Thiêng liêng Tết Độc lập ở vùng đất mang tên 'tọa độ lửa'
Những ngày Tết Độc lập năm nay, khắp các bản làng người Vân Kiều ở Hướng Lập, Hướng Việt (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), khắp nơi đều rực sắc đỏ của cờ Tổ quốc tung bay trong gió, đâu đâu cũng cảm nhận được tinh thần tự hào dân tộc trên vùng đất mang tên 'tọa độ lửa'. Đây cũng là tiền đề để người người dân luôn sẵn sàng đồng hành với Bộ đội Biên phòng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Biên cương rợp bóng cờ bay
Trong những năm đất nước bị chia cắt, Hướng Lập, Hướng Việt là điểm cuối của đường mòn Hồ Chí Minh (nhánh Tây) từ Quảng Bình vào đến sông Sê Băng Hiêng để sang Lào. Những năm 1967 đến năm 1972, vùng đất này là trọng điểm bị không quân Mỹ, ngụy đánh phá ác liệt nhằm cắt đứt con đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Thế nhưng, bộ đội và đồng bào Vân Kiều luôn kiên cường chiến đấu, và từ trong đổ nát đã xây dựng cuộc sống ấm no, tươi đẹp. Trải qua những năm tháng khắc nghiệt bom đạn, giặc giã, người Vân Kiều ở Hướng Việt, Hướng Lập càng trân trọng giá trị của hòa bình, độc lập, tự đo.
Đến Hướng Lập, Hướng Việt những ngày này, khắp nơi đều rực sắc đỏ của cờ Tổ quốc tung bay trong gió. Những lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh, còn thơm mùi vải mới được treo trang trọng trước nhà, dọc theo trục đường chính của thôn bản. Để có được khung cảnh đẹp đẽ ấy, Đồn Biên phòng Hướng Lập đã vận động mạnh thường quân tặng 600 lá cờ cho nhân dân 2 xã Hướng Lập, Hướng Việt treo chào mừng 78 năm Ngày Quốc khánh 2-9. Những thôn ở gần, người dân sẽ tới Đồn Biên phòng Hướng Lập để trực tiếp nhận cờ. Ở các thôn xa, trưởng thôn sẽ đến nhận hoặc cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập sẽ tới trực tiếp trao tặng cho bà con.
Trên đường qua thôn Ka Tiêng (xã Hướng Việt), thấy lá cờ treo trước hiên ngôi nhà sàn nhỏ nhắn đã bạc màu, Đại úy Phan Quang Vĩnh (nhân viên kiểm soát hành chính, Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu phụ Tà Rùng) dừng xe, cầm theo lá cờ mới đi vào. Danh tính chủ nhà khiến tất cả đều muốn nán lại để trò chuyện. Bà là Hồ Thị Oi, nguyên Chủ tịch xã Hướng Lập – người đã ghi dấu ấn lẫy lừng ở “tọa độ lửa” Cù Bai. Bà là người đầu tiên đưa cây lúa nước về rẻo cao này, thuyết phục người dân chuyển đổi từ lúa rẫy sang lúa nước để không bị đói và góp gạo nuôi quân đánh giặc. Dưới làn mưa bom, bão đạn, người phụ nữ nhỏ nhắn ấy địu con trên lưng, một tay cấy lúa, 1 tay cầm súng chiến đấu.
Cho đến giờ, bà Hồ Thị Oi vẫn là một biểu tượng bất khuất với người Vân Kiều ở Hướng Lập, Hướng Hóa. Nhìn Đại úy Phan Quang Vĩnh cẩn thận treo cờ Tổ quốc mới, bà Oi xúc động lắm, bà bảo: “Lá cờ Tổ quốc phấp phới bay ngày Độc lập khiến mẹ nhớ đến ngày xưa, dù khó khăn khổ cực vẫn một lòng tin và đi theo Đảng, theo Bác Hồ. Có được hòa bình rồi, mẹ luôn răn dạy con cháu phải yêu Tổ quốc, học tập tốt, là người có ích cho xã hội, xứng đáng với truyền thống kiên cường của người Vân Kiều”.
Mừng lúa mới là lễ hội lớn và quan trọng nhất của người Vân Kiều ở huyện Hướng Hóa. Năm nay, lễ hội rơi vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 dương lịch, trùng với Ngày Quốc khánh của đất nước bởi vậy mà mang thêm màu sắc đặc biệt. Vì mối quan hệ thân tộc của nhân dân 2 bên biên giới nên những người Lào các bản giáp biên lại nhập cảnh qua cửa khẩu phụ Tà Rùng để mừng lúa mới với anh em ở Việt Nam. Ông Chá (bản A Via, cụm La Cồ, huyện Sê Pôn, tỉnh Sa Vẳn Nạ Khệt, Lào) cho biết: “Trước đây tôi tham gia chiến đấu ở Đường 9, được tặng nhiều giấy khen. Sau phân định biên giới, tôi ở Lào nên mang quốc tịch Lào. Ở Lào, chúng tôi không đón ngày Quốc khánh 2-9 nhưng với tôi, Việt Nam vẫn là Tổ quốc, là máu thịt vì tôi đã đóng góp 1 phần công sức cho cách mạng. Sang Hướng Việt thấy nhà nào cũng treo cờ Tổ quốc, tôi thấy đẹp quá”.
