'Thiết kế' và 'thi công' chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần thống nhất
Năm học 2022 - 2023 đã đến. Năm học này thật nhiều cảm xúc! Đại dịch Covid-19 vừa tạm lắng, sân trường được rộn rã đón học sinh và tổ chức khai giảng.
Trong đà phục hồi của kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19, năm học 2022 - 2023 bắt đầu. Tuy nhiên, câu chuyện giáo dục của nước nhà vẫn còn nhiều trăn trở, âu lo. Năm nay là năm đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới đối với học sinh lớp 10 - bước khởi đầu cho giai đoạn “giáo dục định hướng nghề nghiệp”.
Phụ huynh, học sinh và cả giáo viên vẫn còn băn khoăn về giải pháp tự chọn môn và nhất là phương án tuyển sinh đại học sau 3 năm nữa…
Kiên định với mục tiêu của chương trình mới từ chính các nhà trường
Mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xác định là “nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản; phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Từ mục tiêu chung, đã cụ thể hóa đối với từng cấp học:
(1) Giáo dục tiểu học: “nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản để học sinh tiếp tục học trung học cơ sở”.
(2) Giáo dục trung học cơ sở: “nhằm giúp học sinh củng cố và phát triển những kết quả của giáo dục tiểu học; có học vấn phổ thông ở trình độ cơ sở và những hiểu biết ban đầu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học trung học phổ thông, trung cấp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động”.
(3) Giáo dục trung học phổ thông: “nhằm giúp học sinh củng cố và phát triển những kết quả của giáo dục trung học cơ sở, hoàn thiện học vấn phổ thông và có những hiểu biết thông thường về kỹ thuật và hướng nghiệp, có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung cấp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động”.
Từ mục tiêu, chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thiết kế thành 2 giai đoạn chính: giáo dục cơ bản (tiểu học và trung học cơ sở) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (trung học phổ thông).
Như vậy, sau giai đoạn giáo dục cơ bản bảo đảm trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp sẽ là bước nối tiếp nhằm phát triển năng lực theo sở trường, nguyện vọng của từng học sinh, bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau giáo dục phổ thông - tiếp tục đào tạo ở trình độ đại học hoặc tham gia cuộc sống lao động.
Mỗi học sinh có tố chất khác nhau, mỗi gia đình có điều kiện khác nhau, vì vậy cần lựa chọn định hướng học tập cũng như ngành nghề cho phù hợp, để có cơ hội phát triển bản thân cũng như đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Các nhà trường phải hiểu đúng và kiên định mục tiêu của chương trình mới, kiên trì thực hiện và kiên quyết đổi mới. Tránh tình trạng dạy cho đủ tiết, đủ giờ còn kết quả hay mục tiêu của chương trình mới không cần quan tâm đến.
Còn đối với khía cạnh quản lý nhà nước thì cần ban hành chính sách, quy định và hướng dẫn thực hiện, giám sát và điều chỉnh việc thực hiện chương trình mới cho hợp lý.
Xét ở khía cạnh mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, thì việc triển khai vào thực tế sẽ không cần tới học thêm, học kèm. Nếu các trường vẫn nghĩ như cũ và làm như cũ thì mục tiêu giáo dục sẽ khó có thành quả như mong đợi.
“Thiết kế” và “thi công” chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần thống nhất
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được “xây dựng trên cơ sở quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”; “bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực người học thông qua nội dung giáo dục với những kiến thức, kỹ năng cơ bản, thiết thực, hiện đại, hài hòa đức, trí, thể, mĩ; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống; tích hợp cao ở các lớp học dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên; thông qua các phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi học sinh, các phương pháp đánh giá phù hợp với mục tiêu giáo dục và phương pháp giáo dục để đạt được mục tiêu đó”; “bảo đảm kết nối chặt chẽ giữa các lớp học, cấp học với nhau và liên thông với chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục nghề nghiệp và chương trình giáo dục đại học” và “được xây dựng theo hướng mở…” [1]
Đây là quan điểm “mới” thay cho “cũ”. Cái “cũ” được cho là “tiếp cận nội dung” nặng về lý thuyết, chú trọng đến truyền thụ và chủ yếu nhằm mục tiêu thi cử, đỗ đạt. Nay thay đổi để hướng đến “chú trọng hình thành phẩm chất và năng lực” “để sống và để biết làm việc”. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần triển khai dạy và học khác với trước đây.
Và dù có tiếp cận giáo dục theo hướng nào, thì mục tiêu phổ quát hướng đến vẫn là phát triển con người toàn diện, cả “chân - thiện - mĩ”.
Ở đó, người học được (1) phát triển tư duy khoa học để tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng khách quan; (2) phát triển tư duy thẩm mĩ để cảm nhận cái hay, cái đẹp; (3) phát triển tư duy đạo đức để hướng thiện tránh ác.
Và chỉ khi xác định đúng con đường dạy và học thì giá trị thực sự của giáo dục mới phát huy. Nghĩa là, quan điểm “thiết kế” và quan điểm “thi công” chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần phải được thống nhất.
Dấn thân để kiến tạo những con người hạnh phúc
Chúng ta thường nói “mưu cầu hạnh phúc là một mục tiêu cơ bản của con người” và khẳng định vai trò của giáo dục là quan trọng, để giúp mỗi người đến mục đạt đến mục tiêu “sống hạnh phúc” ấy.
Nhưng việc học của các em và việc dạy của thầy cô có lúc, có nơi vẫn loay hoay thành tích, điểm số… Còn phụ huynh thì lo trường, lo lớp, lo học thêm, học kèm… Đến nỗi quên mất cả việc con em muốn gì, cần gì và mục tiêu của giáo dục là nhằm hướng đến điều gì. Nếu cứ mãi như vậy, thì làm gì có hạnh phúc ở hiện tại để mà kiến tạo hạnh phúc ở tương lai?
Giáo dục đúng nghĩa không bao giờ là công việc dễ dàng. Đổi mới giáo dục cũng vậy! Ươm tạo những con người là công việc khó. Song, khó không có nghĩa là không thể. Nếu có niềm tin, kỹ năng và sự kiên trì đổi mới thực sự, mọi việc đều có thể làm được và làm tốt hơn.
Đối với giáo dục của chúng ta, thầy cô và học trò xét cho cùng cũng là những người thực hiện việc dạy và học. Giáo dục là để ươm tạo những con người phát triển, có tri thức, có kỹ năng, có nhân cách và để sống tốt hơn.
Để chạm được mục tiêu giáo dục ươm tạo những con người hạnh phúc ấy, có nhiều thứ cần phải thay đổi.
Nhưng trước hết và căn bản nhất vẫn là thay đổi từ bên trong. Do vậy cả thầy, cả trò, cả những người trong đội ngũ quản lý hãy bắt đầu từ “tư duy tích cực, hành động khẩn trương, thôi than vãn và đừng chờ đợi” để dấn thân.
Dấn thân vào giáo dục - “địa hạt tôn quý” - trong bối cảnh còn nhiều thách thức, gian nan là tạo ra những hành động thiết thực, góp phần tạo ra những giá trị đích thực của giáo dục.
Năm học 2022-2023 dù phía trước còn nhiều thách thức, nhưng ít nhất so với năm học 2021-2022, cả thầy, cả trò đã có niềm vui tựu trường, khai giảng, dạy và học trực tiếp, để cùng nhau kiến tạo những giá trị của giáo dục, kiến tạo những con người hạnh phúc.
Tài liệu tham khảo:
[1] Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.