thấu kính hấp dẫn, nhưng quá khứ không phải vậy. Cách đây 4 thập kỷ, những hình ảnh méo mó, kéo dài của các thiên thể từng gây nhiều bối rối. Điển hình như năm 1987, một vòng cung xanh khổng lồ được phát hiện gần quần tụ thiên hà Abell 370 ban đầu được cho là một trong những cấu trúc lớn nhất vũ trụ. Mãi sau này, các nhà khoa học mới xác định đó thực chất là một ảo ảnh quang học do Abell 370 tạo ra.
Phát hiện mới nhất từ Hubble một lần nữa khẳng định sức mạnh của các định luật vật lý và khả năng kỳ diệu của vũ trụ trong việc hé lộ những bí ẩn từ thuở sơ khai, cho phép chúng ta nhìn lại quá khứ xa xăm.