Thiên nhiên trong những khoảng giếng trời

Vườn giếng trời - một hình thức đưa mảng xanh vào nhà ở cực kỳ phổ biến, luôn xuất hiện trong 'check list' của hầu hết công trình ngày nay khi không chỉ thể hiện sự giao hòa mạnh mẽ giữa kiến trúc và thiên nhiên, mà nó còn chứng tỏ sự phát triển tất yếu của kiến trúc bền vững, nhất là khi Biophilic - thiết kế gắn kết thiên nhiên đang trở thành xu hướng toàn cầu.

Những lợi ích không thể chối từ!

Về bản chất, mỗi giếng trời đã là một cửa sổ kết nối với bên ngoài, và vườn giếng trời chẳng những mang theo bầu không khí tự nhiên mà trên hết là thảm thực vật sinh động vào bên trong công trình. Khoảng xanh ở dưới giếng trời cũng đem đến cho bạn nhiều sự lựa chọn hơn thay vì phải đắn đo sử dụng các loại cây chịu bóng râm khi trồng trong nhà.

Mặt khác, chúng có tác dụng tăng cường ẩm độ, oxy, cân bằng nhiệt, loại bỏ chất độc và các tác nhân gây dị ứng hóa học, từ đó giúp giảm các triệu chứng hô hấp, mang đến cảm giác thư giãn, dễ chịu nhờ không khí luôn được lưu thông một cách tự nhiên.

Vườn giếng trời mang theo thảm thực vật sinh động vào bên trong ngôi nhà.

Vườn giếng trời mang theo thảm thực vật sinh động vào bên trong ngôi nhà.

Giếng trời ở bất cứ nơi đâu?

Dù có rất nhiều lợi ích nhưng không phải khu vực nào trong nhà cũng phù hợp với giếng trời. Bạn nên tránh bố trí toàn bộ lõi giếng trời ở tầng trên cùng khi chưa chống nóng hiệu quả cho mái vì sẽ làm nhiệt độ tầng tăng cao. Hay các giếng trời không có mái che phải được thiết kế ở nơi rộng thoáng, có khoảng đệm hay vách ngăn xung quanh để tránh mưa gió gây ảnh hưởng đến nội thất trong nhà.

Vườn giếng trời ở cầu thang được xem là phổ biến nhất, vừa lấy sáng cho lõi giao thông đứng vừa tạo mảng xanh đẹp mắt. Các vườn giếng trời cho khu vực sinh hoạt chung như bếp ăn, phòng khách, thư viện... đều mang đến nguồn năng lượng tự nhiên tuyệt vời và tạo sự gắn kết tích cực trong gia đình. Hay giếng trời với các cây trồng tinh giản nơi phòng tắm và phòng ngủ lại mang đến vẻ đẹp hiện đại, hợp thời và cực xu hướng. Bạn cũng có thể gửi thêm sinh khí tràn xuống cầu thang tầng hầm bằng một “cửa sổ trời” thật lớn và một mảng xanh tuyệt đẹp kèm theo!

Một khoảng không nhìn lên bầu trời, một khu vườn bên dưới mặt đất, không chỉ mang đến ánh sáng, màu xanh vào không gian sống mà nó còn là niềm vui, là cảm giác tận hưởng thiên nhiên ngay trong chính ngôi nhà của mình.

Một khoảng không nhìn lên bầu trời, một khu vườn bên dưới mặt đất, không chỉ mang đến ánh sáng, màu xanh vào không gian sống mà nó còn là niềm vui, là cảm giác tận hưởng thiên nhiên ngay trong chính ngôi nhà của mình.

Mái che sáng cho những “cửa sổ trời”

Bạn cần quyết định hướng mở của giếng trời để có lượng ánh sáng phù hợp bởi một số thời điểm sáng nhất có thể gây khó chịu cho mắt nhìn. Đồng thời hướng sáng sẽ quyết định từng loại cây trồng bên dưới, nhưng nếu muốn một khu vườn phong phú, bạn cũng có thể mở “cửa sổ trời” ở nhiều góc, kết nối với cấu trúc vách lấy sáng để tận dụng được nhiều ánh mặt trời nhất.

