Thiên tài Alan Turing sẽ xuất hiện trên tờ 50 bảng Anh
là thông báo từ Ngân hàng trung ương Anh (BoE) ngày 15/7 vừa qua. Nhà toán học lỗi lạc Alan Turing sẽ là gương mặt xuất hiện trên mặt sau tờ 50 bảng Anh mới vào năm 2021. Ông là người đồng tính đầu tiên được in trên tiền giấy của Anh.
Chân dung AlanTuring trên tờ 50 bảng Anh sẽ phát hành năm 2021.
Alan Turing là nhà toán học lỗi lạc người Anh, ông đã góp phần giải mã hệ thống máy mã hóa Enigma của Phát xít Đức, và sau này là đặt nền móng cho ngành khoa học máy tính. Chân dung của Turing sẽ thay thế Matthew Boulton và James Watt, nhà phát minh ra cỗ máy hơi nước trên tờ 50 bảng Anh hiện tại. Những nhân vật còn lại trên tờ tiền của Vương quốc Anh gồm cựu Thủ tướng Winston Churchill (5 bảng Anh), nhà văn Jane Austen (10 bảng Anh) và họa sĩ JMW Turner (20 bảng Anh).
Ông được lựa chọn từ hơn 1.000 nhân vật lịch sử quan trọng của nước Anh và là người đồng tính đầu tiên sở hữu vinh dự này. Bên cạnh những đóng góp to lớn của Alan Turing cho nhân loại, Ngân hàng Anh còn đặc biệt ghi nhận hoàn cảnh đặc biệt của ông khi đã bị đối xử tệ bạc chỉ vì có xu hướng tính dục khác biệt.
Alan Turing ban đầu là một chuyên gia giải mã tại Bletchley Park trong Thế chiến thứ 2. Nhờ có ông mà cỗ máy Enigma bị giải mã và tạo lợi thế cho quân đồng minh. Sau đó cũng chính ông đã tạo ra “Bài test Turing” để xác định xem một hệ thống trí thông minh nhân tạo hay một cỗ máy có thể hành xử như con người hay không. Thế nhưng cuộc đời của ông kết thúc một cách đầy bất công. Ông bị kết tội không đứng đắn vì là người đồng tính vào tháng 03/1953. Ông tự sát 1 năm sau đó, nhưng mãi đến 2009 mới được tuyên vô tội.
Alan Turing thời còn trẻ. Ảnh: The Independent.
Thủ tướng Anh khi đó (2009), Gordon Brown đã xin lỗi về cách đối xử "kinh khủng" của chính phủ Anh đối với Alan Turing. Năm 2013, Nữ hoàng Elizabeth II đã ký lệnh ân xá dành cho Alan Turing. Hành động này đã dẫn đến sự ra đời của “Luật Turing”. Theo đó, những người đồng tính từng bị kết án theo luật chống đồng tính ngày xưa của Anh có thể nộp đơn xin ân xá chính thức.
"Thật là một thảm kịch khi đất nước mà Turing hết lòng phục vụ lại đối xử với anh ta như vậy sau chiến tranh, hành hạ anh ta chỉ vì là người đồng tính... Chúng ta sử dụng công nghệ mỗi ngày, và sẽ không thể tưởng tượng cuộc sống nếu thiếu chúng. Sẽ không có những thứ này nếu thiếu đi công lao của Turing", Demis Hassabis - nhà nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) cho biết.
Thống đốc ngân hàng quốc gia Anh, Mark Carney, khi giới thiệu tờ 50 Bảng Anh tại Bảo tàng Khoa học và Công nghiệp tại Manchester nói: “Alan Turing là một nhà toán học lỗi lạc, với những công trình nghiên cứu đã có tác động to lớn tới cách chúng ta sống ngày hôm nay. Là cha đẻ của khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo, và là một anh hùng thời chiến, những đóng góp của Alan Turing vừa đột phá vừa có tác động sâu rộng. Ông cũng để lại một di sản vô cùng quan trọng. Chúng ta thực sự may mắn được sống ở thời kỳ này, với những đạo luật và phong trào nhằm hướng tới bình đẳng giới, mọi người có thể là chính mình mà không phải sợ hãi.”
Giám đốc Ngân hàng Anh giới thiệu đồng 50 bảng Anh mới.
Ngân hàng quốc gia Anh Anh quyết định chọn Turing sau khi kêu gọi cộng đồng đề cử nhân vật xứng đáng. Có 227.299 lá đơn đề cử 989 nhà khoa học khác nhau. Để được lựa chọn, nhân vật ấy phải là người thật, đã qua đời và đóng góp cho ngành khoa học nước Anh. Từ những lá đơn đề cử, Ủy ban Cố vấn Ngân hàng đã rút gọn danh sách còn 12 nhà khoa học. Trong đó có những cái tên lỗi lạc không kém: Mary Anning, Paul Dirac, Rosaline Franklin, và cả Stephen Hawking nữa.
Tờ 50 bảng Anh bằng chất liệu polymer mới sẽ in chân dung của Alan Turing, do Elliott & Fry vẽ vào năm 1951. Bức chân dung này vẫn đang được treo tại Phòng tranh Chân dung Quốc gia ở London, Anh.
X