Thiết lập cơ chế cạnh tranh lành mạnh cho thị trường bưu chính

Tốc độ tăng trưởng thị trường bưu chính giai đoạn 2016-2023 ở mức cao, đạt 13-31%/năm, song cũng bộc lộ nhiều vấn đề liên quan đến cạnh tranh... Vì vậy, cơ quan quản lý đang rốt ráo vào cuộc kiểm tra, giám sát để bảo đảm phát triển thị trường này một cách bền vững, lành mạnh.

Dây chuyền chia chọn hàng hóa của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tại Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh).

Dây chuyền chia chọn hàng hóa của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tại Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh).

Cạnh tranh giá khốc liệt

Hiện cả nước có gần 800 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ bưu chính và thị trường đang tiếp tục mở rộng với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước; dự kiến tốc độ tăng trưởng đạt 20-30%/năm.

Các doanh nghiệp bưu chính đang hoạt động dưới nhiều loại hình, với cơ cấu vốn có nhiều thành phần tham gia. Một số doanh nghiệp chiếm thị phần lớn có 100% vốn đến từ nước ngoài, tạo ra cuộc cạnh tranh về giá cước dịch vụ bưu chính. Một số doanh nghiệp sẵn sàng cung cấp dịch vụ với giá thấp để giành thị phần nội địa. Nhiều hãng có khuyến mại đến 10.000 đồng/đơn hàng, 15.000 đồng/đơn trọng lượng đến 3kg, 25.000 đồng/ đơn đến 5kg. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có phương án chi thêm nguyên vật liệu đóng gói, miễn cước… Thông tin từ Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, việc cạnh tranh về giá khiến cho tỷ suất lợi nhuận của ngành này rất thấp, chỉ khoảng 3%.

Bên cạnh đó, một số sàn thương mại điện tử còn hạn chế quyền lựa chọn của người tiêu dùng khi thành lập các đơn vị chuyển phát riêng trực thuộc sàn, đẩy hầu hết sản lượng qua các đơn vị chuyển phát này. Chẳng hạn, Shopee, Tiktok Shop… không cho phép người bán và người mua lựa chọn đơn vị vận chuyển. Việc này vừa xâm phạm đến quyền lợi của người tiêu dùng, vừa hạn chế các đơn vị vận chuyển khác. Đáng chú ý, các xe vận tải thông qua mô hình nhà xe trực tiếp nhận gửi hàng hóa xách tay cũng đang ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp bưu chính được cấp phép, gây thất thoát thuế.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bưu chính Việt Nam Nguyễn Trường Giang, những vấn đề nêu trên khiến môi trường kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính bị xâm phạm nghiêm trọng. Việc mất cân bằng về giá dịch vụ có thể khiến thị phần bưu chính trong nước bị thâu tóm. Sự bắt tay của các sàn thương mại điện tử và các hãng chuyển phát nước ngoài còn có thể dẫn đến nguy cơ thị trường bị thâu tóm cả về mặt hàng hóa lẫn dịch vụ hậu cần. Nguy cơ lớn là các doanh nghiệp chuyển phát trong nước sẽ rơi vào cuộc cạnh tranh không lành mạnh, bị ép giá, chi phối về sản lượng vận chuyển và dần bị thôn tính, mất dần vai trò dẫn dắt thị trường chuyển phát hàng hóa trong nước...

Lấy ý kiến sửa đổi Luật Bưu chính

Theo đại diện Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, cạnh tranh về giá cước dịch vụ bưu chính đang diễn ra khốc liệt có một phần nguyên nhân từ các quy định của Luật Bưu chính hiện hành, trong đó có các điều kiện khá "mở" đối với việc cấp phép kinh doanh. Chẳng hạn, luật chưa quy định khung giá thấp nhất cho hoạt động bưu chính, trong đó có hoạt động chuyển phát thương mại điện tử… Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc nở rộ gần 800 doanh nghiệp bưu chính đang hoạt động, trong đó, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chiếm thị phần lớn.

Trong khi đó, thương mại điện tử đang là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của thị trường bưu chính. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu vận chuyển hàng hóa qua kênh bưu chính sẽ tiếp tục tăng cao. Do vậy, nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ tiềm ẩn nhiều hệ lụy tiêu cực…

Để phù hợp với tình hình mới, Bộ Thông tin và Truyền thông đã lấy ý kiến các bên liên quan về việc sửa đổi, bổ sung Luật Bưu chính (năm 2010). Theo đó, lãnh đạo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel đều đề xuất bổ sung điều kiện kinh doanh với doanh nghiệp bưu chính có hoạt động chuyển phát hàng hóa thương mại điện tử. Đây cũng là quan điểm của Hiệp hội Bưu chính Việt Nam, đó là cần có quy định riêng quản lý toàn diện hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và hậu cần thương mại điện tử. Ngoài ra, Hiệp hội cũng kiến nghị quy định mức giá sàn cho một số sản phẩm bưu chính quan trọng, phổ biến, tránh việc bán dưới giá thành, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh. Đồng thời, Hiệp hội đề xuất bổ sung quy định cho phép các doanh nghiệp vận chuyển được liên kết với sàn thương mại điện tử để người tiêu dùng tự do lựa chọn đơn vị vận chuyển phù hợp.

Bên cạnh đó, nhằm từng bước thiết lập lại trật tự kinh doanh trên thị trường bưu chính, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã kiểm tra, giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ bưu chính của các doanh nghiệp được cấp giấy phép bưu chính trên địa bàn Hà Nội, qua đó đã thu hồi 30 giấy phép của 30 doanh nghiệp… Đặc biệt, mới đây nhất, Bộ đã công bố chất lượng dịch vụ bưu chính năm 2023 tại 10 doanh nghiệp, với tiêu chí đánh giá bảo đảm “tỷ lệ bưu gửi đáp ứng thời gian toàn trình cam kết”. Việc này tạo điều kiện cho khách hàng lựa chọn dịch vụ phù hợp với nhu cầu; giúp cơ quan quản lý nhà nước có cái nhìn tổng quan về thực trạng cung ứng dịch vụ bưu chính trong nước; đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo đảm chất lượng như cam kết.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thiet-lap-co-che-canh-tranh-lanh-manh-cho-thi-truong-buu-chinh-666671.html