'Thiên lý nhãn' của xe tự hành

Austin Russell (người Mỹ) - ảnh bên, vừa trở thành tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới ở tuổi 25, với sản phẩm 'mắt thần' cho xe hơi tự lái. Đó là thành quả xứng đáng của một người dám dấn thân, dám dẫn đầu.

Austin Russell (người Mỹ) - ảnh bên, vừa trở thành tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới ở tuổi 25, với sản phẩm “mắt thần” cho xe hơi tự lái. Đó là thành quả xứng đáng của một người dám dấn thân, dám dẫn đầu.

Quyết định táo bạo

Giống như nhiều tỷ phú thành danh khác, Austin Russell thôi học vật lý ứng dụng tại Trường đại học Stanford năm 17 tuổi. Mặc dù anh là một trong số ít sinh viên được ngôi trường danh tiếng này tuyển thẳng từ cấp hai và tạo mọi điều kiện để nghiên cứu lĩnh vực quang học.

Russell có lý lẽ riêng. Khi mới 15 tuổi, anh đã phát triển phương pháp dùng tia laser để đo khoảng cách, tạo bản đồ 3D trước mặt vật thể theo thời gian thực, gọi tắt là lidar. Trực giác mách bảo Russell rằng công nghệ mà anh phát triển sẽ cho phép xe hơi tự lái và xác định chướng ngại vật phía trước với độ chuẩn xác gần như tuyệt đối, vào thời điểm mà xe tự hành là khái niệm xa lạ với đại bộ phận người dân thế giới.

Russell nghỉ học để thành lập Công ty Luminar với hướng đi chính là cảm biến laser cho xe tự lái khi chưa đầy 18 tuổi. Cha mẹ của anh lo lắng với quyết định táo bạo này nhưng hoàn toàn không phản đối vì họ biết con trai mình là một thần đồng.

Năm lên hai tuổi, Russell đã thuộc làu bảng nguyên tố hóa học và ám ảnh với việc phải ghi nhớ mọi thứ. Đến lớp 5, cậu bé Russell tự mình biến chiếc máy chơi game cầm tay thành một chiếc điện thoại di động vì cha mẹ từ chối mua cho cậu.

Lớn hơn một chút, Russell “trưng dụng” gara của gia đình để làm phòng thí nghiệm về điện tử, quang học. Từ phòng nghiên cứu tự chế này, anh đã có bằng sáng chế hệ thống tái chế nước ngầm tuần hoàn vào năm 13 tuổi và phác thảo những mô hình đầu tiên về cảm biến lidar.

Bản thân Russell không bao giờ tự hào về việc bỏ học, nhấn mạnh rằng “chỉ có số ít người thành công nếu từ bỏ giảng đường”. Quyết định của anh được người đồng sáng lập PayPal Peter Thiel cổ vũ nhiệt thành và chấp nhận bỏ ra 100 nghìn USD cho Russell làm vốn ban đầu.

Với tốc độ phát triển của phần cứng và quang tử, Russell lo ngại nếu đợi tốt nghiệp mới khởi động dự án thì đã quá muộn. Với Russell, anh sẽ mãi về sau nếu không dám làm người khởi đầu.

Lợi thế kẻ “núp gió”

Tất nhiên, sản phẩm của Russell đủ tốt để leo lên đỉnh thế giới. So các đối thủ cùng phân khúc, cảm biến lidar của công ty có độ phân giải gấp 50 lần và phạm vi quét gấp 10 lần. Trong khoảng cách 250 m, cảm biến này sẽ kiểm tra chính xác các vật cản kể cả là khó nhìn nhất để các loại xe tự lái di chuyển an toàn. Bên cạnh đó, để giảm giá thành, công ty của Russell tự làm tất cả các bộ phận cấu thành thay vì mua linh kiện bán sẵn với giá cao.