Những món quà đặc biệt
Dù công việc nhiều, thế nhưng, Đồn Biên phòng Hướng Lập vẫn quyết định triển khai lễ khởi công xây nhà tình nghĩa cho bà Hồ Thị Pung (sinh năm 1948, thôn Sê Pu-Tà Păng, xã Hướng Lập) và gia đình anh Hồ Văn Quế (sinh năm 1980, thôn Trăng-Tà Puồng, xã Hướng Việt). Đây là 2 gia đình khó khăn về chỗ ở nên khởi công sớm ngày nào tốt ngày đấy bởi mùa mưa bão đang tới gần. Chồng mất, nhiều năm nay, bà Hồ Thị Pung vẫn ở một mình. Cuộc sống bà Pung vô cùng vất vả, căn nhà nhỏ được dựng trên mảnh đất người cháu cho mượn nay đã xuống cấp, dột nát. Còn vợ chồng anh Quế cùng các con đang ở trong túp lều dựng tạm cạnh Khu tái định cư thôn Trăng-Tà Puồng, xã Hướng Việt. Nhiều người thương vợ chồng anh vì để có được khu tái định cư đẹp đẽ kia, cha mẹ của anh Hồ Văn Quế đã hiến một phần không nhỏ đất canh tác của gia đình. Trước thực tế này, UBND xã Hướng Việt đã bố trí cho anh Hồ Văn Quế cùng vợ là chị Hồ Thị Liên một lô đất trong khu tái định cư.
Câu chuyện nhân văn được viết tiếp khi bà Ly Kiều Vân (Trưởng ban Nội chính, Tỉnh ủy Quảng Trị) kết nối với Tổ Công đoàn Vụ Địa phương 2 (Bộ Nội vụ) thông qua Đồn Biên phòng Hướng Lập hỗ trợ 140 triệu đồng để xây nhà cho gia đình bà Pung, anh Quế làm nhà. Bà Hồ Thị Pung chưa có đất nên Trung tá Nguyễn Công Trình (Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hướng Lập), bà Hồ Thị Thiệt (Bí thư Đảng ủy xã Hướng Lập), bà Hồ Thị Ven (Chủ tịch UBND xã Hướng Việt), ông Hồ Văn Khuy (Phó chủ tịch UBND xã) đã vào Sê Pu-Tà Păng, cùng Thôn trưởng Hồ Văn Tun tìm cách giải quyết. Sau khi nghe chính quyền địa phương, cán bộ Biên phòng phân tích, anh Hồ Văn Tuân (cháu bà Pung) đã nhất trí tặng cho bác mình đất ở cạnh trục đường chính trong bản để làm nhà mới.
Một món quà đặc biệt được trao tặng quà cho nhân dân 2 xã Hướng Việt, Hướng Lập lần này còn có chiếc móc chìa khóa in số điện thoại 0985.234.605 - đường dây nóng của Đồn Biên phòng Hướng Lập. Móc khóa in số điện thoại đường dây nóng được xuất phát từ nhu cầu thực tế, với mục đích, mong muốn gắn kết chặt chẽ hơn nữa mối quan hệ giữa đồn và nhân dân trên địa bàn. Việc đồn Biên phòng công khai, cung cấp số điện thoại đến từng hộ dân trên địa bàn cũng nhằm mục đích nâng cao ý thức, trách nhiệm của quần chúng trong công tác đảm bảo an ninh trật tự thôn bản, đấu tranh với các loại tội phạm, chủ động bảo vệ tài sản.
“Sáng kiến này của những người lính Biên phòng được đánh giá rất cao bởi các thôn bản ở xa, đường đi lại khó khăn nên việc thông tin với Đồn Biên phòng hay chính quyền gặp nhiều khó khăn, nhất là trong điều kiện mưa gió, đêm tối. Giờ có số điện thoại đường dây nóng, người dân sẽ dễ dàng hơn trong việc phản ánh”- bà Hồ Thị Ven, Chủ tịch UBND xã Hướng Việt chia sẻ.
Như vậy, có thể thấy, không phải là nhu yếu phẩm, không phải cây, con giống nhưng những món quà của Đồn Biên phòng Hướng Lập gửi tặng đồng bào Vân Kiều ở Hướng Lập, Hướng Việt lại có ý nghĩa vô cùng đặc biệt nhân ngày lễ của dân tộc.
Bài, ảnh: THANH TRÚC
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.