Lễ chào cờ là một nghi thức quen thuộc đối với mỗi người dân Việt Nam. Khi còn nhỏ là lễ chào cờ sáng thứ 2 đầu tiên. Đến trưởng thành và đi làm, chào cờ cũng là một phần không thể thiếu trước mỗi cuộc họp. Lễ chào cờ là nghi thức chứa đựng giá trị tự hào của dân tộc. Đối với người dân tại Trường Sa, lễ chào cờ càng trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết.
Sáng mùng 1 tết Canh Tý, người dân và cán bộ chiến sỹ tại đảo Sinh Tồn thực hiện lễ chào cờ trước cột mốc ranh giới.
Lá cờ Tổ quốc tung bay giữa bầu trời Trường Sa là kết quả của sự đấu tranh, kiên quyết giữ toàn vẹn lãnh thổ mà các chiến sỹ đã phải đánh đổi bằng xương máu và nước mắt.
Dưới màu cờ Tổ quốc, bài hát quốc ca vang lên hùng tráng.
Cán bộ, chiến sỹ Hải quân cùng hướng mắt về lá cờ Tổ quốc thiêng liêng.
Bài hát Quốc ca vang lên giữa biển trời Trường Sa máu thịt của Tổ quốc có ý nghĩa thiêng liêng, khẳng định giữ vững chủ quyền biển đảo và thềm lục địa mà các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì dáng hình của xứ sở.
Tết đến Xuân về, các cán bộ chiến sỹ ngoài đảo xa vẫn đón một cái tết cổ truyền đầy đủ ý nghĩa nhưng vẫn không quên nhiệm vụ canh gác, giữ gìn bảo vệ vùng biển trời Trường Sa.
Lễ chào cờ diễn ra đúng ngày mùng 1 tết. Đây là hoạt động thường niên của các cán bộ chiến sỹ tại các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa vào ngày đầu tiên của năm mới.
Trong không khí trang nghiêm của buổi chào cờ đầu năm, Trung tá Phạm Văn Quang (Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn) đọc thư chúc tết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi tới các đồng bào, cán bộ chiến sỹ nơi đảo xa.
Nhiều năm nay, cả nước vẫn luôn hướng về Trường Sa máu thịt, hướng về những người đang nắm giữ nhiệm vụ bám biển, gìn giữ chủ quyền vùng biển của dân tộc.
Khánh Huy