Thiết giáp 'nhím sắt' của Nga thúc thủ trước drone FPV Ukraine

Sau xe tăng 'mai rùa' và hệ thống lồng sắt, Nga tiếp tục cải tiến thiết giáp với lớp giáp 'nhím sắt' để chống lại drone FPVcủa Ukraine. Tuy vậy dường như chúng vẫn không thể chống lại UAV tự sát.

Lực lượng Nga lắp các bó sợi kim loại, được ví như lông nhím, xung quanh xe chiến đấu bộ binh BMP-2 nhằm đối phó drone FPV.

Hình ảnh đăng trên mạng xã hội hôm 26/5 cho thấy một xe chiến đấu bộ binh dòng BMP của quân đội Nga được bọc giáp lồng xung quanh tháp pháo, cùng nhiều búi sợi kim loại chĩa ra bên ngoài.

Hình ảnh đăng trên mạng xã hội hôm 26/5 cho thấy một xe chiến đấu bộ binh dòng BMP của quân đội Nga được bọc giáp lồng xung quanh tháp pháo, cùng nhiều búi sợi kim loại chĩa ra bên ngoài.

David Axe của Forbes nhận định đây là biện pháp mới của Nga nhằm đối phó thiết bị bay không người lái góc nhìn thứ nhất (drone FPV) tự sát, tương tự giáp lồng hay lưới thép trước đây. Các búi kim loại sẽ làm vướng drone hoặc phá hỏng cánh quạt để ngăn chúng lao vào xe, đồng thời kích hoạt dây kíp ở mũi phi cơ và khiến đầu đạn phát nổ trước khi chạm đến vỏ giáp.

Tuy nhiên, theo phía Ukraine, thiết giáp "nhím sắt" này chưa thành công trong những trận chiến đầu tiên.

Trong một cuộc tấn công của Nga gần Troitske, phía bắc Bahatyr thuộc tỉnh Donetsk, đơn vị drone tinh nhuệ Birds of Magyar của Ukraine đã truy lùng và phá hủy chiếc BMP này.

Chưa rõ lực lượng Ukraine triển khai bao nhiêu drone cho đòn tấn công, nhưng hình ảnh cận cảnh cho thấy khoang sau chiếc BMP-2 bị cháy và dẫn đến nổ thứ cấp, khiến phương tiện bị phá hủy hoàn toàn.

Axe nhận định tổn thất này không phải là lỗi của giáp lông nhím. "Có vẻ kíp lái đã vội rời đi sau khi xe trúng mìn, cho phép drone FPV lao vào trong qua cửa mở. Phương tiện nào cũng sẽ bốc cháy nếu bị đánh trúng bộ phận mỏng manh bên trong, dù giáp ngoài có hiệu quả đến đâu", cây viết của Forbes cho hay.

Axe nhận định "giáp con nhím" vẫn sẽ phát huy tác dụng, miễn là thiết giáp không bị mất khả năng cơ động và đóng kín cửa. "Giáp con nhím sẽ xuất hiện trên nhiều phương tiện chiến đấu khác của Nga trong tương lai, thậm chí có thể được quân đội các nước khác học hỏi tương tự giáp lồng và mai rùa", cây bút này nêu quan điểm.

BMP-2 là thế hệ xe chiến đấu bộ binh thứ hai, được Liên Xô thiết kế và đưa vào chế tạo từ thập niên 1980.

So với BMP-1, BMP-2 được cải tiến mạnh mẽ về khả năng bảo vệ trước hỏa lực của đối phương.

BMP-2 có tháp xe rộng hơn so với BMP-1. Xa trưởng sẽ ngồi trong tháp xe cùng với pháo thủ.

Hỏa lực trên xe trở nên mạnh hơn với pháo tự động 2A42 30 mm, súng máy PKT đồng trục 7,62 mm cùng hộp tiếp đạn 2.000 viên.

Ngoài ra xe còn được trang bị thêm tên lửa chống tăng 9M111 Fagot hay 9M113 Konkurs với sức công phá mạnh mẽ đủ sức hủy diệt xe tăng đối phương hoặc phá tan công sự địch.

Bên cạnh đó, xe BMP-2 có thể được trang bị cả RPG-7 với cơ số đạn là 5 quả. Số lỗ châu mai mỗi bên xe giảm xuống còn 2.

Kíp xe 3 người gồm trưởng xe, lái xe và pháo thủ, mỗi chiếc BMP-2 có thể chở được 7 lính bộ binh tùng thiết.

Tuy ra đời từ thập niên 1980, BMP-2 vẫn được coi là một trong những dòng xe chiến đấu bộ binh phổ biến và tốt nhất thế giới.

Tại chiến trường Ukaine, BMP-2 được cả Nga và Ukraine sử dụng với số lượng lớn.

Hiện Nga đã nâng cấp những chiếc BMP-2 lên chuẩn BMP-2M với việc trang bị thêm vũ khí và hệ thống điều khiển hỏa lực.

Việt Hùng

Theo Euromaidan Press, Forbes

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thiet-giap-nhim-sat-cua-nga-thuc-thu-truoc-drone-fpv-ukraine-post612967.antd