Thiết kế tối tân của hệ thống tên lửa chống tăng Kornet-E

Kornet-E là phiên bản xuất khẩu của hệ thống tên lửa chống tăng di động Kornet (ATGM) của Nga. Hệ thống Kornet lần đầu tiên ra mắt vào năm 1994 và do Cục Chế tạo và thiết kế dụng cụ KBP của Nga sản xuất. Hiện nay, hệ thống Kornet đang được sử dụng trong quân đội Nga và xuất khẩu sang Syria, Jordan, UAE, Kuwait, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Morocco, Algeria và Hy Lạp.

Thử nghiệm hệ thống Kornet-E ngoài thực địa. Ảnh: Rostec

Thử nghiệm hệ thống Kornet-E ngoài thực địa. Ảnh: Rostec

Kornet là hệ thống tên lửa chống tăng di động thế hệ thứ ba, được phát triển để thay thế các hệ thống tên lửa Fagot và Konkurs trong quân đội Nga. Hệ thống được thiết kế để tiêu diệt xe tăng, bao gồm cả những xe được trang bị giáp phản ứng nổ (ERA), công sự, quân sự cố thủ cũng như các mục tiêu quy mô nhỏ. Hệ thống Kornet có thể được trang bị cho nhiều loại xe bánh xích, bao gồm cả xe chiến đấu bộ binh BMP-3; cũng như hoạt động như một hệ thống di động, độc lập.

Năm 2005, khi vừa ra mắt, hệ thống Kornet-E đã được Chính phủ Eritrea đặt hàng. Năm 2010, Chính phủ Peru đã mua 244 hệ thống Kornet-E trị giá 24 triệu USD. Trong giai đoạn 2017-2018, Chính phủ Pakistan cũng đã mua số lượng lớn hệ thống Kornet-E. Vào năm 2012, Kornet-EM - một phiên bản khác của hệ thống tên lửa Kornet-E, đã được ra mắt với những cải tiến về tầm bắn và khả năng mang đầu đạn.

Bệ phóng bắn tên lửa của hệ thống Kornet-E được gắn với đầu đạn tích điện song song (HEAT) có khả năng đánh bại xe tăng được trang bị ERA hoặc phương tiện gắn đầu đạn nổ; đồng thời có thể chống lại boong ke, công sự và ụ lửa. Khả năng xuyên giáp của đầu đạn HEAT là 1.200mm với phạm vi là 5km. Hệ thống tên lửa Kornet-E có khả năng dẫn đường bằng tia laser bán tự động theo đường ngắm (SACLOS), bay dọc theo đường ngắm để tấn công mục tiêu trực tiếp.

Hệ thống tên lửa Kornet-E sử dụng kính ngắm nhiệt SAGER có chế độ xem cảm nhiệt. Bệ phóng bao gồm ống ngắm quang học, ống ngắm nhiệt, các ổ đặt và tên lửa được giữ trong các thùng chứa. Người điều khiển hệ thống sẽ sử dụng ống ngắm quang học để phát hiện và theo dõi mục tiêu. Kính ngắm nhiệt SAGER có ký hiệu tắt là 1PN80 và do Viện Quang học ứng dụng Nhà nước (NPO GIPO) của Nga sản xuất.

Hệ thống Kornet-E được đặt trên các loại xe bọc thép và xe chiến đấu bộ binh BMP-3. Xe BMP-3 được đưa vào sản xuất từ cuối những năm 1980 và đang được biên chế trong quân đội Nga. BMP-3 là một loại xe bánh xích, bọc thép và có khả năng đi trên địa hình bùn nước. Xe có một động cơ diesel 500 mã lực, nặng 18,7 tấn và có khả năng đạt tốc độ tối đa 70km/giờ và tầm hoạt động 600km. Xe được trang bị thiết bị quan sát ban đêm.

Hệ thống tên lửa Kornet-E còn có khả năng tự động nạp đạn và phóng đồng thời hai tên lửa vào một mục tiêu duy nhất. Hệ thống có thể mang theo 16 tên lửa cùng một lúc. Cần có hai binh lính để vận hành hệ thống Kornet.

Dựa trên thiết kế của hệ thống tên lửa Kornet-E, Cục Chế tạo và thiết kế dụng cụ KBP đã phát triển tháp pháo và tên lửa Kliver để lắp trên nhiều loại phương tiện, bao gồm xe bọc thép chở quân BTR-80 của quân đội Nga và xe chiến đấu bộ binh BMP-1. Các loại tháp pháo và tên lửa trên còn có thể được lắp đặt trên các tàu nhỏ như tàu tuần tra ven biển. Tháp pháo Kliver có thể mang 4 hệ thống tên lửa Kornet-E và 1 pháo 2A72 30mm. Nòng pháo có tầm bắn 4.000m và có thể bắn tốc độ 350-400 viên/phút. Ngoài ra, tháp pháo còn có một súng máy PKT 7,62mm. Tháp pháo có góc di chuyển 360 độ. Tổng trọng lượng của tháp pháo khoảng 1.500kg, bao gồm đạn dược và tên lửa. Hệ thống điều khiển hỏa lực tự động của tháp pháo bao gồm máy tính đường đạn, thiết bị ngắm nhiệt, máy đo xa laser và hệ thống ổn định.

Thu Minh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thiet-ke-toi-tan-cua-he-thong-ten-lua-chong-tang-kornet-e-post452626.html