Suốt những năm đầu thành lập Công ty Luminar, Russell và các cộng sự giữ kín mọi thông tin về sản phẩm họ đang phát triển, không quảng bá, không tham gia những cuộc triển lãm công nghệ, nơi các ông lớn trong ngành vẫn mải mê tự mãn. Nhờ điều này, Luminar đã tạo tiếng vang lớn khi chính thức “trình làng”, khiến ngay cả thương hiệu xe như Volvo “nhảy” vào xin hợp tác đầu tư.

Độ ưu việt của cảm biến mà Russell tạo ra khiến nhiều đại gia công nghệ nghi ngờ. Tháng 4 năm ngoái, người giàu nhất thế giới Elon Musk - đứng đầu Công ty Tesla đang nghiên cứu xe tự lái - nhận xét sản phẩm của Russell là thứ “vặt vãnh, đắt tiền và không cần thiết”. Đáp lại Elon Musk, Russell khẳng định với 50 đối tác của Luminar trên toàn thế giới rằng cảm biến lidar thật sự đột phá.

Mới đây, Công ty Luminar đã chính thức lên sàn chứng khoán với mức giá 23 USD/cổ phiếu, giúp giá trị của doanh nghiệp này đạt con số 7,8 tỷ USD. Austin Russell giữ một phần ba số cổ phần và lập tức trở thành tỷ phú USD tự thân trẻ nhất thế giới chỉ sau một đêm.

Doanh nghiệp của Russell được kỳ vọng sẽ có doanh thu 15 tỷ USD mỗi năm vào năm 2026 khi mà kỷ nguyên tự động hóa có nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ. Đó là một viễn cảnh tươi sáng nhưng trước mắt, mục tiêu của Russell là đưa giá thành của cảm biến lidar xuống dưới 100 USD.

Mồ hôi và nước mắt

Trong một bài trả lời phỏng vấn Forbes, Russell rưng rưng khi nhắc đến hành trình trở thành tỷ phú. “Tôi còn quá trẻ nhưng rất nhiều mồ hôi và nước mắt đã đổ vào sự nghiệp đó. Đó là sự tra tấn cực kỳ dữ dội về tinh thần”, anh hồi tưởng. Anh làm hết mọi việc, từ phòng nghiên cứu đến hoạch định kế hoạch sản xuất, kêu gọi đầu tư hay chuẩn bị cho quá trình lên sàn chứng khoán.

Suốt tám năm từ khi mới qua tuổi 17 đến hiện tại, Russell hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ, làm việc liên tục 16 giờ mỗi ngày và không có ngày nghỉ. Xuất phát điểm là người làm khoa học thuần túy, Russell phải tự trau dồi kiến thức kinh doanh và những lọc lõi trên thương trường. Theo nhận xét của các đối tác, ở Russell có sự tinh tường và nhạy cảm đôi khi còn vượt trội hơn những doanh nhân có 40 năm kinh nghiệm.

Không giống như những 9x khác, Austin Russell nói không với mạng xã hội như Facebook hay Twitter. Anh chỉ dùng YouTube để thu nhặt kiến thức từ internet. Đổi lại, Russell nhận được sự tin tưởng tuyệt đối của cấp dưới và các nhà đầu tư nhờ vào khả năng tập trung cao độ và niềm đam mê mãnh liệt với công việc.

Trở thành tỷ phú đô-la trẻ nhất thế giới chỉ là bước khởi đầu với Russell vì mong ước lớn nhất của anh lại nhân văn và sâu sắc đến không ngờ. Russell muốn sản phẩm của mình sớm đến tay người dùng để giúp kéo giảm tình trạng tai nạn giao thông trên toàn cầu.

Không kể xe tự lái, cả những chiếc xe hơi truyền thống cũng có thể sử dụng cảm biến lidar để bảo đảm an toàn hành trình. Nếu sản phẩm được phổ cập đến mọi chiếc xe hơi, Russell hoàn toàn có thể trở thành người giàu nhất hành tinh và đó hẳn là cái kết đẹp cho 1% thiên tài cộng với 99% mồ hôi và nước mắt.

HỒNG NGỌC

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/nhan-vat_1/thien-ly-nhan-cua-xe-tu-hanh-633543/