Thiệt hại nặng nề do mưa lũ

(QTO) - Mưa lớn, lũ lụt nghiêm trọng và kéo dài trong nửa tháng qua (từ ngày 6-20/10/2020) khiến tỉnh Quảng Trị bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Tính đến sáng 20/10/2020, toàn tỉnh có 49 người chết, 8 người chưa tìm thấy, 25 người bị thương. Đến nay, vẫn còn nhiều tài sản của người dân và công trình công cộng đang bị ngập nước chưa thể kiểm tra, thống kê thiệt hại. Tỉnh Quảng Trị đang tập trung huy động tất cả các nguồn lực, lực lượng để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Sạt lở nghiêm trọng ở khu vực Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 làm 22 cán bộ, chiến sĩ hi sinh - Ảnh: Q.H

Sạt lở nghiêm trọng ở khu vực Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 làm 22 cán bộ, chiến sĩ hi sinh - Ảnh: Q.H

Nhiều tuyến đường bị hư hỏng gây ách tắc giao thông - Ảnh: T.T

Nhiều tuyến đường bị hư hỏng gây ách tắc giao thông - Ảnh: T.T

Sạt lở sập dãy nhà nội trú của học sinh ở Hướng Hóa - Ảnh: H.T

Sạt lở sập dãy nhà nội trú của học sinh ở Hướng Hóa - Ảnh: H.T

Cứu trợ người dân vùng ngập lụt - Ảnh: H.T

Cứu trợ người dân vùng ngập lụt - Ảnh: H.T

Một số ngành bị thiệt hại nặng nề như: Ngành nông nghiệp có 360 ha diện tích đất nông nghiệp bị vùi lấp; hàng chục ngàn tấn lương thực và hàng trăm ngàn vật nuôi bị nước lũ cuốn trôi; gần 1.400 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng; nhiều công trình hồ đập thủy lợi, kênh mương, kè chắn… bị sạt lở, hư hỏng trong đó riêng Công ty TNHH MTV quản lý, khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị có gần 30 km kênh mương thuộc đơn vị quản lý bị hư hỏng nặng. Những thiệt hại về cơ sở vật chất, cây, con giống… trong đợt mưa lũ này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vụ sản xuất đông xuân 2020 – 2021 đang cận kề.

Ngành giao thông cũng đang tập trung tất cả nguồn lực khắc phục hậu quả mưa lũ khiến nhiều tuyến giao thông chính bị chia cắt do sạt lở như: Các vị trí Km 7+600, Km 10+976, Km 11+170 và Km 11+330 Quốc lộ 15D bị sạt taluy âm lấn sâu vào 1/3 mặt đường. Tại Quốc lộ 49 C, từ Km7+100 ÷ Km41+076 đang ngập nhiều đoạn. Đặc biệt, tại cầu Lệ Xuyên 1 - Km8+021: nền đường hai đầu cầu sau mố bị nước xói hàm ếch, rất nguy hiểm cho người qua lai, ngành giao thông đã tiến hành rào chắn, cấm các phương tiện lưu thông qua cầu. Tình trạng sạt lở, ách tắc giao thông cũng xảy ra ở nhiều đoạn trên Quốc lộ 9 như: Vị trí Km 51+00 (huyện Hướng Hóa), sạt lở Km 50+150, Km 44, Km 51 (huyện Đakrông) gây ách tắc giao thông. Tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây: tại vị trí Km 176, Km 186, KM15 và Km 19 (huyện Hướng Hóa); tại Km 252, Km 255, Km 267, Km 273, Km 283, Km 254+800 (huyện Đakrông) cũng bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông. Mặc dù rất nỗ lực nhưng đến nay nhiều tuyến đường tỉnh, giao thông nông thôn vẫn đang bị ngập lụt, sạt lở ảnh hưởng đến việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa cứu trợ cho người dân các vùng bị ngập lụt nặng.

Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có trên 1.300 phòng học, phòng chức năng công vụ, nhà ở tập thể, nhà bán trú cho học sinh, giáo viên bị ngập lụt trong đó có 319 phòng bị thiệt hại. Nhiều thiết bị dạy học, đồ dùng học tập cũng như bàn, ghế, hệ thống bếp trường mầm non… cũng bị ngập lụt, hư hỏng nặng. Đặc biệt, mưa lớn đã gây sạt lở làm sụp đổ dãy nhà nội trú của học sinh Trường THCS bán trú Húc, xã Húc (huyện Hướng Hóa).

Về thông tin liên lạc, đến nay ngành bưu chính vẫn chưa hoạt động được. Công tác ứng cứu thông tin gặp khó khăn do nhiều tuyến đường, khu vực bị phong tỏa do sạt lở và ngập lụt. Toàn tỉnh có 80 trạm viễn thông bị cô lập. Do mất điện nhiều nơi nên có 295 trạm đang chạy máy nổ để duy trì hoạt động, 20 trạm mất liên lạc, 14 tuyến cáp quang bị đứt trong đó chủ yếu là địa bàn 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa.

Lâm Thanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=152571