Thiết bị 'tiết kiệm 30-50%' điện năng tiêu thụ: Không có cơ sở
Trong những ngày nắng nóng này, vấn đề tiết kiệm điện đang được rất nhiều người quan tâm. Nhiều thiết bị được cho là tiết kiệm điện năng cũng được rao bán trên thị trường với lời quảng cáo có thể giảm 30-50% lượng điện tiêu thụ. Thực hư của những lời quảng cáo 'hấp dẫn' này như thế nào?
Thiết bị tiết kiệm điện được quảng cáo tràn lan trên mạng.
Phần lớn các thiết bị tiết kiệm điện đều được bán online. Gõ từ khóa “thiết bị tiết kiệm điện” trên Google sẽ cho rất nhiều thông tin quảng cáo. Theo giới thiệu trên các trang mạng xã hội, nếu sử dụng thiết bị tiết kiệm điện năng, người dùng có thể giảm được 30-50% tiền điện hằng tháng. Giá của thiết bị này được rao bán từ 200 nghìn đồng đến 2 triệu đồng tùy mẫu.
Chị Nguyễn Thu Minh, ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), cho biết: “Tôi mua thiết bị tiết kiệm điện với giá 400 nghìn đồng. Hàng được đóng gói trong hộp giấy kèm tờ hướng dẫn in bằng tiếng Anh nhưng không có mã vạch, nguồn gốc xuất xứ hay địa chỉ liên hệ. Nhân viên bán hàng nói có một tụ bù công suất, giúp tăng hiệu số công suất và tối ưu điện năng thừa, không hao phí điện năng, ổn định dòng điện. Do đó, điện năng tiêu thụ sẽ giảm từ 30-50% khi sử dụng. Chỉ cần cắm thiết bị vào bất kỳ ổ điện nào trong nhà cũng có thể phát huy hiệu quả. Tôi đã sử dụng nhưng thấy không có tác dụng, không giống như quảng cáo nhưng cũng chỉ biết im lặng vì không biết đổi trả ở đâu”.
Trước thực trạng trên, trong thời gian vừa qua, các chuyên gia kỹ thuật đã đưa ra cảnh báo về những loại “thiết bị siêu tiết kiệm điện” được quảng cáo tràn lan trên mạng và gần đây lại xuất hiện thêm cái gọi là “thẻ tiết kiệm điện thông minh”. Kiểm chứng thực tế cho thấy, những thiết bị này hoàn toàn không thể giảm điện năng tiêu thụ như quảng cáo.
Cách đây không lâu, Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung phối hợp cùng Ban Kiểm tra, giám sát mua bán điện, Tổng công ty Điện lực miền Trung đã thực hiện một số thí nghiệm về sản phẩm tiết kiệm điện có tên gọi Electricity Saving Box để xem xét.
Quá trình thí nghiệm cho thấy, thiết bị này khi sử dụng có thể làm giảm độ lớn giá trị dòng điện qua tải, nhưng không thể làm giảm lượng điện năng tiêu thụ. Việc này dẫn đến công suất tiêu thụ luôn luôn tăng, nghĩa là thiết bị tiết kiệm điện này không làm thay đổi sản lượng điện tiêu thụ đo đếm được trên công tơ.
Như vậy, thiết bị tiết kiệm điện dạng trên thực chất chỉ là một quảng cáo đánh trúng vào tâm lý muốn tiết kiệm chi tiêu của người tiêu dùng để bán được nhiều sản phẩm.
Theo ông Lê Trần Phong (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội), thiết bị nào khi cắm vào nguồn điện cũng tiêu thụ một lượng điện nhất định. Về nguyên lý, các thiết bị tiết kiệm điện năng chỉ giúp chế độ tải của các thiết bị hoạt động tốt hơn. Trong các nghiên cứu và thực tế hiện nay mới chỉ thực hiện tiết kiệm được từ 1-5% điện năng tiêu thụ. Những thiết bị “tiết kiệm điện năng tiêu thụ đến 30-50%” như một số quảng cáo gần đây là không có cơ sở khoa học, khách hàng không nên mua.
Cùng quan điểm trên, PGS.TS Lê Văn Doanh, nguyên Trưởng khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, khách hàng không nên tin vào những quảng cáo về thiết bị có thể tiết kiệm điện đến mức cao như vậy. Các sản phẩm tiết kiệm điện trôi nổi ngoài thị trường phần lớn chỉ là thiết bị bù công suất phản kháng, giảm tổn thất trên hệ thống điện, chứ hoàn toàn không có chức năng tiết kiệm điện như quảng cáo. Muốn tiết kiệm điện, cần nâng cao ý thức sử dụng điện hiệu quả và dùng thiết bị điện có công nghệ tiết kiệm theo tiêu chuẩn đã được ngành chức năng thẩm định.
Thiết nghĩ, để người tiêu dùng không bị mắc bẫy các chiêu quảng cáo trên mạng, nên chăng các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để quản lý và kiểm soát chặt chẽ hơn loại mặt hàng này, góp phần làm lành mạnh thị trường và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng.