Thiệt hại tiền tỷ khi tàu bị mắc cạn
Hiện nhiều cửa biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau bị bồi lắng nghiêm trọng khiến tàu cá ra khơi hay vào bờ tránh trú bão gặp khó khăn. Tuy nhiên, cũng có cửa biển mới được nạo vét nhưng bị bồi lắng nhanh, khiến các chủ tàu bức xúc…
Vào đầu tháng 9, tàu thu mua hải sản của ông Trịnh Văn Đời (ngụ ấp 2, xã Khánh Hội, huyện U Minh) do tài công Trần Văn Tuấn điều khiển chạy từ cửa biển Sông Đốc về cửa biển Khánh Hội. Khi tàu vừa vào cửa biển Khánh Hội thì bị mắc cạn. Gặp lúc sóng to, gió lớn phương tiện bị phá nước chìm. Các thuyền viên trên tàu được lực lượng cứu hộ của Đồn Biên phòng Khánh Hội ứng cứu kịp thời, đưa vào bờ an toàn. Vụ chìm tàu cá gây thiệt hại cho ông Đời khoảng 1 tỷ đồng. Bao nhiêu vốn luyến ông dành dụm bị mất trắng.
Nhiều người dân bức xúc khi cửa biển Khánh Hội mới nạo vét, đưa vào sử dụng chưa đầy một năm mà tàu cá vướng cạn bất thường. Đại diện các chủ phương tiện khai thác thủy sản và các cơ sở, doanh nghiệp thu mua thủy sản trên địa bàn xã Khánh Hội đến UBND huyện U Minh yêu cầu sớm có giải pháp khắc phục để các phương tiện ra vào thuận lợi.
Dự án đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp bến cá Khánh Hội có tổng mức đầu tư hơn 134 tỷ đồng. Trong đó, hạng mục nạo vét luồng tàu dài 4,5km, hệ thống phao báo hiệu và trụ neo tàu (gói thầu số 17) với kinh phí trên 33 tỷ đồng. Hạng mục này do Công ty CP Xây dựng Hồng Lâm thi công vào tháng 12-2018, đã hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Nói về cửa biển bị bồi lắng sau chưa đầy một năm đưa vào sử dụng, một lãnh đạo UBND xã Khánh Hội nhận định: “Đơn vị thi công nạo vét cửa biển Khánh Hội đưa cơ giới vào lấy bùn nạo vét, đổ lên sà lan, rồi đưa vào cặp mé biển đổ xuống. Sau đó mới thổi bùn vào bãi tập kết. Có lẽ do bãi bùn đơn vị thi công thổi đi không hết nên nó chảy tràn ra tạo luồng gây bồi lắng cửa biển, khiến tàu bè ra vào bị mắc cạn”.
Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho biết sẽ kiểm tra thực tế nguyên nhân cửa biển bị bồi lắng. “Nếu kiểm tra xét thấy việc bồi lắng do yếu tố khách quan sẽ đề xuất biện pháp xử lý phù hợp. Còn nếu do thi công không đảm bảo dẫn đến cửa biển nhanh chóng bị bồi lắng sau khi nạo vét sẽ yêu cầu đơn vị thi công khắc phục”, ông Hoai nói.
Thời gian qua, nhằm tạo điều kiện để hạ tầng nghề cá phát triển, bằng nguốn vốn hỗ trợ từ Trung ương, các ngành chức năng tỉnh Cà Mau xây một số cảng cá kết hợp với khu tránh trú bão tại các cửa biển lớn. Tuy nhiên, một vấn đề rất bức xúc đối với các chủ tàu hiện nay là nhiều cửa biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau bị bồi lắng nghiêm trọng như Rạch Gốc, Cái Đôi Vàm, Sông Đốc… Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết trước bức xúc trong việc nạo vét các cửa biển bị bồi lắng trên địa bàn, tỉnh đã nhiều lần kiến nghị Trung ương bố trí vốn để thực hiện công tác nạo vét. Tuy nhiên, đến nay chưa có vốn nên chưa thể triển khai được. “Trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục có những kiến nghị với Trung ương làm sớm, tạo điều kiện cho các tàu cá ra khơi cũng như vào bờ an toàn, thúc đẩy dịch vụ hậu cần nghề cá trong bờ phát triển”, ông Nam nói.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thiet-hai-tien-ty-khi-tau-bi-mac-can-619544.html