Hãy đặc biệt chú trọng đến hệ thống mái che, các cấu trúc có khả năng đổi chiều, linh động đóng mở cũng giúp kiểm soát vị trí lấy sáng và mật độ sáng mà bạn mong muốn. Mái che giếng trời cũng quyết định hình thức thẩm mỹ của hiệu ứng bóng sáng trên sàn. Chúng có thể phụ thuộc hoặc tách biệt khỏi mặt phẳng của trần nhà với hình dạng cực kỳ phong phú từ mái che nằm ngang, dốc, vòm cung, chóp tam giác hay kết hợp nhiều loại với nhau.

Một giếng trời với hệ thống mái che - vách ngăn liền mạch, màu sắc nổi bật, khoen thêm những lỗ tròn lấy sáng cho khu vườn nghiễm nhiên trở thành spotlight của cả công trình. Hay đơn giản là “cửa sổ trời” với những ô kính lấp lánh tỏa nắng trên cao có thể tô điểm cho một ngày mới của bạn.

Khi quyết định làm giếng trời, chúng ta cũng nên chú ý đến hệ thống mái che có khả năng đóng, mở nhằm giúp kiểm soát mật độ ánh sáng và tính thẩm mỹ cho ngôi nhà.

Khi quyết định làm giếng trời, chúng ta cũng nên chú ý đến hệ thống mái che có khả năng đóng, mở nhằm giúp kiểm soát mật độ ánh sáng và tính thẩm mỹ cho ngôi nhà.

Lựa chọn một khu vườn phù hợp

Giếng trời có thể cho phép các loại cây ưa sáng, cũng như nhiều loại cây có hoa phát triển trực tiếp. Bạn cũng có thể trồng thêm các loại thân gỗ tầm trung, cây bụi xum xuê nếu không gian đủ lớn, một cây lộc vừng vươn cao hay vài bụi cỏ hồng châu Mỹ sẽ mang đến vẻ đẹp hiện đại cho công trình.

Trầu bà, dương xỉ, cỏ lan chi,... lại cực kỳ phù hợp cho khu vực có ánh sáng vừa và nhẹ. Nếu có khả năng, bạn hãy bố trí thêm một hồ cá Koi dưới giếng trời, chúng không những khiến khu vườn trở nên phong phú mà còn là môi trường sống tốt cho các loại cây thủy sinh như sen, súng, trầu bà nước…

Không gì tuyệt vời hơn là tự tay trồng các loại thảo mộc mà bạn sử dụng thường xuyên nhất bên dưới cửa sổ trời của nhà bếp với húng quế, bạc hà, rau mùi,... Những vị trí có độ ẩm cao như phòng tắm thì các loại cây như phong lan, thiên điểu sẽ phát triển rất tốt, đồng thời cũng là cách mang hơi thở nhiệt đới vào không gian của bạn.

Ngoài trồng cây nuôi cá, giếng trời còn được ưu ái bố trí thêm rất nhiều các loại hình khác như đèn năng lượng, phù điêu, tranh tường, lồng chim,… Tuy vậy đây là khu vực tiếp xúc ánh nắng, có thể kèm mưa nên bạn cần lựa chọn các loại đèn chuyên dụng để tránh hỏng hóc. Nếu giếng trời bố trí ở khu vực thường xuyên qua lại thì bạn nên tránh treo các vật trang trí quá nặng để đảm bảo an toàn tối đa.

Hòa mình vào từng khoảnh khắc và nhịp thở của tự nhiên thông qua những chiếc giếng trời trên cao cũng là cách để bạn yêu thêm ngôi nhà của mình. Một khoảng không nhìn lên bầu trời, một khu vườn bên dưới mặt đất, không đơn thuần mang ánh sáng và màu xanh vào mỗi không gian sống, mà còn là niềm vui, là cảm giác tận hưởng thiên nhiên ngay trong chính ngôi nhà của bạn!

KTS Nguyễn Bảo Tiên Hoàng - Ảnh: TL

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/thien-nhien-trong-nhung-khoang-gieng-troi-40748.html