Thiêng liêng lễ chào cờ đầu năm ở mũi Ba Làng An

Sáng 1/1, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Quảng Ngãi phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND huyện Bình Sơn tổ chức Lễ chào cờ đón chào năm mới 2024.

Lễ chào cờ được tổ chức tại Trạm đèn biển Ba Làng An (mũi Ba Làng An, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi)- nơi có vị trí quan trọng và yếu tố lịch sử đặc biệt

Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ.

Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ.

Trong không khí trang nghiêm, Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi- Thượng tá Lê Mỹ Sơn điều hành lễ chào cờ, hát Quốc ca và nghi lễ thượng cờ.

Nghi lễ thượng cờ.

Nghi lễ thượng cờ.

Mũi Ba Làng An là danh lam thắng cảnh, nơi có miệng núi lửa đã ngưng hoạt động khoảng 30m2 cùng nhiều vách đá trầm tích và ngọn hải đăng tuyệt đẹp cao 36,4m, 80 bậc thang có vai trò quan trọng trong kiểm soát biển và cứu hộ hàng hải. Đây cũng là điểm đất liền gần nhất đến quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam).

Đặc biệt, theo các tài liệu chính sử ghi nhận, cư dân vùng Ba Làng An đã khai phá và hình thành nên lớp cư dân Việt đầu tiên trên đảo Lý Sơn.

Vùng đất mũi Ba Làng An được hình thành từ 3 ngôi làng là An Hải, An Vĩnh, An Kỳ. Các địa danh An Hải, An Vĩnh, An Bình trên đảo Lý Sơn chính là xuất phát từ địa danh của mũi Ba Làng An.

Vùng đất mũi Ba Làng An. Ảnh Việt Hoàng

Vùng đất mũi Ba Làng An. Ảnh Việt Hoàng

Dấu tích của đội Hoàng Sa tại mũi đất này là địa danh Vườn Đồn (thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ)- nơi xuất quân của đội Hoàng Sa- nay là Đồn Biên phòng Sa Kỳ đóng chân. Cách đó vài trăm mét là dấu tích của miếu Hoàng Sa- nơi đội Hoàng Sa làm lễ tế thần Nam Hải trước khi ra khơi.

Cũng tại khu vực này, các đợt khai quật khảo cổ năm 1978 và 2002 đã phát hiện dấu tích quan trọng về lớp cư dân tiền Sa Huỳnh cư trú. Ngoài ra, vùng biển Bình Châu còn có nhiều con tàu cổ đắm dưới lòng biển sâu.

Trợ lý công tác quần chúng, Phòng Chính trị, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi - Thượng úy Hoàng Đan xúc động chia sẻ: “Tôi rất vinh dự, tự hào khi được chọn là người ôm cờ và thực hiện nghi thức chào cờ đầu năm mới. Là chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh, tôi xin hứa quyết tâm thực hiện bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh khu vực biên giới biển”.

Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng.

Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng.

Theo Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng, lễ chào cờ đón chào năm mới 2024 có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tự chủ của cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, hướng về biển đảo, Hoàng Sa, Trường Sa, vùng trời thiêng liêng Tổ quốc.

Dịp này, lãnh đạo, cán bộ Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi còn dâng hương tại di tích lịch sử Quốc gia địa đạo Đám Toái. Nơi đây từng là Trạm phẫu thuật tiền phương trong kháng chiến và là nơi 66 liệt sĩ, thầy thuốc bị địch sát hại khi đang làm nhiệm vụ.

Kãnh đạo, cán bộ Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi dâng hương tại di tích lịch sử Quốc gia địa đạo Đám Toái.

Kãnh đạo, cán bộ Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi dâng hương tại di tích lịch sử Quốc gia địa đạo Đám Toái.

Trong giai đoạn 1962 -1965, tình hình chiến sự tại các xã khu đông huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) diễn ra hết sức ác liệt. Quân và dân trong huyện cùng bộ đội chủ lực đã kiên cường chiến đấu với kẻ thù.

Để bảo đảm việc chữa trị kịp thời cho thương, bệnh binh trên chiến trường đông bắc Quảng Ngãi, một Trạm phẫu thuật tiền phương đã được lập nên trong lòng địa đạo tại khu vực Đám Toái.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi thực hiện trùng tu, tôn tạo và khai thác di tích lịch sử Quốc gia này. Nơi đây cũng trở thành địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thieng-lieng-le-chao-co-dau-nam-o-mui-ba-lang-an.html