Thiết bị nhỏ như hạt gạo này có thể cứu sống hàng triệu người trên thế giới

Công nghệ này không chỉ mang lại lợi ích to lớn trong điều trị bệnh tim mà còn mở ra triển vọng ứng dụng trong tái tạo thần kinh, chữa lành vết thương và phát triển các thiết bị cấy ghép thông minh.

Máy tạo nhịp tim nhỏ nhất thế giới có kích thước chỉ ngang một hạt gạo

Máy tạo nhịp tim nhỏ nhất thế giới có kích thước chỉ ngang một hạt gạo

Các nhà khoa học tại Đại học Northwestern (Mỹ) vừa chế tạo thành công máy tạo nhịp tim nhỏ nhất thế giới, có kích thước chỉ bằng một hạt gạo. Thiết bị có thể được tiêm vào cơ thể người và hoạt động nhờ ánh sáng trước khi tự tan biến.

Đây được xem là một bước đột phá quan trọng trong lĩnh vực y học tim mạch, đồng thời thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận điều trị chứng rối loạn nhịp tim tạm thời.

Được biết, bệnh tim hiện là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Do đó, việc phát triển những công nghệ đột phá như máy tạo nhịp tim tự tiêu không chỉ giúp cải thiện đáng kể chất lượng điều trị mà còn mang lại hy vọng mới cho hàng triệu bệnh nhân trên toàn cầu.

Đặt trong bối cảnh thực tế, có hàng triệu người trên thế giới vẫn đang phải đeo máy tạo nhịp tim để đảm bảo hoạt động bình thường của tim. Trong đó, bao gồm cả một tỷ lệ nhỏ các trẻ sơ sinh mắc bệnh tim bẩm sinh.

Tuy nhiên, công nghệ máy tạo nhịp tim hiện tại vẫn tồn tại những hạn chế nhất định. Theo đó, chúng thường yêu cầu thực hiện phẫu thuật để khâu điện cực vào cơ tim, với dây kết nối tới một thiết bị cấp nguồn đặt bên ngoài cơ thể.

Việc phẫu thuật, cũng như quá trình tháo bỏ máy khi không còn sử dụng đều có thể gây ra tổn thương, thậm chí có nguy cơ dẫn đến biến chứng nghiêm trọng.

Một trường hợp điển hình là Neil Armstrong, người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng, đã tử vong do xuất huyết nội khi tháo bỏ máy tạo nhịp tim tạm thời vào năm 2012.

Máy tạo nhịp tim mới được phát triển đã khắc phục hoàn toàn những hạn chế trên nhờ thiết kế không dây và có khả năng tự tiêu biến. Với chiều dài chỉ 3,5 mm và độ dày 1 mm, thiết bị có thể được đưa vào cơ thể qua một đầu ống tiêm mà không cần phẫu thuật xâm lấn.

Khi nhiệm vụ của nó hoàn thành, máy sẽ tự tan trong cơ thể mà không để lại bất kỳ dấu vết nào, giúp loại bỏ nguy cơ biến chứng và tiết kiệm chi phí phẫu thuật.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature, thiết bị này hoạt động bằng cách kết hợp với một miếng dán mềm được gắn trên ngực bệnh nhân. Miếng dán có nhiệm vụ phát hiện nhịp tim bất thường và phát tín hiệu ánh sáng để kích hoạt máy tạo nhịp tim điều chỉnh nhịp đập của tim.

Nó thực hiện điều này thông qua khai thác chất lỏng sinh học trong cơ thể để chuyển hóa năng lượng hóa học thành xung điện kích thích tim.

Cho đến nay, các thử nghiệm trên chuột, lợn, chó và mô tim người trong phòng thí nghiệm đã cho kết quả đầy hứa hẹn. Nhóm nghiên cứu kỳ vọng có thể bắt đầu thử nghiệm trên người trong vòng 2 đến 3 năm tới.

Bozhi Tian, một chuyên gia tại Đại học Chicago, người cũng từng nghiên cứu máy tạo nhịp tim hoạt động bằng ánh sáng, đã ca ngợi đây là một bước tiến đáng kể trong lĩnh vực y học.

Theo ông, công nghệ này không chỉ mang lại lợi ích to lớn trong điều trị bệnh tim mà còn mở ra triển vọng ứng dụng trong tái tạo thần kinh, chữa lành vết thương và phát triển các thiết bị cấy ghép thông minh.

(Theo DTO)

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/28/348218/thiet-bi-nho-nhu-hat-gao-nay-co-the-cuu-song-hang-trieu-nguoi-tren-the-gioi.aspx