Thiền sư Thích Nhất Hạnh và sự tĩnh lặng, nhẹ nhàng
Sự ra đi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh làm nhiều người nhắc nhớ về một giai đoạn lịch sử của Việt Nam, cũng như đường hướng bước vào Phật học bằng ngôn ngữ thi ca nhẹ nhàng…
Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch vào 1 giờ 30 ngày 22-1 tại Tổ đình Từ Hiếu (Huế). Không chỉ là một người đưa ra pháp tu, những tác phẩm của Thiền sư từ văn đến thơ đều tạo nên những dấu ấn, ảnh hưởng lớn lao đến nhiều thế hệ.
Tìm kiếm một nẻo về quê nhà
Những tập thơ do Lá Bối xuất bản tại Sài Gòn thập niên 1960: Bông hồng cài áo, Tiếng đập cánh loài chim lớn, Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện… hay những tập truyện, bút ký: Nẻo về của ý, Đường xưa mây trắng, Am mây ngủ… trở thành tiếng lòng của rất nhiều người đọc.
Trong đó, nhiều bạn trẻ say sưa với Nẻo về của ý bởi đó là một sự nhắc nhớ thiết tha về một nẻo về dẫu nó là một Phương Bối Am có thực, quê hương có thực hay chỉ là một giấc mơ về Phương Bối, quê nhà còn nhiều lận đận chưa thể quay về.
Và trong hành trình tìm kiếm nẻo về, người trẻ phải biết khởi hành ngay trong hiện hữu này, như câu thơ thiền sư viết:“Hiện hữu không kêu gọi tình thương/ Hiện hữu không cần ai phải thương ai /Nhưng em phải là em, là đóa hoa, là bình minh hát ca, không đắn đo suy tính” (trong bài Bướm bay vườn cải hoa vàng).
Không chỉ với các bạn trẻ, chính Thiền sư Nhất Hạnh cũng có những giấc mơ về một nẻo về. Trong buổi trò chuyện với người dẫn chương trình Oprah Winfrey, khi nói về những ngày tháng xa quê hương, Thiền sư chia sẻ: “Trong năm đầu, đêm nào tôi cũng nằm mơ thấy trở về quê, gần như mỗi đêm. Tôi thấy tôi leo lên một ngọn đồi thật đẹp, thật xanh và thật hạnh phúc nhưng rồi tôi chợt tỉnh dậy... Và sự thực tập của tôi là đem tâm về với thân sống thật hết lòng trong phút giây hiện tại, tiếp xúc với cây cỏ, chim chóc, hoa lá và trẻ em và những người bạn mới ở phương Tây - và chấp nhận biến họ thành cộng đồng dễ thương của tôi. Nhờ cách tu tập như thế tôi đã tìm ra quê hương ngoài quê hương. Dần dà khoảng một năm sau thì những giấc mơ chấm dứt”.
Dẫu giấc mơ chấm dứt, tìm thấy quê hương ngoài quê hương thì Thiền sư vẫn mong mỏi ngày trở về quê hương. Vì thế, sau bốn lần trở về Việt Nam hoằng pháp kể từ sau năm 1975, năm 2018, Thiền sư chính thức trở về Tổ đình Từ Hiếu tịnh dưỡng đến ngày viên tịch.
Những công trình học thuật giá trị
Bên cạnh lãnh địa văn học, điều mà Thiền sư Nhất Hạnh khiến giới học thuật, học Phật… kính nể chính là việc truy tầm nghiên cứu đưa ra những khảo luận sử học lẫn Phật học bằng ngôn ngữ gần gũi, tự nhiên.
Khó có thể tìm ra một người thứ hai giảng giải Trung Quán luận của Bồ tát Long Thọ nhẹ nhàng, dễ hiểu như Thiền sư Nhất Hạnh. Bởi ngoài văn, Thiền sư Nhất Hạnh có biệt tài biến mọi thứ thành thơ ca, một cách sử dụng ngôn ngữ bằng hình ảnh để người đọc có thể thấy được.
Ví dụ, với bài kệ thứ 17 trong Phẩm Quán khứ lai, Trung Quán luận của Bồ tát Long Thọ, Thiền sư Nhất Hạnh ngoài văn đã họa lại bằng những lời thơ tâm tình: “Tôi sẽ không ra đi/ Hoặc sẽ ra đi nhưng không bao giờ tôi đến/ Nơi khởi hành có trăng mây gió nước, và nơi tôi đến đón chờ cũng sẽ có hoa vàng trúc tím/ Là lá là hoa, em đã có tôi từ vô thỉ/ Và màu xanh trời cao trong mắt em sẽ còn mãi mãi...” (trong quyển Đập vỡ vỏ hồ đào).
Và những nhà nghiên cứu Phật học sẽ khó có thể bỏ qua bộ sách ba tập của Thiền sư Nhất Hạnh ký dưới bút danh Nguyễn Lang - Việt Nam Phật giáo sử luận. Nhà xuất bản Lá Bối trong bản xuất bản năm 1973 đã giới thiệu trân trọng công trình này với những lời: “Ông Nguyễn Lang đã trình bày những dữ kiện lịch sử, phân tích và bình luận những tư tưởng và những hệ thống tư tưởng trong quá trình diễn biến của lịch sử Phật giáo Việt Nam một cách rành mạch và khoa học”.
Mỗi ngày chánh niệm, mỗi ngày học, mỗi ngày tạ ơn… đó là cả một cuộc đời của Thiền sư Nhất Hạnh, người khi trả lời cho câu hỏi “Thầy tu là sao thưa thầy?” bằng những việc thật cụ thể: “Là thầy tu là để có được nhiều thì giờ tu tập, để chuyển hóa những khó khăn và chữa lành được những nỗi khổ niềm đau của mình. Rồi sau đó mình mới biết cách giúp người khác chuyển hóa và trị liệu như mình”.
Bảy ngày tâm tang
Trong thông báo di huấn phát đi từ Tổ đình Từ Hiếu và Đạo Tràng Mai Thôn thì tang lễ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tổ chức trong bảy ngày theo hình thức là một khóa tu im lặng.
Trong thời gian đó, tất cả người đến thăm viếng cùng thực tập tâm niệm cúng dường để toàn bộ tang lễ tâm tang được diễn ra trong im lặng, trang nghiêm, thanh tịnh, tĩnh lặng và nhẹ nhàng.
Sau lễ trà tỳ (thiêu) vào 7 giờ ngày 29-1, tro cốt của Thiền sư sẽ được an vị tại Tổ đình Từ Hiếu cùng các trung tâm Làng Mai trên thế giới.
Nguồn PLO: https://plo.vn/van-hoa/thien-su-thich-nhat-hanh-va-su-tinh-lang-nhe-nhang-1040612.html