Thiên Long (TLG) thâu tóm chuỗi nhà sách Phương Nam, mở rộng hệ thống bán lẻ trực tiếp

Tập đoàn Thiên Long (HOSE: TLG) đang tiến hành thương vụ mua lại CTCP Văn hóa Phương Nam (HOSE: PNC) thông qua công ty con, nhằm mở rộng mạng lưới bán lẻ và củng cố vị thế trên thị trường văn phòng phẩm.

Ngày 19/5, Hội đồng Quản trị Tập đoàn Thiên Long công bố Nghị quyết về việc Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Tân Lực Miền Nam – công ty con trực thuộc – sẽ nhận chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Văn hóa Phương Nam từ nhóm 15 cổ đông cá nhân. Tổng số cổ phần được chuyển nhượng lên tới gần 8,3 triệu đơn vị, tương đương 76,8% vốn điều lệ của PNC.

Cùng ngày, Hội đồng Quản trị của Phương Nam cũng họp và đồng ý đưa nội dung miễn chào mua công khai vào chương trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 – bước đi cần thiết để hợp thức hóa thương vụ thâu tóm này theo đúng quy định pháp lý.

Mặc dù giá trị thương vụ chưa được tiết lộ, nhưng với tỷ lệ sở hữu áp đảo, Thiên Long sẽ nắm quyền kiểm soát trực tiếp toàn bộ hệ thống phân phối của Phương Nam, vốn gồm khoảng 50 nhà sách, tập trung chủ yếu tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Trên thị trường chứng khoán, sau khi thông tin được công bố, cổ phiếu TLG và PNC đồng loạt giảm nhẹ vào sáng ngày 20/5. Tuy nhiên, đây vẫn được giới đầu tư đánh giá là bước đi quan trọng giúp Thiên Long hiện thực hóa mục tiêu mở rộng hệ thống bán lẻ có kiểm sóa.

Việc thâu tóm Phương Nam giúp Thiên Long củng cố nhanh chóng hệ thống bán lẻ trực tiếp – mảnh ghép còn thiếu trong chiến lược đa kênh của tập đoàn. Trước đó, dù đã phát triển hai chuỗi Clever Box và Peektoy từ năm 2021, nhưng đến nay hai thương hiệu này mới chỉ có tổng cộng 12 cửa hàng, cũng thuộc quyền vận hành của Tân Lực Miền Nam.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 diễn ra vào ngày 10/4, Tổng Giám đốc Trần Phương Nga từng chia sẻ rằng Thiên Long sẽ tiếp tục mở rộng qua hoạt động mua bán – sáp nhập, nhưng "không tăng trưởng bằng mọi giá" trong bối cảnh nhiều biến động toàn cầu. Theo bà Nga, mỗi thương vụ đều được cân nhắc kỹ về tính phù hợp chiến lược và hiệu quả dài hạn.

Không chỉ gia tăng độ phủ thương hiệu, việc trực tiếp vận hành hệ thống bán lẻ cũng giúp Thiên Long hiểu rõ hơn về thị hiếu người tiêu dùng – yếu tố được ban lãnh đạo coi là năng lực cốt lõi để cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ và đa dạng từ Trung Quốc.

Về phía Phương Nam, sự tham gia của Thiên Long được kỳ vọng sẽ mang lại sinh khí mới cho doanh nghiệp sau hai năm liên tiếp doanh thu suy giảm. Năm 2024, doanh thu thuần của Phương Nam đạt 614 tỷ đồng, giảm 6% so với năm trước đó. Việc về tay một tập đoàn có nền tảng tài chính và quản trị vững chắc như Thiên Long có thể mở ra hướng phát triển mới cho chuỗi nhà sách lâu đời này.

Trong quý I/2025, Tập đoàn Thiên Long ghi nhận doanh thu thuần đạt 794,4 tỷ đồng, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 78,9 tỷ đồng, giảm 10,7% so với quý I/2024. Biên lợi nhuận gộp duy trì ở mức 42,8%, tương đương cùng kỳ năm trước, cho thấy khả năng kiểm soát chi phí và tối ưu hóa vận hành của doanh nghiệp .

Doanh thu nội địa tăng nhẹ 3,3%, đạt 510,9 tỷ đồng, trong khi doanh thu xuất khẩu giảm 9,7%, xuống còn 283,5 tỷ đồng. Sự sụt giảm doanh thu xuất khẩu được cho là do ảnh hưởng ngắn hạn từ yếu tố thiên tai và mùa vụ tại các thị trường xuất khẩu truyền thống .

Tính đến hết quý I/2025, Thiên Long đã hoàn thành 19% kế hoạch doanh thu và 18% kế hoạch lợi nhuận cả năm, đặt nền móng cho việc tăng tốc trong các quý tiếp theo, đặc biệt là quý II – mùa cao điểm truyền thống của công ty.

Khánh Ly

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/thien-long-tlg-thau-tom-chuoi-nha-sach-phuong-nam-mo-rong-he-thong-ban-le-truc-tiep-83115.html