'Thiên thời, địa lợi' cho thỏa thuận ngừng bắn Israel - Hamas
Có nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy Israel và Hamas có thể sớm đạt thỏa thuận ngừng bắn và đám phán tiến tới nền hòa bình lâu dài.

Bồ câu bay qua một căn nhà tại Khan Younis bị Israel phá hủy, tháng 10/2023.
Dải Gaza đang tiến gần tới triển vọng ngừng bắn hơn lúc nào hết. Hôm 4/7, Hamas tuyên bố “phản hồi tích cực” với thỏa thuận ngừng bắn và sẵn sàng lập tức bước vào vòng đàm phán mới. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Israel cũng đã chấp nhận các điều kiện của thỏa thuận ngừng bắn 60 ngày.
Đây không phải thỏa thuận ngừng bắn đầu tiên tại Gaza. Thỏa thuận đầu tiên chỉ kéo dài 10 ngày hồi tháng 11/2023. Thỏa thuận thứ hai đạt được đầu năm nay nhưng sụp đổ hồi tháng 3.
Thỏa thuận lần này được đánh giá có khả năng dẫn tới hòa bình lâu dài cao hơn so với những lần trước đó. Dù vậy, giữa các bên vẫn còn nhiều điểm khác biệt cần giải quyết.
Đúng thời điểm
Theo thỏa thuận được nước trung gian Qatar đề xuất, Hamas sẽ thả 10 tù nhân bị bắt giữ tháng 10/2023 và trao trả thi thể của 18 tù nhân khác trong quãng thời gian 60 ngày ngừng bắn. Đổi lại, Israel sẽ trả tự do cho một số tù nhân Palestine đang bị giam giữ.
22 tù nhân còn lại sẽ được trả tự do sau khi các bên thỏa thuận dài hạn. Trong khoảng thời gian 60 ngày ngừng bắn, các bên sẽ đàm phán về một nền hòa bình lâu dài và tương lai Gaza sau chiến sự.
Theo Times of Israel, Hamas đã đề xuất thả tất con tin trong một đợt. Dù vậy, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu - dưới áp lực của phe cực hữu - muốn một thỏa thuận theo giai đoạn để giữ quyền tiếp tục chiến sự. Do đó, Hamas quyết định chỉ trao trả con tin theo đợt để giữ Israel trên bàn đàm phán.
Ý tưởng ngừng bắn hai tháng đã được đưa ra từ khi thỏa thuận ngừng bắn cũ sụp đổ. Một thỏa thuận tương tự được đưa ra hồi tháng 5 nhưng Hamas không chấp thuận do lo ngại Israel sẽ tiếp tục chiến sự sau thời gian tạm nghỉ - thay vì cố gắng đạt hòa bình lâu dài.
Có nhiều nhân tố khả quan cho thấy thỏa thuận lần này hoàn toàn nằm trong tầm tay của các bên.

Uy tín của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tăng cao, giúp ông có nhiều dư địa đàm phán hòa bình hơn. Ảnh: Reuters.
Cuộc xung đột giữa Mỹ, Israel và Iran vừa qua đã khiến uy tín của ông Netanyahu tăng cao, cũng như có thêm dư địa để đối phó với nhóm cực hữu đồng minh có quan điểm cứng rắn, thậm chí sẵn sàng lật đổ chính phủ.
Nếu có thể kết thúc cuộc chiến tại Gaza với kết quả chấp nhận được với cử tri Israel, ông Netanyahu sẽ tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo - có thể diễn ra năm 2026.
Tới cuối tháng này, Quốc hội Israel sẽ bước vào kỳ nghỉ kéo dài ba tháng. Tòa án cũng sẽ tạm ngừng hoạt động. Do đó, ông Netanyahu sẽ không phải lo đối mặt với các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hay các phiên xét xử ông với cáo buộc tham nhũng. Chính phủ Israel sẽ vẫn đứng vững, kể cả khi nhóm cực hữu phản đối thỏa thuận với Hamas.
Cuộc xung đột với Iran cũng kéo sự quan tâm của Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Trung Đông. Sau khi hỗ trợ Tel Aviv, giờ đây ông Trump sẽ có vị thế tốt hơn trong việc buộc Thủ tướng Netanyahu chấp nhận ngừng bắn.
Thách thức còn đó
Dù vậy, con đường tiến tới thỏa thuận ngừng bắn vẫn còn nhiều chông gai. Theo Times of Israel, dù phản hồi “tích cực”, Hamas vẫn đề xuất chỉnh sửa một số điểm trong thỏa thuận.
Đầu tiên, Hamas mong muốn ngôn ngữ của thỏa thuận rõ ràng hơn, bảo đảm rằng hai bên có thể tiếp tục đàm phán sau 60 ngày ngừng bắn.
Theo thỏa thuận được gửi tới Hamas, khoảng thời gian 60 ngày có thể kéo dài, miễn là hai bên tiếp tục đàm phán một cách thiện chí. Các nguồn tin cho biết Hamas muốn bỏ điều kiện ở vế sau do lo ngại Thủ tướng Netanyahu có thể lợi dụng để tiếp tục chiến sự - giống như hồi tháng 3.
Hamas mong muốn thỏa thuận ghi rõ các cuộc đàm phán sẽ diễn ra tới khi đạt được thỏa thuận. Dù vậy, Israel lo ngại ngôn ngữ này có thể khiến Hamas cố tình trì hoãn vô thời hạn.

Một con tin Israel được trao trả hồi tháng 1. Ảnh: Reuters.
Mâu thuẫn thứ hai liên quan tới hoạt động viện trợ cho dải Gaza. Hamas muốn khôi phục hoàn toàn các cơ chế viện trợ của Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác, kể cả Quỹ Nhân đạo Gaza (GHF) do Mỹ và Israel bảo trợ.
Ngoài ra, Hamas cũng muốn quân đội Israel rút về các vị trí giống như trước khi thỏa thuận ngừng bắn trước đó sụp đổ hồi tháng 3.
Cả ba điều khoản này đều khó chấp nhận với Thủ tướng Netanyahu, Times of Israel đánh giá, do ông muốn giữ quyền tiếp tục giao tranh thay vì lập tức chấp nhận một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn. Israel cũng phản đối các cơ chế cứu trợ ngoài GHF với lý do Hamas có thể “bòn rút” từ các cơ chế khác.
Kể từ tháng 3, Israel cũng đã kiểm soát thêm vùng lãnh thổ rộng lớn, bao gồm “hành lang Morad” cắt đôi miền Nam dải Gaza giữa Khan Yunis và Rafah. Israel nhiều khả năng sẽ tiếp tục đóng giữ khu vực chiến lược này.
Bất chấp những bất đồng, các nguồn tin cho biết hai bên nhiều khả năng sẽ khởi động lại các cuộc đàm phán qua trung gian, có thể tại Doha (Qatar) ngay ngày 6/7 tới.
Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff cũng đang cố gắng buộc Hamas chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn mà không chỉnh sửa gì nhiều, theo đó các cuộc đàm phán chỉ thảo luận về các vấn đề nhỏ như số lượng và danh tính tù nhân Palestine được trả tự do hay bản đồ chi tiết các khu vực mà Israel cần rút quân.
“Không thiếu lý do chấm dứt cuộc chiến tại Gaza. Câu hỏi chỉ là liệu Israel và Hamas có ý chí làm điều này hay không”, tiến sĩ Julie Norman, chuyên gia tại trường University College London (UCL), viết trên CNA.