Thiết kế mẫu nhà ở để triển khai hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát

Xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo và người có công với cách mạng. Theo rà soát của các huyện, thị xã, thành phố, hiện nay, toàn tỉnh có 741 hộ nghèo, hộ cận nghèo và 2.076 hộ gia đình người có công có nhu cầu xây mới, sửa chữa nhà ở. Tỉnh đặt mục tiêu hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa toàn bộ số nhà thuộc diện hỗ trợ trước ngày 15/11/2025.

THIẾT KẾ MẪU NHÀ - GIẢI PHÁP TIẾT KIỆM, HIỆU QUẢ

Một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình triển khai hỗ trợ là thiết kế các mẫu nhà phù hợp, có chất lượng tốt, tối ưu chi phí. Việc xây dựng nhà ở kiên cố, bền vững, bảo đảm công năng sử dụng và tiết kiệm chi phí là yêu cầu cấp thiết. Nếu mỗi hộ phải thuê thiết kế riêng, chi phí xây dựng sẽ tăng cao đáng kể. Vì vậy, việc có sẵn các mẫu nhà phù hợp sẽ giúp giảm chi phí, đồng thời giúp các hộ gia đình dễ dàng lựa chọn phương án xây dựng phù hợp với điều kiện kinh tế và nhu cầu sử dụng.

Thành phố Hưng Yên hỗ trợ xây nhà cho hộ nghèo tại xã Tân Hưng trong năm 2024

Thành phố Hưng Yên hỗ trợ xây nhà cho hộ nghèo tại xã Tân Hưng trong năm 2024

Ngày 24/10/2024, Bộ Xây dựng ban hành Công văn số 5999/BXD-QLN, yêu cầu các địa phương nghiên cứu, thiết kế tối thiểu 3 mẫu nhà ở điển hình, phù hợp với phong tục, tập quán, điều kiện sống của từng vùng. Các mẫu nhà phải đảm bảo tiêu chí về quy mô diện tích, yêu cầu kỹ thuật và chất lượng theo quy định. Cụ thể: Diện tích sử dụng tối thiểu 30m2 (đối với hộ độc thân, hộ người cao tuổi không nơi nương tựa thì không thấp hơn 18m2), bảo đảm “3 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng). Tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên. Các bộ phận nền - móng, khung - tường, mái phải được làm từ vật liệu có chất lượng tốt, bền vững, không sử dụng vật liệu tạm, dễ hỏng.

Vật liệu xây dựng được đề xuất làm nền - móng là sử dụng bê tông, gạch, đá, hoặc vật liệu có độ bền cao. Khung - tường sẽ làm bằng bê tông cốt thép, sắt, thép hoặc gỗ bền chắc; tường có thể xây bằng gạch hoặc đá. Ðối với mái nhà có thể là mái bê tông cốt thép, mái ngói hoặc mái tôn cách nhiệt có hệ thống đỡ chắc chắn.

Tùy vào điều kiện thực tế, có thể sử dụng các loại vật liệu có sẵn tại địa phương, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và bảo đảm chất lượng công trình. Bên cạnh yêu cầu kỹ thuật, kiến trúc của các mẫu nhà cũng cần phù hợp với đặc điểm văn hóa, phong tục của từng địa phương, góp phần tạo cảnh quan hài hòa với môi trường xung quanh.

MIỄN PHÍ 4 MẪU NHÀ ĐIỂN HÌNH ĐỂ NGƯỜI DÂN THAM KHẢO, LỰA CHỌN

Thực hiện nhiệm vụ của UBND tỉnh giao tại Thông báo số 405/TB-UBND ngày 21/11/2024, Sở Xây dựng đã nghiên cứu và thiết kế 4 mẫu nhà ở điển hình, kèm theo bảng khái toán vật liệu chính. Các mẫu nhà có diện tích từ gần 30m2 đến gần 80m2, với tổng chi phí xây dựng từ 76 triệu đồng đến 162 triệu đồng, tùy theo từng phương án thiết kế và điều kiện thực tế của các hộ gia đình.

Một mẫu thiết kế nhà được Sở Xây dựng thiết kế miễn phí để người dân lựa chọn

Một mẫu thiết kế nhà được Sở Xây dựng thiết kế miễn phí để người dân lựa chọn

Kỹ sư Nguyễn Trường Giang, Phòng Hạ tầng kỹ thuật và Nhà ở (Sở Xây dựng), cho biết: "Các mẫu thiết kế được nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo đảm tính kiên cố, phù hợp với nhu cầu sử dụng. Kết cấu chính gồm tường gạch, cửa nhôm kính, mái ngói hoặc tôn cách nhiệt. Bản vẽ kỹ thuật được thiết kế đơn giản, dễ hiểu, giúp người dân và thợ xây dựng có thể áp dụng thuận tiện trong thực tế".

Ðể các mẫu thiết kế phát huy hiệu quả, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức giới thiệu rộng rãi tới người dân. Mục tiêu là giúp các hộ gia đình có thể tham khảo, lựa chọn phương án phù hợp mà không phải tốn thêm chi phí thiết kế.

Việc xây dựng theo mẫu không phải là bắt buộc, người dân có thể linh hoạt điều chỉnh theo điều kiện kinh tế và nhu cầu sinh hoạt, miễn là bảo đảm tiêu chí về diện tích, chất lượng theo quy định. Sở Xây dựng sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ các hộ gia đình trong quá trình triển khai nếu gặp khó khăn, vướng mắc.

Bà Ðoàn Thị Sánh, ở xã Hải Thắng (Tiên Lữ) chia sẻ: Gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo, đang có nhu cầu xây nhà mới, qua tham khảo những mẫu thiết kế nhà ở do Sở Xây dựng thiết kế, tôi thấy rất đẹp và phù hợp. Các mẫu nhà đều chắc chắn, phù hợp với điều kiện sống ở quê. Tôi thích nhất là có thiết kế mái ngói vì vừa bền, vừa mát. Quan trọng hơn, mẫu nhà có dự toán rõ ràng, giúp tôi tính toán được chi phí, tận dụng vật liệu có sẵn để tiết kiệm.

Chương trình hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và người có công với cách mạng là một chính sách nhân văn, giúp các hộ gia đình ổn định cuộc sống. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, sự đồng hành của các cơ quan chuyên môn và sự chung tay của toàn xã hội, tin rằng mục tiêu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 15/11/2025 sẽ đạt được, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Vi Ngoan

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/thiet-ke-mau-nha-o-de-trien-khai-ho-tro-ho-ngheo-ho-can-ngheo-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-3179185.html