'Thiên nga trắng' Tu-160 của Nga 'hồi sinh' với phiên bản mạnh mẽ hơn
Nga đã bay thử thành công máy bay ném bom hạt nhân chiến lược Tu-160M bản nâng cấp sâu với động cơ mới NK-32-2.
Vũ khí hạt nhân là vũ khí “kỳ diệu” để người Nga có thể “an cư lạc nghiệp”, và máy bay ném bom chiến lược là một thành phần quan trọng trong bộ ba hạt nhân của nước này. So với việc đầu tư khổng lồ cho máy bay ném bom chiến lược tàng hình PAK-DA “hão huyền”, việc Nga cải tiến máy bay ném bom chiến lược siêu thanh mạnh nhất hiện nay Tu-160M là một sự lựa chọn hợp lý.
Gần đây, phiên bản nâng cấp mới nhất của Tu-160M đã bay thử thành công với động cơ phản lực cánh quạt NK-32-02 mới. Tập đoàn chế tạo máy bay Liên hợp (United Aviation Manufacturing Company, UAC) của Nga thông báo, chiếc máy bay ném bom chiến lược Tu-160M với động cơ mới NK-32-02 đã thực hiện thành công chuyến bay thử nghiệm đầu tiên ở Kazan.
“Máy bay được điều khiển bởi phi hành đoàn dưới sự chỉ huy của phi công Enri Naskijantz. Chuyến bay diễn ra ở độ cao 6.000 mét và kéo dài 2 giờ 20 phút” – thông cáo nói. Loại động cơ mới này có hiệu suất tốt hơn và sẽ là nhân tố then chốt giúp khôi phục việc tiếp tục sản xuất hàng loạt Tu-160 ở Nga.
Tu-160M là phiên bản cải tiến sâu của Tu-160, trước đây còn được gọi là Tu-160M2. Do Tu-160 ra đời từ những năm 1980, mặc dù có uy lực mạnh mẽ, khả năng hành trình với tầm xa “vô đối” và tốc độ cao nhưng hệ thống điện tử lại bị tụt hậu nghiêm trọng.
Do đó, phiên bản Tu-160M đã được Nga trang bị radar điều khiển hỏa lực Novella NV1.70 mới phát triển. Buồng lái cơ khí được thay thế bằng buồng lái kỹ thuật số, ngoài ra Tu-160M cũng được tích hợp hệ thống thông tin liên lạc và tác chiến điện tử mới.
Điều đáng sợ nhất của Tu-160M đó là máy bay này được trang bị tên lửa hành trình mới, loại này dự kiến được trang bị trên máy bay ném bom tầm xa tàng hình mới của Nga. Trong số đó, đầu đạn thông thường của tên lửa Kh-101 đã trải qua nhiều cuộc thử nghiệm trên chiến trường Syria và tầm bắn của nó có thể lên tới 5000 km.
Trong khi đó, Kh-102 là phiên bản cải tiến của Kh-101 có thể mang đầu đạn hạt nhân. Tu-160M được thiết kế hai buồng đạn ở trước và sau thân máy bay, sử dụng giá treo trụ xoay, có thể mang tổng cộng 12 tên lửa Kh-101/102, kết hợp với bán kính chiến đấu của Tu-160M khoảng 7.000 km, thì tổ hợp này có thể dễ dàng răn đe toàn bộ bờ biển phía Tây nước Mỹ khi cất cánh từ vùng Viễn Đông Nga.
Mẫu Tu-160M hiện đại hóa sâu đầu tiên mang tên “Igor Sikorsky”, đã được bay thử ở độ cao 1.500 mét, kéo dài 34 phút. Máy bay này được cải tạo, nâng cấp trên cơ sở của máy bay ném bom Tu-160 hiện tại, được lắp đặt mới các thiết bị dẫn đường và lái, thiết bị thông tin liên lạc, hệ thống điều khiển, radar và hệ thống đối kháng điện tử. Kết quả là các nhà phát triển đã tuyên bố về "sự gia tăng đáng kể trong hiệu suất tổng thể" của máy bay.
Theo hợp đồng đã ký giữa Bộ Quốc phòng Nga và Công ty Tupolev, 15 chiếc Tu-160 hiện có của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga sẽ được nâng cấp thành Tu-160M. Ngoài ra, Tupolev cũng sẽ chế tạo 10 chiếc Tu-160M hoàn toàn mới vào năm 2027.
Chiếc Tu-160M mới sản xuất đầu tiên dự kiến sẽ bay vào năm 2021 và được bàn giao vào năm 2023. 10 chiếc mới sẽ có giá 160 tỷ rúp (2,5 tỉ USD), tức là khoảng 250 triệu USD/chiếc, đây là mức giá khá bình dân so với loại máy bay “khủng” như Tu-160M.
So với hệ thống radar, buồng lái kính và hệ thống điện tử, khó khăn lớn nhất của dự án Tu-160M là cải tiến động cơ phản lực Kuznetsov NK-32. Động cơ này, với một lực đẩy đốt sau lên đến 25 tấn, là động cơ phản lực quân sự mạnh nhất từ thời Liên Xô, nhà máy sản xuất động cơ máy bay hàng đầu Nga Kuznetsov đã ngừng sản xuất các động cơ như vậy trong 20-30 năm qua.
Đối với dự án Tu-160M, nhà máy Kuznetsov đã phát triển động cơ phản lực cánh quạt NK-32-02 (còn được gọi là Giai đoạn 2) trong 6 năm qua. So với NK-32 ban đầu, nó có lực đẩy tăng 10%, nó sử dụng một máy phát khí mới và nâng cao nhiệt độ trước tua bin (từ 1635K lên 1750K). Bằng cách này, tầm hoạt động của Tu-160M được tăng thêm 1.000 km, nâng tầm hoạt động tối đa được tăng lên từ 14.000 km lên 15.000 km.
Điều đáng nói là, sau khi sử dụng động cơ NK-32-02, hiện tượng "khói vàng" của Tu-160M khi cất cánh dường như đã được giải quyết. Nguyên nhân của hiện tượng này là do động cơ NK-32 thải ra quá nhiều oxyde nitơ khi hoạt động ở độ cao thấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuổi thọ của động cơ.